19/01/2011 08:02 GMT+7

Viết tiếp những ký ức tốt đẹp về Thầy

H.HƯƠNG
H.HƯƠNG

TT - Gần 100 ý kiến bày tỏ sự thương tiếc và nể trọng sau sự ra đi đột ngột của thầy Phạm Phú Quý, hiệu trưởng Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám, Q.Tân Bình, TP.HCM (Tuổi Trẻ ngày 16-1). Nhiều bạn đọc còn mong muốn đóng góp chia sẻ sự khó khăn của gia đình thầy.

Tiếc thương người thầy tuyệt vời

RhFole5E.jpgPhóng to
Học sinh Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám đến viếng thầy Quý - Ảnh: H.Hương

Ngày 18-1, chúng tôi trở lại nhà thầy ở con hẻm đường Tân Hương, Q.Tân Phú, nơi thầy sống cùng mẹ và em gái (thầy chưa lập gia đình). Đã năm ngày sau khi thầy Phạm Phú Quý ra đi, nhưng bà Nguyễn Thị Diên - mẹ thầy Quý, năm nay 74 tuổi - vẫn còn xúc động mạnh khi kể về con mình.

“Tội nghiệp thằng Quý quá! Đó giờ tôi cứ mắng oan nó. Thấy con ngày nào cũng 10g-11g đêm mới về đến nhà, chủ nhật cũng đi tôi mắng nó sao con đi đâu mà để ở nhà má trông vậy Quý, sao mày bất hiếu với má, đi chơi gì khuya khoắt mới về... Mắng vậy mà nó chỉ cười không thanh minh thanh nga gì. Bây giờ nó chết đi tôi mới biết hằng ngày sau giờ làm việc ở trường, nó phải đi dạy kèm toán để có thêm thu nhập nuôi má, nuôi em và trả tiền thuê nhà...”.

“Không biết có phải điềm gở không mà đang thuê nhà bên Bàu Cát cách đây hơn một năm, tự dưng anh Quý nói với má: Cả đời con không lo được cho má cái nhà để ở. Thôi thì con sẽ thuê cái nhà đàng hoàng cho má ở. Thế là chuyển về đây, nhà cao cửa rộng hơn...” - chị Kim Trúc, em gái thầy Quý, nghẹn ngào.

Còn bà Diên kể. “Tôi cứ nhắc miết rằng con phải lấy vợ đi. Nó bảo nhiệm vụ chưa xong, cưới vợ về rồi ở đâu. Bữa nó mất, bạn nó đến kể chuyện với tôi rằng nó đã nhịn ăn sáng hơn một năm nay để có đủ tiền trả tiền thuê nhà. Trời ơi, tôi đau ruột quá! Tôi đâu ngờ con tôi lại sống kham khổ, tiện tặn như thế. Nhiều bữa 10g đêm về đến nhà, tôi hỏi con có ăn cơm không, nó trả lời ngay: Dạ, ăn ăn, con đói lắm. Cứ tưởng nó muốn ăn cùng với má cho vui, đâu ngờ... Nó có hiếu lắm. Sắm cho má đầy đủ giường, nệm nhưng bản thân mình thì từ đó tới giờ toàn nằm đất. Trời nóng thì nằm thẳng xuống gạch, trời lạnh chỉ trải mỗi cái mền. Cả đời nó chỉ biết lo cho má, cho em”.

Chị Trúc bảo rằng đến lúc anh trai chết chị mới hiểu hết anh mình Mặc dù làm hiệu trưởng nhưng ngày lễ, tết ít thấy đồng nghiệp ở trường đến nhà chơi. Chị thắc mắc với anh thì nhận được câu trả lời: “Nghề giáo khổ lắm, không dư dả gì đâu, bắt người ta đến thăm mình tội người ta”.

Đến lúc anh mất mới thấy anh có quá trời người thương. Chị còn kể cách nay mấy năm, có lần một phụ huynh dắt theo hai con đến nhà xin gặp thầy Quý để cảm ơn, rằng ngày xưa gia đình họ khó khăn, đáng lẽ hai đứa con họ phải nghỉ học. Nhưng thầy Quý đã dang tay giúp đỡ, tự bỏ tiền túi đóng học phí cho hai trò. Bây giờ hai học sinh ấy đã được tuyển thẳng vào lớp 10, họ đến để cảm ơn.

“Trời ơi, thầy ở nhà thuê mà ở trường không ai biết. Những ngày lễ, tết anh em trong trường muốn đến nhà thăm, thầy từ chối: Tôi đang ở xa lắm. Mọi người nói muốn đến thăm má thầy thì thầy bảo rằng má tôi về quê. Năm trước, khi tôi đi xác minh lý lịch chuẩn bị kết nạp Đảng cho thầy, lúc đó mới biết địa chỉ nhà thầy. Khi hỏi về việc ở nhà thuê, thầy lại nói là một người bạn cho ở nhờ. Cuộc sống khó khăn nhưng khi đến trường thầy ăn mặc chỉn chu lắm. Thầy chỉn chu trong hết thảy cư xử với cấp dưới, con giáo viên bị bệnh đích thân thầy đi nhờ bác sĩ cứu chữa. Ngày sinh nhật của con tôi, thầy cũng nhớ và tặng hộp bút làm quà...” - cô Nguyễn Thị Dung, hiệu phó Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám, kể.

Ký ức tốt đẹp về thầy Quý chắc vẫn còn rất nhiều, thầy ra đi trong niềm thương tiếc của nhiều người nhưng tấm gương làm người của thầy chắc chắn sẽ còn khắc ghi trong tim nhiều người.

Mong tấm gương sáng của thầy được nhân rộng

Tôi đã khóc khi đọc bài báo này. Thật đáng trân trọng biết bao tấm lòng thương yêu học sinh của thầy Quý. Mong tấm gương sáng của thầy Quý ngày càng được nhân rộng. Mong mọi người tìm hiểu xem gia đình thầy có khó khăn gì để mọi người cùng chung sức tri ân một phần nhỏ nhoi đến tấm lòng của người thầy đáng kính.

Quan trọng nhất vẫn là đạo đức

Nghề giáo, một nghề thiêng liêng mà không phải ai cũng làm tốt được nếu chỉ có chuyên môn giỏi. Cái quan trọng nhất vẫn là đạo đức. Thầy Phạm Phú Quý làm tôi, một sinh viên, tin tưởng rằng vẫn có những người thầy có tấm lòng với đúng bản chất và ý nghĩa của nó. Mong rằng tất cả thầy cô giáo luôn mang trong mình những hoài bão, ước mơ làm đẹp cho đời, cho thế hệ trẻ và luôn giữ được cho mình tinh thần của người thầy, người cô đúng nghĩa.

Luôn nhớ thầy

Thầy ơi, sao thầy bỏ chúng con đi như vậy. Tụi con cứ nghĩ thầy sẽ sống mãi, nhìn tụi con tốt nghiệp cấp II rồi cấp III. Tụi con chưa làm gì cho thầy vui cả. Tụi con có thể làm gì để thầy quay trở lại. Tụi con nợ thầy lời cám ơn, nợ thầy lời xin lỗi. Thầy không có gia đình thương tụi con như con ruột vậy, con mất cha thì biết sống làm sao đây. Tuy bây giờ không được gặp lại thầy nữa nhưng tụi con vẫn luôn nhớ thầy. Thầy mãi là người thầy tuyệt vời nhất của chúng con.

Một trí thức chân chính

Tôi đọc đi đọc lại bài báo viết về thầy, càng đọc càng cảm nhận nhiều về tình thầy trò, về tâm huyết với nghề giáo và sự nhìn xa về tương lai của nước nhà qua hành động của thầy Quý. Muốn phát triển một quốc gia, dân trí là việc đầu tiên cần có. Dân trí, dân chủ, nhân tài và đạo đức là tài sản cao quý nhất mà một đất nước không thể thiếu. Thầy Quý đã thể hiện tình thương trong giáo dục để hướng thế hệ trẻ đam mê học hành, đó là nghĩa cử của một trí thức chân chính, không bị vật chất và đồng tiền chi phối.

Cho tôi xin được gọi thầy là Thầy - một tấm gương cho tôi soi lại bản thân mình.

H.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên