Thông tin nêu trên được ông Đặng Ngọc Hòa - chủ tịch Vietnam Airlines - nêu ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa tổ chức.
Ông Hòa cho biết sau hơn 3 năm chống chọi COVID-19, Vietnam Airlines từng đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng nhìn lại 6 tháng đầu năm nay, ông Hòa đã "mừng" hơn vì kết quả kinh doanh hiệu quả.
Theo đó, vị này cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm nay hơn 4.600 tỉ đồng.
Dù thuận lợi có nhưng ông Hòa cho rằng khó khăn vẫn lớn. Trong đó, 6 tháng đầu năm, giá nhiên liệu tăng làm chi phí hãng bay quốc gia tăng thêm hàng nghìn tỉ đồng. Chưa kể tỉ giá từ đầu năm tới nay tăng 4,8%.
Một khó khăn khác được đề cập, đó là tình hình thiếu máy bay. Hiện các hãng bay Việt Nam chỉ còn hơn 160 tàu bay hoạt động.
Nhưng dù giảm máy bay, giờ bay Vietnam Airlines vẫn tăng so với năm ngoái để đảm bảo các chuyến bay của người dân.
6 tháng cuối năm, ông Hòa dự báo còn nhiều biến động khó lường.
Khác với nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, lãnh đạo Vietnam Airlines nói "mở mắt ra đã phải cạnh tranh 120 hãng hàng không quốc tế bay tới Việt Nam". Theo đó, hãng phải liên tục nâng cấp dịch vụ, chất lượng, an toàn...
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) được Chính phủ giao quản lý, kinh doanh vốn, tài sản tại 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ngoài Vietnam Airlines, còn nhiều doanh nghiệp khác như EVN, SCIC, PVN, MobiFone...
CMSC cho biết doanh thu hợp nhất 19 tổng công ty, tập đoàn ước đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và bằng 113% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 56.874 tỉ đồng, bằng 127% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch CMSC - cho biết về cơ bản, ủy ban đã thực hiện đầy đủ và ngày càng chuyên nghiệp quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm.
"Tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước...", ông Hoàng Anh thông tin.
Lãnh đạo CMSC cũng đề cập đến vấn đề cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Theo đó, vị này cho rằng việc cổ phần hóa để tăng năng lực kinh nghiệm, chuyên môn, tăng cường đội ngũ, để doanh nghiệp mạnh hơn, chứ không đơn thuần để thu tiền về.
Lượng công việc ủy ban lớn
Trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước được thực hiện đầy đủ nhưng còn chưa bảo đảm thời hạn theo quy định.
Nguyên nhân do khối lượng công việc của ủy ban lớn, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước trong khi số lượng cán bộ còn hạn chế, chưa đủ theo định biên. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định.
Ngoài ra, hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với mô hình cơ quan chuyên trách và yêu cầu, tính chất đặc thù của việc quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận