09/09/2018 09:18 GMT+7

Vỡ đập bãi quặng thải ở Lào Cai: Bùn tràn về, dân bỗng trắng tay

CHÍ TUỆ - NAM TRẦN  - XUÂN LONG
CHÍ TUỆ - NAM TRẦN - XUÂN LONG

TTO - Tài sản của hơn 40 hộ dân tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai bị nước thải, chất thải chứa axit nồng độ cao nhấn chìm, cuốn trôi, cuộc sống bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề.

Vỡ đập bãi quặng thải ở Lào Cai: Bùn tràn về, dân bỗng trắng tay - Ảnh 1.

Bùn tràn về, nơi ở của người dân thị trấn Tằng Loỏng (Bảo Thắng, Lào Cai) tan hoang... Ảnh: N.TRẦN

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 8-9, tuy đã được khắc phục một phần sự cố vỡ đập bãi chứa quặng thải Nhà máy phân bón DAP của Công ty cổ phần DAP số 2, thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, nhưng ở tỉnh lộ 151 vẫn còn là cảnh tượng ngập tràn nước, bùn thải, không khí nồng nặc mùi axit.

Ngày 8-9, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định tạm dừng hoạt động nhà máy này, yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sau sự cố. Cùng ngày, đoàn công tác của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã kiểm tra trực tiếp khu vực vỡ đập hồ chứa, lấy mẫu chất thải, mẫu bùn để phân tích, đánh giá về mức độ ô nhiễm, tác động môi trường.

Cả khu phố bị nhấn chìm

Nằm ngay phía sau bờ đập bãi chứa quặng thải, nhà chị Nguyễn Thị Huê (tổ 7, thị trấn Tằng Loỏng) bị nhấn chìm trong bùn đất, chất thải kèm theo mùi hóa chất nồng nặc, trang trại nuôi lợn của gia đình chỉ còn... tường bao.

"Chừng hơn 12h (ngày 7-9), đang ở trong nhà, tôi nghe tiếng động ầm ầm như kiểu xoáy bão. Tôi chạy ra đằng sau xem bờ đập thì thấy cả bờ đập từ từ đổ ụp xuống và chỉ kịp chạy, chẳng kịp di chuyển đồ gì. Chỉ trong mấy phút, nước dâng vào nhà khoảng 1,5m, nhấn chìm toàn bộ tài sản của gia đình, trang trại mấy chục con lợn bị nước cuốn đi, đồ đạc gia đình hư hỏng hết" - chị Huê kể lại.

Sự cố vỡ đập xảy ra lúc mọi người đang nghỉ trưa nên không chỉ nhà chị Huê, mà hơn 40 hộ dân sống ở hai ven đường thôn Phú Hà, xã Phú Nhuận cũng chìm trong biển nước thải kèm bùn, đất với độ axit cao ngập vào nhà hơn 1m trong gần một giờ, cuốn trôi nhiều tài sản giá trị. Nhiều đồ dùng sót lại cũng bị hư hỏng nặng nề.

Có con lợn đất tiết kiệm của đứa cháu nội hơn 30 triệu đồng giờ cũng bị cuốn trôi mất

Ông Vũ Văn Quang (cư dân thôn Phú Hà, xã Phú Nhuận)

Ông Vũ Văn Quang vừa nhặt nhạnh vài món đồ đạc trong nhà vừa thất thần kể lại: "Đang đi làm thì tôi nghe tin vỡ đập, lúc về được đến nhà thì nước đã ngập vào đến nửa nhà rồi. Lúc đấy tôi chỉ biết lao vào bế cháu và dắt con dâu ra ngoài, không chạy được gì cả. Đồ đạc, đồ điện tử như tivi, tủ lạnh, máy tính, quần áo... bị ngâm trong nước thải axit và gần như hư hỏng hết".

Vỡ đập bãi quặng thải ở Lào Cai: Bùn tràn về, dân bỗng trắng tay - Ảnh 3.

Máy xúc được huy động để khai thông dòng chảy bùn thải, sau đó dùng vôi dung hòa axit - Ảnh: N.TRẦN

Đập đất thường xuyên rò rỉ

Theo ghi nhận, vị trí đập bị vỡ của bãi thải GYPS của Công ty cổ phần DAP số 2 nằm ngay cạnh tỉnh lộ 151, chiều dài thân đập vỡ chừng 50m. Đây là bãi thải rộng hàng chục hecta, chất thải rắn chất cao như núi, xung quanh bãi thải được gia cố bằng đập đất (nửa đào nửa đắp) cao hơn 10m, được lót bằng mảng chống thấm HDPE dày 1,8mm.

Hiện nay vẫn còn một bãi chứa nước thải, bùn thải cũng được gia cố bằng đập đất tương tự và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào khi mưa lớn liên tục những ngày qua. Trong ngày 8-9, lực lượng chức năng đang điều động máy xúc khắc phục tạm thời con đập.

Trực tiếp kiểm tra hiện trường, ông Hoàng Văn Vy - phó cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) - cho biết phạm vi đập vỡ có chiều dài tương đối lớn. Thông tin ban đầu, đoạn đập vỡ khoảng 40m nhưng trên thực tế, theo ông Vy, chiều dài đập vỡ lên tới 50-60m.

Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc đập hồ chứa bằng đất bảo vệ hồ chứa lượng nước thải, chất thải lớn như vậy, ông Vy khẳng định: "Tất nhiên bờ đập này không đảm bảo an toàn. Trước đây, Tổng cục Môi trường đã yêu cầu có biện pháp gia cố, nhưng phía chủ nhà máy đang trong giai đoạn làm thủ tục để xây dựng công trình".

Ông Vy cũng cho biết phía chủ nhà máy nhận thấy cần phải kiên cố đập chứa chất thải, vì thế ngày 29-8 đã có văn bản xin chấp thuận cho xây dựng gia cố hồ chứa. "Chắc chắn đợt này phải có công trình gia cố, hoặc là kè cứng bằng đá, hoặc là có công trình bêtông hóa. Nếu không thì khó đảm bảo an toàn.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai theo thẩm quyền đã cho dừng hoạt động. Trong ngày 8-9, phía chủ nhà máy cũng đã đắp xong đoạn đập bị vỡ, nhưng chắc chắn nếu không có biện pháp công trình, khắc phục, gia cố xong đập đã vỡ thì không cho phép hoạt động trở lại" - ông Vy khẳng định.

Được biết vào cuối tháng 7-2018, UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định xử phạt Công ty cổ phần DAP số 2 về hành vi "không vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường tại bãi thải đuôi quặng (bãi Gyps) của Nhà máy DAP số 2" với số tiền 150 triệu đồng, đồng thời yêu cầu đơn vị này có biện pháp xử lý công trình chắn nước bãi thải này, không để nước tràn ra môi trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng Hoàng Chí Hiền cho biết nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa lớn kéo dài những ngày qua làm rò rỉ nước khiến đập bị vỡ, lượng nước và bùn tràn ra ngoài môi trường khoảng 45.000m3, nước thải được xác định có đặc tính axit với pH=1,9.

Với độ pH ở ngưỡng như trên, theo các chuyên gia môi trường, rất nguy hại cho con người khi tiếp xúc tay chân trực tiếp và đương nhiên gây hại cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã triển khai khắc phục sự cố theo các mũi đắp lại bờ đập, rắc vôi bột ra các khu vực có nước thải tràn ra môi trường để trung hòa axit và thành lập hai đội tiến hành công tác thống kê thiệt hại cho người dân để lên phương án đền bù; thành lập một đội quan trắc môi trường nước xung quanh khu vực xảy ra sự cố.

"Còn về phương án xử lý lâu dài, chúng tôi chờ lãnh đạo tỉnh làm việc với phía công ty để có phương án giải quyết đền bù và di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm" - ông Hiền cho biết thêm.

"Để giảm thiểu tác động môi trường, chủ nhà máy đã sử dụng 500 tấn vôi bột rắc ở những nơi chất thải tràn xuống và rắc xuống cả những đoạn sông suối có chất thải tràn xuống.

Quá trình sử dụng vôi bột đã làm trung hòa axit, nên khi đo lại mẫu nước tại hai con suối dẫn ra sông Hồng trong ngày 8-9 cho thấy độ pH ở mức 6-7, đã về mức trung bình" - ông Vy cho biết.

Ngoài ra, theo ông Vy, do hướng chảy của hai con suối có đường dẫn ra sông Hồng ở đoạn thuộc địa phận Yên Bái, phía tỉnh Lào Cai cũng đã thông báo cho người dân biết để không lấy nước sinh hoạt, nuôi thủy sản.

Vỡ đập bãi quặng thải ở Lào Cai: Bùn tràn về, dân bỗng trắng tay - Ảnh 4.

Ông Vũ Văn Quang (cư dân thôn Phú Hà, xã Phú Nhuận)

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thanh - cục trưởng Cục Hóa chất, là đầu mối của đoàn kiểm tra của Bộ Công thương - cho biết thứ trưởng Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khắc phục sự cố, đánh giá, xem xét điểm xung yếu để có phương án tổng thể với khu vực bãi thải, tạo điều kiện để người dân sớm ổn định cuộc sống và nhà máy đi vào sản xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Cường - chủ tịch Vinachem - cho biết đã họp bàn với tỉnh và thống nhất biện pháp xử lý, khắc phục sự cố.

“Việc di dời dân, tỉnh và công ty đã có phương án, trong tuần sau ít nhất phải di dời được 10 hộ ở hai bên bờ suối, sau đó làm cuốn chiếu. Ngày mai và tuần sau sẽ kiểm đếm và đền bù thiệt hại cho người dân ngay.

Trước mắt đã hỗ trợ tiền cho 39 hộ dân bị ảnh hưởng, ngày mai tạm ứng tiếp tiền cho người dân” - ông Cường nói. (N.AN)

Vỡ hồ chứa bùn thải nhà máy phân bón tại Lào Cai Vỡ hồ chứa bùn thải nhà máy phân bón tại Lào Cai

TTO - Hồ chất thải tại Nhà máy DAP số 2 của Công ty cổ phần DAP số 2 thuộc Tập đoàn Hóa chất VN tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã bị vỡ làm khoảng 45.000m khối nước, bùn thải tràn ra môi trường.

CHÍ TUỆ - NAM TRẦN - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên