Hồng Thủy đoạt huy chương vàng cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014, cô dự thi với vai đào mụ - Ảnh: LINH ĐOAN
Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sáng 18-6 tại TP.HCM.
"Tiêu chí xét tặng dựa vào huy chương đã đúng chưa khi trong những cuộc thi người ta kháo nhau rằng đem bạc thật đi đổi vàng giả. Thực tế là có những NSƯT, NSND mà công chúng không hề biết.
Ông Lê Nguyên Hiều (Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM)
Cụ thể hóa trường hợp đặc biệt
Ông Giang Mạnh Hà - phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - đặt vấn đề phải tính toán thế nào là trường hợp đặc biệt. "Tôi nghĩ chúng ta nên quy chuẩn một cách cụ thể, rành mạch và rõ ràng. Các loại hình cải lương, tuồng, chèo, xiếc, múa rối... có những đặc thù riêng, không thể đưa chung vào quy chuẩn đánh giá nên rất phức tạp. Nếu anh đã chấp nhận cải lương có trường hợp đặc biệt thì tuồng, chèo, dân ca, xiếc... cũng sẽ có thắc mắc. Vì vậy, chúng ta phải tính toán quy chế đặc biệt thật cụ thể!".
Từ trăn trở đó, ông Giang Mạnh Hà đề nghị khi xét tặng nên có 2 bảng. Bảng "cứng" tuân thủ đúng quy chuẩn phải đầy đủ huy chương, thâm niên nghề nghiệp. Bảng còn lại dành cho các cá nhân có sự cống hiến, có sức lan tỏa, lâu bền trong quần chúng nhân dân với việc khắc họa, xây dựng hình tượng các nhân vật trên sàn diễn.
Ông Phi Vũ - phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - đề xuất xem xét lại điều 9, khoản 1, điểm d của dự thảo về việc xét tặng danh hiệu phải có ít nhất 2 giải vàng hoặc 1 giải vàng và 2 giải bạc quốc gia, trong đó phải có 1 giải thưởng của cá nhân (trường hợp xét NSƯT, với NSND phải có 2 giải vàng quốc gia, trong đó có 1 giải cá nhân).
"Xiếc chỉ có vài trường hợp đặc biệt diễn tiết mục đơn, còn đa phần biểu diễn tập thể (từ 2 trở lên). Đơn cử tiết mục Sức mạnh đôi tay của Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp đạt trình độ nghệ thuật không chỉ trong nước và quốc tế phải có sự kết hợp của 2 anh em. Do đó, với xiếc, quy định phải có 1 giải thưởng cá nhân cần được xem xét lại" - ông Vũ nói.
Nỗi niềm các đoàn tỉnh
Ông Ngô Quốc Khánh - phó giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu - đau đáu: "Đoàn chúng tôi bây giờ thực sự rất thiếu diễn viên. Tôi năn nỉ con muốn chết mà nó chẳng thèm theo nghề, bởi lương bổng có bao nhiêu đâu.
Hầu hết các bạn được tuyển vô được đào tạo chủ yếu thông qua hình thức truyền nghề. Đơn vị có điều kiện mới cho các em đi học lấy bằng cấp, rồi ít ra 5 năm sau mới vô biên chế. Nếu theo quy chế hiện tại, tính thời gian hoạt động chuyên nghiệp (tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc được ký hợp đồng lao động) 15 năm sau mới được xét NSƯT thì quá khó với các đơn vị phía Nam".
Ông Hồng Quốc Khánh - giám đốc Nhà hát Tây Đô - nêu ví dụ cụ thể về nghệ sĩ Hồng Thủy của đơn vị ông: "Nếu nghệ sĩ lớn tuổi được đặc cách thì không biết có đặc cách cho tốp nhỏ không? Đoàn tôi có đào chánh Hồng Thủy. 24 tuổi em tốt nghiệp trung cấp được nhận vào đoàn. Tới năm 2018 em có 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc toàn quốc, đã dư xét NSƯT so với quy định. Em năm nay 34 tuổi, và vẫn phải chờ thêm 5 năm nữa mới được xét tặng danh hiệu. Nghệ sĩ thì thanh sắc cũng có giới hạn, đợi tới NSƯT em cũng phải 40 tuổi".
Theo ông Quốc Khánh, đoàn tỉnh suất hát không nhiều, lại có quy định thù lao mỗi suất diễn, ví dụ có huy chương bạc được trả 400.000 đồng, huy chương vàng 600.000 đồng, NSƯT 800.000, NSND 1 triệu đồng. Vì vậy, việc có thêm danh hiệu ngoài vinh dự còn được hỗ trợ thêm vật chất để anh em bám trụ với nghề.
Ông Lưu Trọng Hồng - nguyên cục trưởng Cục Điện ảnh - góp ý về lĩnh vực điện ảnh trong phần bảng quy đổi giải thưởng. Theo ông, thế giới hiện có đến cả trăm cuộc liên hoan phim quốc tế nên giá trị giải thưởng cũng rất khác nhau. Ví dụ liên hoan phim Cannes, Berlin, Venice... xứng tầm mức quy đổi một Bông sen vàng (lấy Bông sen vàng - giải chính thức của Liên hoan phim quốc gia - làm chuẩn để quy đổi).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận