Hộp lá phổi bằng sắt lớn tại một trung tâm cấp cứu ở Boston năm 1955 - Ảnh: AP
Cuộc chiến chống virus bại liệt cuối cùng đã chiến thắng và để lại nhiều bài học đáng nhớ cho giới khoa học nghiên cứu thành công vắc xin ngừa COVID-19 đang cứu nguy thế giới hiện nay.
"Lịch sử đã cho thấy công chúng có thể chấp nhận nguy cơ từ vắc xin một khi đã nhận thức mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
GS DAVID ISAACS
Công ty nhỏ gây hậu quả lớn
Virus bại liệt polio (poliovirus) thuộc chi virus đường ruột (enterovirus). Cuối những năm 1940, dân Mỹ biết rất ít về virus này dù mỗi năm có hàng trăm ngàn người mắc bệnh và hơn 35.000 ca bại liệt. Họ chỉ biết bệnh bại liệt bùng phát bí ẩn vào những tháng cuối mùa hè.
Đến "mùa bại liệt", hồ bơi công cộng và rạp hát đóng cửa. Mọi người được yêu cầu tránh cống rãnh và cửa sổ không màn che, hạn chế đến nơi công cộng, tránh tập trung đông người.
Tâm lý hoảng loạn lan rộng đến mức các công ty bảo hiểm đã rao bán bảo hiểm bại liệt cho trẻ sơ sinh. Tại New York, nhân viên y tế sẵn sàng bắt trẻ em ở nhà hoặc trong sân chơi đi cách ly nếu nghi nhiễm bệnh.
Năm 1950, TS virus học Jonas Salk, giám đốc phòng thí nghiệm Đại học Pittsburgh, bắt đầu nghiên cứu vắc xin ngừa bại liệt. Với kinh nghiệm bào chế vắc xin ngừa cúm đầu tiên trong năm 1944 - 1945, ông suy nghĩ có thể dùng virus bất hoạt để tạo kháng thể ngăn chặn virus bại liệt.
Bí quyết ở đây là phải bất hoạt virus bại liệt sống ở mức vừa đủ sao cho virus không thể lây nhiễm nhưng cũng không làm quá mạnh tay phá hủy cấu trúc virus, vì như vậy không thể sản sinh kháng thể được nữa.
Tối 25-3-1953, TS Salk công bố trên Đài phát thanh CBS đã bào chế thành công vắc xin ngừa bại liệt. Năm sau, thử nghiệm vắc xin bại liệt bắt đầu với hơn 1,8 triệu trẻ em từ 6-9 tuổi tham gia. Đây là thử nghiệm y tế lớn nhất ở Mỹ vào thời đó.
Ngày 12-4-1955, Trung tâm Đánh giá vắc xin bại liệt (Đại học Michigan) thông báo vắc xin bại liệt Salk đạt kết quả "an toàn, hiệu quả, mạnh" với mức hiệu quả đạt 90%. Ba tiếng sau, Chính phủ Mỹ cấp ngay giấy phép sản xuất vắc xin cho bốn hãng dược lớn và Cutter Laboratories, một công ty gia đình ở California.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ngay sau khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà vắc xin bại liệt Salk ở Mỹ, một số ca mắc bại liệt không điển hình sau tiêm được ghi nhận. Dù vậy chiến dịch tiêm chủng vẫn tiếp tục thêm ba tuần nữa.
Đến khi có lệnh dừng tiêm vắc xin vào ngày 6-5-1955 thì đã quá muộn. Gần 400.000 trẻ đã tiêm vắc xin với 40.000 ca mắc bại liệt sau tiêm, 200 ca bị liệt và 10 ca tử vong.
Các ca mắc bại liệt sau tiêm đều được tiêm vắc xin do Công ty Cutter Laboratories sản xuất. Theo tài liệu của Thư viện Y học quốc gia Mỹ, kết quả kiểm tra cho thấy Cutter Laboratories áp dụng sai phương pháp bất hoạt virus.
Virus không bị ức chế đủ nên chưa bất hoạt trong hơn 100.000 liều. 16 lô vắc xin được đưa đi thử nghiệm lại. 6 lô sản xuất đầu tiên dương tính với virus bại liệt sống.
Sau đó, Viện Y tế quốc gia và dịch vụ y tế công cộng phải ban hành quy chuẩn tối thiểu về an toàn và năng lực trong sản xuất vắc xin bại liệt. Một ủy ban kỹ thuật được thành lập phụ trách thử nghiệm và xem xét các lô vắc xin bại liệt rồi đề xuất Dịch vụ Y tế công cộng lưu hành.
Trong bài phân tích trên tạp chí Science cuối tháng 5-1957, TS thống kê sinh học Paul Meier ở Đại học Johns Hopkins tóm tắt Chính phủ Mỹ đã phê duyệt kết quả thử nghiệm vắc xin bại liệt Salk mà không mảy may nghi ngờ, quy trình giám sát sản xuất vắc xin không đầy đủ, thậm chí nhà sản xuất vắc xin không công bố dữ liệu an toàn.
Hậu quả là niềm tin của người dân đối với vắc xin bị lung lay nên tỉ lệ tiêm chủng sau đó giảm hẳn. Các cơ quan y tế phải mở chiến dịch quan hệ công chúng trấn an dân chúng.
Bức không ảnh lịch sử chụp năm 1962 cho thấy người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin bại liệt tại San Antonio (bang Texas) - Ảnh: CDC
Bài học cho vắc xin COVID-19 thành công
Quá trình phát triển vắc xin COVID-19 hiện nay đạt tốc độ kỷ lục chỉ tròm trèm một năm đã thành công. Vắc xin bại liệt Salk chỉ mất 6 năm trong khi các khám phá y học thời đó phải cần trung bình 17 năm để chuyển giao từ phòng thí nghiệm sang giai đoạn điều trị bệnh.
Có hai yếu tố giải thích. Một là phần lớn kỹ thuật trong thiết kế và thử nghiệm vắc xin bại liệt đã được sử dụng trong phát triển vắc xin bệnh cúm. Hai là có nhiều yếu tố chính trị - xã hội tác động.
Virus bại liệt đặc biệt gây bệnh cho trẻ em nhiều hơn người lớn. Hình ảnh các hộp lá phổi bằng sắt (có chức năng máy thở) nhốt các bệnh nhân khó thở và các em học sinh mắc bại liệt mệt nhọc lê nạng gỗ đến trường đã làm nhân tâm xao xuyến.
Năm 1952, tức hai năm trước thử nghiệm vắc xin Salk, dịch bại liệt đã làm 58.000 ca mắc ở Mỹ, trong đó hơn 3.000 ca tử vong. Đây là yếu tố thúc đẩy cha mẹ sẵn sàng cho con cái tham gia thử nghiệm.
Ngoài ra, bệnh bại liệt đã trở thành chủ đề quốc gia khi ông Franklin D. Roosevelt mắc bệnh bại liệt được bầu làm tổng thống năm 1933. Hằng năm cứ đến sinh nhật, ông lại kêu gọi quyên góp tiền hỗ trợ điều trị và nghiên cứu bệnh bại liệt.
Từ đó, Quỹ nghiên cứu trẻ em quốc gia (NFIP) ra đời năm 1938. Quỹ đã tài trợ để tuyển dụng TS Jonas Salk vào Đại học Pittsburgh nghiên cứu vắc xin bại liệt, đồng thời giữ vai trò tài trợ và giám sát các thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa bại liệt Salk năm 1954.
Từ vắc xin bại liệt Salk, trên trang web The Conversation tháng 6-2021, GS David Isaacs ở Đại học Sydney (Úc) đánh giá công chúng sẵn sàng chấp nhận rủi ro từ vắc xin nếu nỗi sợ dịch bệnh lớn hơn nỗi sợ tiêm vắc xin.
Trong khi đó, các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý chuyên trách đã rút ra được nhiều bài học quý giá để phát triển thành công các loại vắc xin an toàn, hiệu quả.
Ông nêu ví dụ trong quá trình tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã xảy ra số ít trường hợp đông máu không điển hình. Ngay lập tức nhiều nước đã quyết định đình chỉ sử dụng vắc xin, nhất là đối với thành phần dân số trẻ.
Đây là phản ứng không cân xứng vì nguy cơ đông máu với vắc xin AstraZeneca cực kỳ thấp. Ngay cả bệnh COVID-19 cũng có nhiều khả năng gây đông máu hơn nhiều so với vắc xin.
Phản ứng này còn khiến người dân lo ngại phải tiêm vắc xin, như vậy đã bỏ qua lợi ích tạo miễn dịch cộng đồng. Ngay cả khi tỉ lệ mắc COVID-19 tăng lên, nguy cơ tử vong hàng loạt do COVID-19 vẫn cao hơn bất kỳ rủi ro nào phát sinh từ vắc xin.
GS David Isaacs ghi nhận trong quá trình triển khai tiêm vắc xin COVID-19 hiện nay, thái độ thiếu nhận thức về nguy cơ, khả năng khó tiếp cận vắc xin và thiếu niềm tin là các yếu tố chủ yếu khiến người dân ngần ngại tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, lực lượng y tế có thể củng cố niềm tin vào vắc xin COVID-19 của người dân bằng hình thức truyền thông cởi mở và trung thực về mức độ an toàn cũng như những rủi ro của vắc xin.
Ngoài ra, hình ảnh các nhà lãnh đạo quốc gia, nhà khoa học, bác sĩ với đầy đủ nhận thức đúng đắn tiên phong chích vắc xin COVID-19 đã tạo thêm niềm tin của người dân ủng hộ tiêm ngừa phòng chống đại dịch.
Cần phân biệt vắc xin phòng bệnh với vắc xin ngăn ngừa lây bệnh. Vắc xin bại liệt do TS Jonas Salk bào chế năm 1953 là loại vắc xin bất hoạt chỉ có chức năng phòng bệnh chứ không thể ngăn ngừa lây nhiễm nên không loại trừ hoàn toàn virus bại liệt.
Trong khi đó, vắc xin bại liệt qua đường uống do TS Albert Sabin bào chế vào năm 1961 sử dụng virus sống giảm độc lực lại chiếm ưu thế hơn vì rẻ tiền hơn, dễ sử dụng hơn và ngăn chặn thành công bộ ba nhiễm - lây - mắc bệnh.
*********
GS Ian Frazer từ Scotland đến Úc tìm hiểu về miễn dịch học, cuối cùng ông lại nghiên cứu thành công vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung. Ông được đưa vào danh sách các báu vật sống quốc gia của Úc.
>> Kỳ tới: Hai cuộc gặp và vắc xin HPV
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận