Đại diện 4 vở diễn nhận Huy chương vàng liên hoan (từ trái qua): Bão tố Trường Sơn, Tiếng giày đêm, Vùng lạnh và Hoa cúc xanh trên đầm lầy - Ảnh: GIA TIẾN
Sau 15 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 đã khép lại vào tối 25-4 với 4 Huy chương vàng và 6 Huy chương bạc cho các vở diễn; 39 Huy chương vàng và 63 Huy chương bạc cho cá nhân tham gia liên hoan.
Có thể nói từ cuộc trình diễn của 27 vở tham gia hội diễn, ít nhiều người xem nhận ra được hơi thở đời sống kịch nói hiện nay ra sao.
Không quá nhiều, nhưng đã có những vở diễn tạo được ấn tượng đẹp với người làm nghề và khán giả như Hiu hiu gió bấc, Bão tố Trường Sơn, Tiếng giày đêm, Khi con tốt sang sông, Yêu là thoát tội, Vùng lạnh, Gương mặt kẻ khác, Châu về hợp phố, Hoa cúc xanh trên đầm lầy...
“Điều quan trọng là ai cũng trông chờ sự công tâm của giám khảo để những giá trị thật được công nhận và người làm nghề thật sự có cơ hội học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm
Nghệ sĩ Hạnh Thúy
Niềm vui nhỏ
Điều đáng mừng là ở liên hoan này, bên cạnh một số gương mặt nghệ sĩ kỳ cựu, các sân khấu đã mạnh dạn trình làng một lớp diễn viên trẻ, làm chủ được sân khấu.
Phía Nam có các gương mặt Xuân Nghị, Xuân Trang, Tuấn Dũng, Gia Bảo, Huỳnh Tiến Khoa, Hồng Trang, Thu Trang, Khả Như, Diệu Nhi, Hoàng Giang, Maika, Hữu Đằng...
Phía Bắc có Thanh Sơn, Quỳnh Hoa, Chí Huy, Thu Quỳnh...
Trích đoạn vở Mua chồng - Video: GIA TIẾN
Nét mới năm nay là sự cố gắng khách quan của liên hoan khi ban giám khảo gồm những người không "dính líu" gì đến các vở dự thi (gồm tác giả Lê Quý Hiền - chủ tịch hội đồng giám khảo, ủy viên: NSND Đoàn Dũng, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, NSND Nguyễn Thị Lan Hương, NSƯT Công Ninh).
Bởi ở những cuộc thi trước đây, thành phần ban giám khảo bao giờ cũng tạo ra những xì xào. Cuộc thi nào cũng có vở của giám khảo, người của ban tổ chức, ban chỉ đạo đoạt giải cao.
Ban giám khảo của Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 - Ảnh: GIA TIẾN
Dường như liên hoan, hội diễn nào cũng vậy, kết quả hẳn sẽ không thể làm vừa lòng tất cả. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách giải cao nhất năm nay ít ra cũng không xảy ra tình trạng vở diễn bị người làm nghề chê bai... nhảy bổ lên nhận giải vàng!
Trích đoạn vở Nhà osin - Video: GIA TIẾN
Lo ngại với sự cũ kỹ và dễ dãi
Thế nhưng, điều khiến không ít người làm nghề băn khoăn là những vấn đề sau hội diễn, liên hoan. Những giải thưởng đã được trao nhưng liệu có bao nhiêu vở sẽ kéo dài tuổi thọ? Và những khó khăn mà các nhà hát, sân khấu kịch đang đương đầu để tồn tại còn đó.
Sân khấu vẫn thiếu kịch bản hay khi không ít vở diễn đoạt giải có kịch bản ra đời cách đây đã mười mấy, hai mươi năm.
Sân khấu xã hội hóa TP.HCM đang hoạt động chật vật ở những sàn diễn vay mượn và tạm bợ. Thật chạnh lòng khi đêm thi vở Đàn bà dễ có mấy tay ở Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận (sân khấu Hồng Vân), khán giả bước vào sảnh muốn... bể đầu vì tiếng nhạc xập xình do sảnh dưới được tận dụng để cho thuê đãi đám tiệc.
Hay sân khấu Minh Nhí nhỏ hẹp với khoảng 100 chỗ ngồi nép mình trong một hẻm nhỏ Sài Gòn. Các nghệ sĩ đang làm nghệ thuật trong điều kiện hết sức khó khăn.
Trích đoạn vở Đà bà dễ có mấy tay - Video: GIA TIẾN
Với các sân khấu phía Bắc, có những vở tạo được ấn tượng bởi nóng bỏng tính thời sự như Vùng lạnh, Mảnh đất lắm người nhiều ma...
Thế nhưng, dựng tác phẩm chỉ để đi thi, để đoạt giải, để người làm nghề vui với nhau thì chỉ là những khoảnh khắc, nhất là khi lộ trình tự chủ tài chính đang đến rất gần.
Có thể nói, trong các vở diễn dự liên hoan của sân khấu phía Bắc, chỉ có Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Nhà hát Tuổi Trẻ có vẻ cân bằng được yếu tố nghệ thuật và thị trường, khán giả có thể cười đấy rồi rưng rưng sau tiếng cười với những suy ngẫm sâu sắc về những phần tốt đẹp của con người đôi khi bị quên lãng, bị khuất lấp bởi những toan tính của cuộc sống bộn bề.
Các diễn viên nhận giải Diễn viên trẻ triển vọng - Ảnh: GIA TIẾN
Không ít vở phía Bắc cách dàn dựng còn rất cũ, lạc nhịp, diễn xuất của diễn viên còn bị gò bó, thiếu sự tung tẩy. Trong khi với sân khấu miền Nam, kịch bản đôi khi còn hời hợt, dàn dựng không khéo dễ sa vào tiếng cười dễ dãi...
Liên hoan - liệu có cần?
Cứ mỗi mùa liên hoan, câu hỏi này lại được đặt ra. Bởi những xì xào về chuyện chạy đua thành tích, làm mọi cách để có huy chương, giải thưởng, để có danh hiệu NSƯT, NSND này nọ.
NSND Lê Khanh - phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - chia sẻ "cần một giải pháp hợp lý nào đó chứ mãi như thế này thật sự không ổn, số lượng các huy chương sẽ ngày càng nhiều lên...".
Các diễn viên nhận huy chương vàng cá nhân - Ảnh: GIA TIẾN
Các diễn viên nhận huy chương vàng cá nhân - Ảnh: GIA TIẾN
Nghệ sĩ Hạnh Thúy cho rằng chị vẫn thấy liên hoan là cần thiết, là ngày hội cho anh em bạn nghề tụ hội: "Tôi thấy mình được nhiều từ liên hoan, như cách đây 10 năm sau khi đoạt giải đạo diễn xuất sắc với vở Dòng nhớ tôi được bạn nghề chú ý, có nhiều cơ hội trong nghề nghiệp.
Ngay trong liên hoan này, đạo diễn trẻ Minh Nhật với vở Hiu hiu gió bấc chắc chắn sẽ được để ý nhiều hơn, nếu không có liên hoan biết đâu tác phẩm không được lan tỏa như thế".
Đạo diễn, NSƯT Trần Lực:
Liên hoan phải tạo hiệu ứng xã hội
Đạo diễn, NSƯT Trần Lực chia sẻ anh lấy làm tiếc khi không biết sớm thông tin về Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018 để đưa Luc Team đến góp thêm màu sắc mới với vở hài kịch Nữ ca sĩ hói đầu của tác gia kịch nổi tiếng người Pháp Eugène Ionesco.
"Theo dõi mấy kỳ liên hoan gần đây vẫn thấy nặng về chuyện các nghệ sĩ có huy chương để còn xét tặng danh hiệu. Thêm nữa, liên hoan nào cũng đặt nặng về tiêu chí nghệ thuật mà lại không rõ ràng, nhiều khi có cảm giác như là cuộc vui cả làng.
Và theo tôi, liên hoan gì thì cũng phải tạo hiệu ứng xã hội, phải có sự lan tỏa chứ không sẽ trở nên vô ích. Tôi thấy các kỳ liên hoan vẫn chỉ là tạo hiệu ứng với người trong nghề theo kiểu đoàn A cho đoàn B xem. Người trong nghề cứ xem nhau mãi cũng chán" - đạo diễn, NSƯT Trần Lực trăn trở.
ĐỨC TRIẾT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận