Mặt trăng nhìn từ Trái đất trong hiện tượng siêu trăng (trái) và khi bình thường (phải) - Ảnh: GETTY IMAGES
Đây cũng là siêu trăng thứ hai trong năm 2020. Trong lần siêu trăng này, Mặt trăng sẽ đạt kích thước lớn nhất vào lúc 0h47 ngày 10-3.
Theo NASA, siêu trăng là hiện tượng trăng sáng hơn mức bình thường do vị trí giữa Mặt trăng và Trái đất gần hơn mức trung bình trên quỹ đạo chuyển động.
Cụ thể, trên quỹ đạo, vị trí xa nhất của Mặt trăng so với Trái đất là khoảng 406.700km, trong khi gần nhất là khoảng 356.400km. Trường hợp siêu trăng diễn ra, khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất sẽ dưới 359.000km.
Chẳng hạn ngày 10-3 tới, khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất sẽ là 357.405km. Khoảng cách càng ngắn thì độ sáng của Mặt trăng nhìn từ Trái đất càng rõ.
Trong siêu trăng, Mặt trăng sẽ sáng hơn mức bình thường từ 10-30% - Ảnh: GETTY IMAGES
Trong siêu trăng, khi quan sát từ Trái đất, Mặt trăng lớn hơn khoảng 7-10% và sáng hơn khoảng 10-30% so với trăng tròn bình thường.
Ngoài ra, siêu trăng đi liên tiếp 3 lần do mối liên kết phức tạp giữa Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời về quỹ đạo chuyển động.
Điển hình, đợt siêu trăng cuối năm 2017 đầu năm 2018 rơi vào các ngày rằm gần nhau là 3-12-2017, 2-1-2018 và 31-1-2018. Hay năm 2020, siêu trăng đi 4 lần kề nhau, lần lượt là ngày 9-2, 10-3, 8-4 và 7-5.
Ước tính khoảng 25% lần trăng rằm là siêu trăng.
Trăng tròn tháng 3 (dương lịch) còn được gọi là trăng giun đất do người bản địa Bắc Mỹ nhận thấy đây là thời điểm mặt đất trở nên tơi xốp và giun đất bắt đầu xuất hiện trở lại sau kỳ nghỉ đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận