

Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn ngữ văn tại Trường THPT Bùi Thị Xuân - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sáng 27-5, hơn 100.000 học sinh lớp 12 tại TP.HCM tham dự kỳ thi thử tốt nghiệp THPT với môn thi ngữ văn. Các trường THPT trên địa bàn tự ra đề, đảm bảo bám sát cấu trúc và ma trận đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), đề thi ngữ văn thu hút sự quan tâm với cách tiếp cận gắn với các chủ đề xã hội và thời sự. Phần đọc hiểu sử dụng văn bản thơ "Nơi tôi sinh - Hoàng Sa" của tác giả Nguyễn Trọng Văn, nói về tình cảm gắn bó với biển đảo, qua hình ảnh người con sinh ra ở Hoàng Sa.
Các câu hỏi yêu cầu học sinh phân tích hình ảnh thơ và cảm xúc trữ tình gợi nhắc đến chủ quyền quốc gia, tình yêu quê hương từ góc nhìn cá nhân.
Phần nghị luận xã hội được dẫn dắt bằng một trích đoạn trong ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, đặt ra vấn đề: "Người trẻ cần phải làm gì để viết tiếp câu chuyện hòa bình?".
Đây là một câu hỏi mở, khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân gắn với các giá trị nhân văn và trách nhiệm công dân.
Bạn Đức Trí - học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân - cho rằng đề thi năm nay gợi cảm hứng bởi cách đặt vấn đề gắn với bối cảnh lịch sử và thời sự. Sự kiện 50 năm thống nhất đất nước khá gần gũi. Bạn làm bài khá thuận lợi và thấy vui vì được thể hiện góc nhìn riêng qua câu hỏi mở.
Cùng quan điểm, Trần Minh Thông - học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân - đánh giá cao cách đề thi khuyến khích học sinh bày tỏ cảm nhận cá nhân. Bạn kỳ vọng đề thi chính thức cũng sẽ có những câu hỏi tương tự để học sinh được chủ động hơn trong cách tiếp cận và trình bày vấn đề.

Học sinh tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Thầy Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng nhà trường - nhận xét đề thi thử tốt nghiệp THPT môn ngữ văn của trường năm nay có định hướng rõ ràng về giáo dục công dân. Theo thầy, câu hỏi "Người trẻ cần phải làm gì để viết tiếp câu chuyện hòa bình?" ngoài mang tính thời sự còn giúp học sinh suy nghĩ sâu hơn về vai trò của bản thân trong xã hội.
Thầy cho rằng: "Viết tiếp hòa bình còn là sống tử tế, nhân ái, tôn trọng sự khác biệt và có trách nhiệm với cộng đồng", đề thi đáp ứng được các yêu cầu cần đạt của một đề thi tốt nghiệp THPT đúng theo đúng tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo với chương trình mới 2018.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 28-6, theo kế hoạch vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Trong đó, ngày 25-6 thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 26-6 thi môn ngữ văn vào buổi sáng và môn toán vào buổi chiều; ngày 27-6 buổi sáng thi các môn tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, buổi chiều thi môn ngoại ngữ; ngày 28-6 là ngày thi dự phòng.
Kỳ thi áp dụng cho cả học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 2006, với bốn môn thi gồm hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn, cùng hai môn tự chọn.
Trong đó, ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Kết quả dự kiến được công bố vào ngày 16-7-2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận