22/11/2020 19:18 GMT+7

Vĩnh biệt thi sĩ Thơ Mới cuối cùng Nguyễn Xuân Sanh

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Ông Nguyễn Xuân Sanh - đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới - vừa qua đời ở tuổi 100 vào sáng nay, 22-11, tại Bệnh viện Hữu Nghị ở Hà Nội vì tuổi cao, sức yếu.

Vĩnh biệt thi sĩ Thơ Mới cuối cùng Nguyễn Xuân Sanh - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam

Hơn chục ngày trước, hôm 9-11, Hội Nhà văn Việt Nam mới tổ chức chúc thọ nhà thơ tròn 100 tuổi nhưng ông không thể đến dự.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói với Tuổi Trẻ Online nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã ốm từ lâu, ông vừa thăm thi sĩ đàn anh vài ngày trước trong Bệnh viện Hữu nghị.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết Nguyễn Xuân Sanh không chỉ là đại diện của phong trào Thơ Mới mà còn là người cách tân Thơ Mới ngay từ khi phong trào này vẫn còn rất mới với thi sĩ Việt.

Nhóm Xuân Thu Nhã Tập (thành lập năm 1939) mà ông là thành viên chính là một nhóm đầy ắp trăn trở tìm hướng phát triển thi ca, cách tân Thơ Mới. Nguyễn Xuân Sanh là người bắc nhịp cầu từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, người khởi động cuộc chạy tiếp sức của thơ Việt vào hiện đại với tác phẩm Buồn xưa, theo nhận định của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy.

Nhiều thế hệ học sinh hơn nửa thế kỷ trước còn nhớ hai bài thơ của ông được đưa vào chương trình môn tiếng Việt phổ thông là Nhớ dừaCô giáo lớp em.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Hữu Thỉnh - chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói Nguyễn Xuân Sanh có đóng góp lớn trong việc cách tân thơ, đào tạo nhiều nhà văn, dịch giả trẻ, giới thiệu nhiều tác gia văn học lớn của thế giới với bạn đọc trong nước.

Ông còn có nhiều đóng góp cho công tác đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam, là phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa đầu tiên, một lão thành cách mạng, hoạt động trong phong trào sinh viên - học sinh từ năm 1944, làm chủ nhiệm 3 tờ báo của sinh viên.

Ông Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Đà Lạt, nguyên quán Quảng Bình, lúc nhỏ theo học ở Trường Quốc học Quy Nhơn (cũ), sau đó chuyển ra Hà Nội.

Giống như nhiều thi sĩ đồng trang lứa đất Bình Định tài năng như Yến Lan, Chế Lan Viên…, ông ra mắt tác phẩm đầu tay là trường ca Lạc loài từ khi mới 15 tuổi, một tác phẩm phá vỡ những chuẩn mực thơ truyền thống.

Cầm bút từ thuở 15, Nguyễn Xuân Sanh để lại gia tài sáng tác đồ sộ cả thơ và văn xuôi.

Ngoài tác phẩm văn xuôi Anh hùng Trần Đại Nghĩa nhận giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam, ông là tác giả của nhiều tập thơ: Chiếc bong bóng hồng (1957), Tiếng hát quê ta (1958), Nghe bước xuân về (1961), Quê biển (1966), Đảo dưa đỏ (1974), Đất nước và lời ca (1978), Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh (1991), Một vườn thơ năm châu (1997), thơ văn xuôi Đất thơm (viết 1940-1945, in 1995).

Ông còn dịch nhiều tác phẩm nhà thơ các nước Ba Lan, Nga, Luxembourg, Pháp, Canada, Israel, Sénégal, Romania, Bulgaria, Đức...

Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996.

Vợ ông cũng là một nhà văn - văn sĩ Cẩm Thạnh.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên