17/02/2011 05:05 GMT+7

Vơ vét tài sản quốc gia

HIẾU TRUNG (Theo Huffington Post, Guardian, New York Times)
HIẾU TRUNG (Theo Huffington Post, Guardian, New York Times)

TT - Câu chuyện về những nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia đã lạm dụng quyền lực để vơ vét tài sản đất nước cho bản thân, gia đình và phe cánh mình. Họ đã làm điều đó như thế nào?

Hồi đầu tháng 2, một số chuyên gia về khu vực Trung Đông như giáo sư chính trị Amaney Jamal thuộc ĐH Princeton (Mỹ) ước tính gia đình cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak sở hữu tới 40-70 tỉ USD, tương đương tài sản của những người giàu nhất thế giới.

huZjVeYL.jpgPhóng to

Ala’a (trái) và Gamal Mubarak, hai người con trai đầy quyền lực của ông Mubarak - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ cho rằng đây là con số bị thổi phồng quá mức. Theo nguồn tin này, ông Mubarak và các con trai có ít nhất 5 tỉ USD. Gia đình Mubarak giấu phần lớn số tiền này trong các tài khoản ngân hàng ở châu Âu và đầu tư phần còn lại vào thị trường địa ốc nhiều quốc gia. Hôm 11-2, chính quyền Thụy Sĩ thông báo đã đóng băng một số tài khoản có thể thuộc về cha con Mubarak.

Từ “vốn chính trị” thành “vốn tài chính tư nhân”

Các chuyên gia về Ai Cập cho biết trong thập niên 1980, ông Mubarak quả thật có quyết tâm chống tham nhũng. Năm 1981, ông đã mở chiến dịch trấn áp các doanh nhân lợi dụng quan hệ chính trị để thu lợi và bắt giữ nhiều nhân vật thân cận với tổng thống bị ám sát Anwar Sadat. “Tuy nhiên khi thời gian trôi qua, những kẻ thân cận bên cạnh Mubarak bắt đầu lợi dụng quan hệ với tổng thống để kiếm chác - một doanh nhân người Mỹ gốc Ai Cập, có đầu tư vào quốc gia này, cho biết - Và một yếu tố quan trọng khác là các con của ông ta cũng bắt đầu nhảy vào kinh doanh”. Hai con trai của ông Mubarak là Gamal Mubarak và anh trai Ala’a là những nhân vật rất có máu mặt trên thương trường Ai Cập. Gamal làm ăn chủ yếu thông qua ngân hàng đầu tư lớn nhất Ai Cập EFG-Hermes.

Với tổng tài sản trị giá 8 tỉ USD, EFG-Hermes đóng vai trò trung tâm trong chương trình tư nhân hóa Ai Cập, theo đó các công ty nhà nước được bán lại cho những doanh nhân có quan hệ thân cận với chính quyền. Giữa thập niên 1990, Gamal rời Ngân hàng Mỹ (Bank of America) và lập ra Công ty đầu tư Medinvest Associates tại London với hai đối tác, chuyên hỗ trợ các nhà đầu tư phương Tây tìm mua cổ phần và các công ty ở Ai Cập. Nhưng tổ chức sở hữu Medinvest lại là quỹ chứng khoán quốc tế Bullion Company. Gamal sở hữu 50% cổ phần Bullion và Ala’a cũng là thành viên hội đồng quản trị. Bullion sở hữu 35% hoạt động đầu tư cổ phần của EFG-Hermes. Chi nhánh này quản lý 919 triệu USD.

Theo báo cáo “Tham nhũng ở Ai Cập” do các nhóm đối lập Ai Cập thực hiện năm 2006, Gamal và Ala’a kiểm soát một mạng lưới các công ty kiếm lợi từ thủ đoạn buộc các công ty nước ngoài phải chung chi hoa hồng khi vào làm ăn ở nước này. “Cách các con ông Mubarak kiếm bộn tiền không phải là ăn cắp từ ngân sách nhà nước mà từ việc đảm bảo rằng các công ty nước ngoài đến hoạt động tại Ai Cập phải chi hoa hồng 5-10% cho công ty do Gamal và Ala’a sở hữu”, một doanh nhân nước ngoài làm ăn tại Ai Cập cho biết. Ala’a còn sở hữu một công ty cung cấp dịch vụ cho toàn bộ các hãng hàng không tại Ai Cập. Năm 2001, khi Ala’a ký được hợp đồng giá hời để nhập khẩu dây an toàn, chính quyền Mubarak lập tức ra luật buộc mọi chiếc xe phải có dây an toàn. Giáo sư kinh tế Samer Soliman thuộc ĐH Mỹ ở Cairo đánh giá sự tham nhũng của gia đình Mubarak là “biến vốn chính trị thành vốn tài chính tư nhân”.

Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết ông Mubarak sống khá giản dị. Dinh thự chính của ông ở bên ngoài Cairo là một biệt thự cỡ vừa ở thị trấn Sharm el Sheik ven Biển Đỏ. Theo bài báo trên nhật báo New York Times năm 1990, ông Mubarak “có tiếng là liêm khiết”. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược!

Gia đình Mubarak còn kiếm tiền thông qua hoạt động đối tác với các công ty nước ngoài. Theo luật pháp Ai Cập, các công ty nước ngoài phải trao cho đối tác trong nước 51% cổ phần liên doanh của họ ở Ai Cập. “Với điều luật này, bất kỳ công ty đa quốc gia nào cũng phải có một “người đỡ đầu” địa phương, và người đỡ đầu này thường là thành viên của gia đình Mubarak hoặc các nhân vật có máu mặt trong đảng cầm quyền” - chuyên gia Aladdin Elaasar, tác giả cuốn sách Pharaoh cuối cùng: Mubarak và tương lai bất định, cho biết. Các nhân vật thân cận với chính quyền Mubarak cũng rất giàu. Taher Helmy, cố vấn của ông Mubarak và Gamal, và là chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Ai Cập, mới mua một căn hộ trị giá 6,1 triệu USD ở trung tâm New York. Ahmed Ezz, một cố vấn thân cận khác của Gamal, nắm thế độc quyền thị trường thép ở Ai Cập.

Tài sản rải khắp thế giới

Gia đình Mubarak còn sở hữu rất nhiều nhà đất ở các thành phố lớn khắp thế giới, từ London (Anh), Paris (Pháp) cho đến New York và Los Angeles (Mỹ). Trên thực tế, ông Mubarak có khá nhiều căn biệt thự ở thị trấn Sharm el Sheik và khu Heliopolis rất sang trọng ở Cairo, một căn hộ sang trọng cao sáu tầng ở trung tâm London, một biệt thự gần khu Bois de Bologne ở Paris và hai du thuyền. Trước khi ông Mubarak từ chức, người Ai Cập sống ở Anh đã đến biểu tình trước căn nhà ở London. Mỗi căn ở khu này có giá trị lên tới hơn 20 triệu USD.

Theo báo Ả Rập Al Khabar, gia đình Mubarak giấu phần lớn số tiền kiếm được trong các tài khoản tại ngân hàng Thụy Sĩ UBS và Ngân hàng Scotland. Tuy nhiên, thông tin này đã có từ mười năm trước và theo các chuyên gia Trung Đông, có thể tài sản của gia đình Mubarak đã được chuyển đến những nơi khác. Theo chuyên gia kinh tế Karly Curcio thuộc Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu (GFI), mỗi năm Ai Cập thiệt hại khoảng 6 tỉ USD do các hoạt động kinh tế mờ ám và tham nhũng của chính phủ. Từ năm 2000-2008, Ai Cập đã tổn thất tới 57,2 tỉ USD. Trong khi đó, rất nhiều người Ai Cập sống với mức thu nhập bèo bọt 2 USD/ngày.

Sau khi ông Mubarak từ chức, các lãnh đạo đối lập tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra toàn diện nhằm xác định tổng tài sản của gia đình Mubarak và thu hồi vào ngân sách nhà nước. “Chúng tôi sẽ mở mọi tập tài liệu, sẽ tìm kiếm mọi thứ, từ gia đình tổng thống đến gia đình các bộ trưởng” - ông George Ishak, lãnh đạo Hiệp hội Đổi mới quốc gia (NAC), khẳng định. Nhiều người Ai Cập cũng hi vọng chính quyền sẽ lấy lại được một phần tài sản đã bị gia đình Mubarak cướp. “Tôi sẽ hài lòng với cuộc cách mạng này nếu chúng tôi lấy lại vài tỉ đã bị đánh cắp”, anh Mohammed Fattouh, một công dân Cairo, cho biết. Những người khác khẳng định họ muốn Mubarak phải sống trong cảnh nghèo nàn để nếm trải những gì mà người dân Ai Cập nghèo khổ từng nếm trải.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định lần theo dấu vết nguồn tiền của gia đình Mubarak sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, bởi mọi hoạt động kinh doanh có liên quan đến gia đình Mubarak đều được thực hiện trong một nhóm nhỏ những người thân cận với cựu tổng thống.

________________________

Trước Mubarak một chút, Ben Ali, tổng thống bị lật đổ của Tunisia, đã “lộ mặt” bởi sau 23 năm “trị vì”, ông ta cùng gia tộc đã gom góp và kiểm soát tới 35% trong toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Câu nói nổi tiếng của ông này với gia tộc mình là: “Nếu muốn kiếm tiền thì nên vơ vét kin kín một tí!”.

Kỳ tới: “Tuyên ngôn” về vơ vét

HIẾU TRUNG (Theo Huffington Post, Guardian, New York Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên