20/08/2024 19:44 GMT+7

Việt Nam - Trung Quốc tăng cường tin cậy, hợp tác

Lễ đón trọng thể Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm tại Bắc Kinh vào ngày 19-8 phản ánh sự coi trọng của Trung Quốc đối với Việt Nam. Điều này kỳ vọng thúc đẩy quan hệ song phương đi vào giai đoạn mới, ngày càng ổn định và bền vững.

Việt - Trung tăng cường tin cậy, hợp tác - Ảnh 1.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: TTXVN

21 phát đại bác rền vang trong tiếng quốc thiều Việt Nam và Trung Quốc tại lễ đón chính thức Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào sáng 19-8. Đó là nghi lễ cấp cao nhất của Trung Quốc dành cho nguyên thủ nước ngoài đến thăm.

Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên và sự lựa chọn chiến lược trong chính sách ngoại giao láng giềng.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình nói với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước TÔ LÂM tại hội đàm.

Hợp tác thực chất hơn nữa

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, duy trì hòa bình và ổn định trên biển, đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững theo đúng phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt".

Hai Tổng Bí thư - Chủ tịch nước cũng đạt nhất trí cao về việc tăng cường tin cậy chính trị, duy trì giao lưu, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước. Trong đó coi trọng vai trò định hướng chiến lược của kênh đảng đối với tổng thể quan hệ song phương.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường và phát huy các lĩnh vực hợp tác thực chất. Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, trong đó thúc đẩy kết nối "hai hành lang, một vành đai" với "vành đai - con đường"; tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ; tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng; hợp tác kinh tế giữa các tỉnh biên giới; tăng cường giao lưu về cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên tăng cường hợp tác xây dựng các công trình lớn mang tính biểu tượng cao, tương xứng với tin cậy chính trị, thể hiện được trình độ phát triển và khoa học công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Ông cũng đề nghị Trung Quốc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chất lượng vào các công trình cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm của Việt Nam, tăng cường hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có nhiều ưu thế như kinh tế xanh, kinh tế số.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho rằng đây là thời điểm quan trọng để hai nước đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu và thực chất trên mọi phương diện.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng tăng cường nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam, mở rộng các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận thị trường nước này.

"Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy cả Việt Nam và Trung Quốc đều xem mối quan hệ song phương có tầm quan trọng hơn bao giờ hết. Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam hiện đang trong giai đoạn tốt nhất trong lịch sử của cả hai nước. 

Quan hệ chính trị là một yếu tố quan trọng; quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư cũng đang thúc đẩy mối quan hệ chiến lược giữa hai nước gần gũi hơn. Nhân dân hai nước kỳ vọng vào một mối quan hệ tốt đẹp hơn trong tương lai" - giáo sư Wang Wen thuộc Viện nghiên cứu tài chính (Đại học Nhân dân Trung Quốc) nhận định về kết quả hội đàm giữa lãnh đạo cao nhất của hai nước.

Về vấn đề trên biển, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi chân thành và thẳng thắn, nhất trí thực hiện tốt các nhận thức chung cấp cao đã đạt được, nỗ lực kiểm soát và giải quyết tốt hơn các bất đồng.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên cần tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, giải quyết các bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và thúc đẩy COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Việt - Trung tăng cường tin cậy, hợp tác - Ảnh 2.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay chào các cháu thiếu nhi trong lễ đón ngày 19-8 - Ảnh: Tân Hoa xã

Thiết lập quan hệ cá nhân 

Sau cuộc hội đàm sáng 19-8, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã trân trọng mời và cùng Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm dự tiệc trà. Đây là hình thức tiếp xúc đặc biệt, được hình thành và duy trì trong nhiều chuyến thăm cấp cao những năm gần đây giữa lãnh đạo cao nhất hai đảng, hai nước, thể hiện sự coi trọng, tinh thần "đồng chí, anh em" giữa lãnh đạo hai đảng, hai nước.

Trong không khí vui vẻ, ấm cúng, hữu nghị, hai Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đã cùng ôn lại truyền thống hữu nghị giữa hai đảng, hai nước. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi thân tình về văn hóa trà trong phong tục tập quán của mỗi nước. Đồng thời hai bên đã đánh giá lại các nhận thức chung vừa đạt được tại cuộc hội đàm và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát triển hơn nữa quan hệ song phương trên tầm cao mới.

Bình luận về điều này, giáo sư Wang Wen cho rằng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục thể hiện rõ đặc tính là do nguyên thủ quốc gia lãnh đạo và dẫn dắt. "Mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo của hai nước sẽ thúc đẩy đáng kể sự ấm lên liên tục của quan hệ song phương, thúc đẩy lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ xã hội" - ông Wang giải thích thêm với Tuổi Trẻ.

Thực tế tại Bắc Kinh đã cho thấy phần nào những gì giáo sư Wang nhận định khi trong cuộc hội đàm cấp cao, hai Tổng Bí thư - Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng, nhất là từ sau hai chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai đảng trong hai năm 2022 và 2023, quan hệ hai bên duy trì đà phát triển tích cực và đạt nhiều điểm sáng theo đúng các phương hướng "6 hơn".

Đó là tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng.

Hai phu nhân thưởng thức tiệc trà

Việt - Trung tăng cường tin cậy, hợp tác - Ảnh 3.

Phu nhân Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm, bà Ngô Phương Ly (trái) và phu nhân Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, giáo sư Bành Lệ Viên, tại tiệc trà ngày 19-8 - Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Ngày 19-8, phu nhân Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giáo sư Bành Lệ Viên, đã mời phu nhân Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm, bà Ngô Phương Ly, thưởng thức tiệc trà và xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc.

Theo TTXVN, phu nhân Ngô Phương Ly bày tỏ vui mừng được gặp phu nhân Bành Lệ Viên và trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân thiết của phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Ngô Thị Mận, tới bà Bành Lệ Viên.

Đáp lại, giáo sư Bành Lệ Viên nhiệt liệt chào mừng phu nhân Ngô Phương Ly đến thăm Trung Quốc, bày tỏ vui mừng được gặp gỡ bà Ngô Phương Ly, đồng thời chuyển lời thăm hỏi thân thiết tới bà Ngô Thị Mận.

Hai phu nhân đã dành thời gian trao đổi, chia sẻ về những nét văn hóa của hai nước Việt Nam, Trung Quốc.

Bà Bành Lệ Viên nhắc lại kỷ niệm và ấn tượng tốt đẹp trong các chuyến thăm trước tới Việt Nam, đồng thời giới thiệu về một số nét nghệ thuật, văn hóa tiêu biểu của Trung Quốc. Phu nhân Ngô Phương Ly cũng chia sẻ cảm nhận của mình về nền văn hóa đặc sắc Trung Quốc.

Thúc đẩy gắn bó hữu cơ cùng phát triển

Việt - Trung tăng cường tin cậy, hợp tác - Ảnh 4.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

Ý nghĩa chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm không chỉ nhằm nhấn mạnh tình hữu nghị truyền thống, vừa là đồng chí vừa là anh em, mà còn thể hiện tầm cao mang tính chất chiến lược, đi vào chiều sâu và thực chất trên mọi phương diện của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Ý nghĩa quan trọng đầu tiên là làm sâu sắc mối quan hệ ở tầm cao mới của hai nước. Tuyên bố chung vào cuối năm 2023 giữa hai nước đã đề ra phương hướng "6 hơn", trong đó tin cậy chính trị cao hơn được coi là mục tiêu đầu tiên cần phải đạt được.

Khi nhìn vào thành phần đoàn đại biểu Việt Nam với các nhà lãnh đạo từ các ban ngành khác nhau trong Đảng và Chính phủ, cũng như thành phần tiếp đón của nước chủ nhà Trung Quốc, chúng ta có thể thấy có sự trao đổi, hợp tác chặt chẽ toàn diện ở nhiều khía cạnh và lĩnh vực giữa hai bên trong chuyến thăm lần này. Hai bên cam kết sẵn sàng tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý đảng và nhà nước, cũng như nâng cao trình độ hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản trị quốc gia.

Ngoài ra, chuyến thăm lần này đánh dấu mối quan hệ Việt - Trung lên tầm cao mới khi nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn đẩy nhanh quá trình "kết nối cứng" đường sắt, đường cao tốc và cơ sở hạ tầng cảng và tăng cường "kết nối mềm" của hải quan thông minh và hợp tác để tạo ra chuỗi cung ứng và công nghiệp an toàn và ổn định.

"Kết nối cứng" và "kết nối mềm" giữa hai quốc gia láng giềng Việt Nam và Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự gắn bó hữu cơ "cùng phát triển" giữa hai quốc gia cùng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. "Kết nối" nhanh chóng và tiện lợi hơn cũng sẽ thúc đẩy sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ, du lịch, giao lưu văn hóa, trao đổi giáo dục, tiếp xúc nhân dân giữa hai nước và làm sâu sắc sự thông hiểu lẫn nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Điều này thể hiện ở việc Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình cùng chứng kiến các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết các văn kiện trên các lĩnh vực hợp tác khác nhau giữa trường đảng hai nước, xuất nhập khẩu nông sản, kiểm tra và kiểm dịch hải quan, phát thanh truyền hình, nghiệp vụ truyền thông báo chí, y tế, cơ sở hạ tầng, kinh tế thương mại, công nghiệp, tài chính và ngân hàng.

Về ý nghĩa hợp tác và trao đổi kinh nghiệm cải cách xã hội chủ nghĩa, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc đi sâu cải cách toàn diện hơn nữa và thúc đẩy mở cửa hơn nữa sau Hội nghị Trung ương 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 vừa rồi sẽ mang lại động lực mới và cơ hội mới cho sự phát triển của nền kinh tế các nước trong đó có Việt Nam.

Trong bức tranh tổng thể của mối quan hệ song phương vẫn còn một số điểm bất đồng, Việt Nam thể hiện sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để giải quyết hợp lý các khác biệt trên Biển Đông và cùng bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực. Các cơ chế trao đổi, đàm phán giữa hai bên về vấn đề trên biển được duy trì thường xuyên.

Mối quan hệ Việt - Trung ngày càng khắng khít hết sức quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung không có dấu hiệu giảm bớt.

Mối quan hệ song phương Việt - Trung cũng sẽ là hình mẫu cho các mối quan hệ khác ở khu vực Đông Nam Á về việc cùng hướng về tương lai chung. Năm tới 2025 cũng là năm mà Việt Nam và Trung Quốc đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đó là một mốc son mới.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

Việt - Trung tăng cường tin cậy, hợp tác - Ảnh 5.Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến các lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc

Ngày 19-8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh và Thủ tướng Lý Cường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên