Ông Dũng và vợ tại tòa - Ảnh: Đ.T.
Sau gần một tuần nghị án, ngày 31-8, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tuyên vụ yêu cầu bồi thường oan sai giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Dũng (62 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) và bị đơn là Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Theo nội dung vụ án, tối 26-7-1979, một nhà máy xay lúa ở xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) xảy ra vụ cướp. Từ lời khai của một nghi phạm, ông Dũng cùng cha, mẹ, chị gái và 4 người khác lần lượt bị bắt.
Sau khi tạm giam bị can 4 năm, cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị can trên nên trả tự do. Quyết định đình chỉ điều tra các bị can được ban hành nhưng ông Dũng và những người liên quan không nhận được.
Phải đến tháng 4-2019, ông Dũng và những người liên quan mới được nhận quyết định đình chỉ bị can và giải oan.
Cuối năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức xin lỗi công khai. Tuy nhiên, cha của ông Dũng đã qua đời trước khi được xin lỗi.
Trong số 7 người (nhiều người đã mất) đồng ý nhận bồi thường thiệt hại, còn ông Dũng không đồng ý mức bồi thường thời điểm đó và khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương. Ông Dũng yêu cầu cơ quan gây oan sai phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, chi phí kêu oan, mất thu nhập gần 11 tỉ đồng.
Sau đó, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Dũng thay đổi yêu cầu bồi thường từ gần 11 tỉ đồng xuống 3,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Dương tuyên chỉ chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 1 tỉ đồng. Không đồng ý với phán quyết trên, ông Dũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 25-8, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án ra xử phúc thẩm. Tại tòa, ông Dũng yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh bồi thường 3,6 tỉ đồng.
Tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm buộc bị đơn bồi thường cho ông Dũng 1.386 ngày (khoảng 3 năm 10 tháng) bị tạm giam là chưa phù hợp. Mặc dù, nguyên đơn không còn bị tạm giam nhưng vẫn mang thân phận bị can thêm 13.112 ngày (khoảng 36 năm 10 tháng) nên viện kiểm sát phải có trách nhiệm bồi thường.
Đối với yêu cầu tổn thất sức khỏe, ông Dũng không có các chứng từ chứng minh thiệt hại nên tòa không có căn cứ xem xét. Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, tăng số tiền bồi thường cho ông Dũng lên hơn 2,5 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận