08/02/2015 09:14 GMT+7

​Vô tâm dẫn đến bi kịch

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Hai người trẻ còn ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nhưng lại quan hệ yêu đương dễ dãi rồi gây nên vụ án khiến cả TP Cần Thơ xôn xao.

Bị cáo Dương và Thúy tại tòa
Bị cáo Dương và Thúy tại tòa

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thị Cẩm Thúy và Hồ Thành Dương quen biết nhau rồi sống chung như vợ chồng, dẫn đến việc Thúy mang thai. Do không nuôi nổi con nên họ bàn nhau đem con cho chùa nuôi dưỡng. Do quá nhớ con và không tin chùa, nên Thúy bàn với Dương đến bắt lại con, nhưng con đã bị đem cho, cả hai liền ẵm bé trai khác hơn 3 tháng tuổi mang đi.

Đem con cho nhà chùa

Chưa biết số phận đứa bé ở đâu

Luật sư Nguyễn Lê Huy Linh - bào chữa cho bị cáo Dương - phát biểu tại tòa: “Khi nhận bào chữa vụ án này, tôi rất đau lòng. Bởi việc phạm tội của cả hai xuất phát từ tuổi còn nhỏ bồng bột nông nổi.

Nếu như chùa còn nuôi đứa bé thì khi hai bị cáo đến đó thăm con hoặc xin lại con đem về nuôi ắt sẽ không xảy ra vụ án đau lòng này.

Đằng này chùa đem cho mà cho ai, ở đâu, cơ quan điều tra cũng chưa tìm ra được... Số phận đứa bé giờ không biết ra sao”.

Đứng trước vành móng ngựa tại TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ là hai bị cáo có khuôn mặt non choẹt ở tuổi 17. Cả hai đều ở tuổi vị thành niên, đều có cha mẹ giám hộ, được luật sư bào chữa miễn phí do tòa chỉ định.

Gương mặt cả hai căng thẳng, lo lắng. Bị cáo Thúy run bắn lên khi kiểm sát viên bắt đầu thẩm vấn: “Bị cáo làm nghề gì? Quen với Dương bao lâu rồi? Khi sống chung có nghĩ là mình sẽ có thai không? Tại sao đem con đi cho?”. Bị cáo Thúy lắp bắp:

“Năm 15 tuổi, bị cáo lên Cần Thơ bưng bê chạy bàn rồi quen với Dương, khoảng vài tháng thì theo Dương về nhà sống chung... Bị cáo cũng không nghĩ đến chuyện có thai... Tới lúc thai lớn không đi làm được, Dương thì chạy bàn bữa có bữa không, nuôi con không nổi... nên cả hai bàn nhau đem con cho chùa...”.

Còn khi bị thẩm vấn: “Thời điểm sống chung với nhau, Thúy chưa đủ 16 tuổi, tức là còn ở độ tuổi vị thành niên, có biết sống như vậy là vi phạm pháp luật hay không?”, Dương đáp quen nhau do mai mối, rồi nói chuyện thấy thích. Vài tháng sau đưa Thúy về nhà sống chung chứ không hề hỏi tuổi Thúy, không hề biết sống chung như vậy là phạm luật.

Trước câu hỏi của kiểm sát viên: “Dẫu gì đứa bé cũng là cốt nhục của mình, đem cho thì bị cáo có thấy áy náy, day dứt?”. Dương trả lời: “Bị cáo thấy có chút gì đó...”. Kiểm sát viên cố kìm giọng: “Bị cáo vô trách nhiệm đến mức tàn nhẫn, sinh ra con chi rồi lại bỏ con...”.

Riêng mẹ Dương, khi đứng lên trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử là sao lại để hai trẻ sống chung với nhau, bà trình bày: “Nghe con nói Thúy không có chỗ ở, thương tình tôi mới cho tá túc nhưng sau đó thấy không ổn, hai vợ chồng tôi phản đối quyết liệt nhưng cả hai bất chấp”. Việc đôi “vợ chồng” trẻ quyết định đem con cho chùa bà cũng biết.

Khi Thúy sinh con tại trạm y tế phường, bà và người làm công quả ở chùa đều có mặt. Đứa bé vừa lọt lòng mẹ một tiếng đồng hồ, chính tay bà trao nó cho người làm công quả đem về chùa.

Hội đồng xét xử hỏi: “Sao nỡ trao đứa bé cho người khác khi nó vừa lọt lòng mẹ chỉ mới một tiếng đồng hồ?”. Bà nói do bản thân làm thuê, chồng chạy xe ôm, phải thuê nhà trọ, không thể nào lo nổi.

Hội đồng xét xử phân tích khó khăn không phải là lý do chính đáng để bà đồng thuận với việc đem trẻ đi cho. Dẫu gì đứa trẻ cũng là cháu nội của bà, sao đối xử đành đoạn với cốt nhục của mình? Lúc đó bà mới nói: “Cô này quan hệ nhiều người... không biết con ai...”.

Hội đồng xét xử quay sang hỏi bị cáo Dương: “Đứa con mà Thúy sinh ra có phải là con bị cáo?”. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về Dương. Ngần ngừ một chút, bị cáo này thừa nhận: “Dạ. Nó là con của bị cáo”.

Càng về sau, gương mặt hai bị cáo càng tái xanh.

Trả lời câu hỏi của kiểm sát viên: “Đem con cho rồi sao lại đến chùa bắt trẻ lại?”. Bị cáo Thúy run run: “Từ lúc bé chào đời ngày 1-4-2014, bị cáo chưa hề nhìn thấy mặt con, không biết mắt mũi ra sao? Nhớ con quá nên 19 ngày sau khi cho con, bị cáo tìm đến chùa thăm con nhưng chùa nói rằng đã đem bé cho người khác. Bị cáo không tin nên bàn với Dương bắt lại. Nếu chùa thật sự đem bé cho người khác thì bắt trẻ khác về nuôi cho bớt nhớ con”.

Trưa 21-4-2014, Dương chở Thúy đến chùa, nhân lúc sư cô không để ý, Thúy ẵm bé trai hơn 3 tháng tuổi mang đi. Đến ngày 2-5-2014, nghe tin công an đang truy tìm người bắt cóc, cả hai hoảng sợ mang bé trả lại chùa, sau đó đến cơ quan điều tra đầu thú.

Kiểm sát viên hỏi khi biết đứa trẻ đó không phải con mình sao vẫn bắt, Thúy chỉ nói: “Quá nhớ con”. Kiểm sát viên truy vấn tiếp: “Mang trẻ về rồi cả hai có lo được cho con không?”. Cả hai đều nói không có khả năng. Thúy nói: “Chỉ dự định nuôi vài ngày cho đỡ nhớ rồi đem trả lại chùa”.

Giọng kiểm sát viên rắn lại: “Các bị cáo còn ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chưa nhận thức vai trò, trách nhiệm gia đình nhưng lại quan hệ yêu đương dễ dãi. Rồi vô tâm đến tàn nhẫn, nuôi con không được thì đem cho, nhớ con thì bắt về...”.

Bi kịch đau lòng

Giờ nghị án, tôi tìm gặp cha mẹ hai bên để hỏi vì sao không ngăn chặn từ đầu để dẫn đến bi kịch đau lòng như ngày hôm nay, mẹ của Dương cho biết ban đầu không nghĩ là hai đứa có tình ý với nhau, bà chỉ tội nghiệp Thúy còn nhỏ mà phải đi làm mướn, nếu thuê thêm chỗ trọ nữa thì làm sao đủ tiền sống nên bà đồng ý cho Thúy ở chung chỗ trọ của bà. Khi bà thấy hai đứa này nọ với nhau, bà có khuyên ngăn đến nặng nhẹ nhưng cả hai không nghe.

Bà rửa chén ở quán suốt, thỉnh thoảng mới về nhà trọ. Còn chồng bà chạy xe ôm suốt đêm. Dương và Thúy “canh me”, hễ ông bà có mặt ở nhà thì cả hai tránh đi, cả hai chỉ về nhà khi ông bà không có nhà. Thành thử việc Thúy mang thai ông bà đều không hay biết. Tới lúc bà phát hiện thì bào thai đã lớn, không thể phá bỏ được.

Mẹ Thúy cũng có mặt ở phiên tòa, ngồi khóc lặng lẽ ở ghế đá góc sân. Bà kể bằng giọng rời rạc buồn buồn rằng vợ chồng bà không có ruộng đất, quanh năm đi làm thuê suốt. Phận nghèo nên mới xót lòng cho con gái lên thành phố chạy bàn cho người quen. Dù gì công việc bưng bê thức ăn cũng đỡ hơn cấy thuê cày mướn. Lúc nghe tin con bỏ chỗ cũ đi làm chỗ khác, bà hốt hoảng đi tìm nhưng đứa con biệt tăm tích.

Bà khóc: “Phải chi nó nói cho tôi biết thì nghèo khổ cỡ nào tôi cũng không bỏ cháu của mình...”. Tới hồi con bị bắt, cơ quan điều tra đến tìm, bà mới hay sự việc. Từ ngày hay hung tin, không lúc nào bà không xâu xé tâm can trong nỗi hối hận bởi để con gái rời xa vòng tay cha mẹ quá sớm. Bà sợ sau này khi con thấu hiểu lẽ đời chắc chắn sẽ sống một đời dài trong dằn vặt bởi lỡ lầm của quá khứ.

Tòa tuyên án mỗi bị cáo 12 tháng tù cùng về tội “chiếm đoạt trẻ em”. Khi hai đứa con bị dẫn giải lên xe chuyên dụng, hai bà mẹ khóc ngất chạy theo. Mẹ của Dương cứ nhìn con trai mà khóc chứ không nói lời nào. Riêng mẹ của Thúy run run theo tiếng nấc khi nói với con: “Con ơi, ra tù về quê sống với mẹ, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, rồi đi tìm con của con, con ơi!”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên