Thứ 3, ngày 26 tháng 1 năm 2021
Việt Nam phóng vệ tinh siêu nhỏ NanoDragon cuối năm nay
TTO - Vệ tinh siêu nhỏ NanoDragon, do đội ngũ kỹ sư Việt Nam chế tạo ngay tại Việt Nam, sẽ được phóng lên vũ trụ vào cuối năm 2020.

Các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu chế tạo vệ tinh MicroDragon và đã phóng thành công vào vũ trụ với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản - Ảnh: T.HÀ
Vệ tinh siêu nhỏ NanoDragon này, sản phẩm của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), sẽ được phóng lên vũ trụ vào cuối năm 2020 theo chương trình phóng tên lửa của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
TS Lê Xuân Huy - phó tổng giám đốc VNSC - cho biết tiếp theo vệ tinh MicroDragon (chế tạo với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản và đã được phóng thành công lên vũ trụ vào tháng 1-2019), hiện VNSC đang nghiên cứu, chế tạo vệ tinh NanoDragon có khối lượng 10kg.
Khi phóng lên vũ trụ, NanoDragon có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng dòng vệ tinh nano.
Đây là sản phẩm từ đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020 do VNSC thực hiện.
Vệ tinh NanoDragon đã được JAXA thông báo đồng ý đưa lên quỹ đạo theo "Chương trình trình diễn công nghệ vệ tinh tiên tiến 2" dự kiến vào cuối năm 2020.
NanoDragon là bước tiếp theo trong tiến trình làm chủ công nghệ vệ tinh ở Việt Nam. Trước đó, vào lúc 8h55 (giờ Hà Nội) ngày 18-1-2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã được phóng lên vũ trụ, tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian, đánh dấu việc Việt Nam có thể làm chủ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ 50kg.
Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, để làm chủ công nghệ vệ tinh, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đặt ra một lộ trình. Theo đó, Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh thông qua việc thiết kế, chế tạo từ vệ tinh siêu nhỏ, vệ tinh nhỏ đến những vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến nhất là công nghệ radar (LOTUSat-1).
Ở nước ta, việc làm chủ công nghệ vệ tinh còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Hằng năm, Việt Nam đối mặt với nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ước tính thiên tai có thể gây thiệt hại 1,5% GDP, tương đương khoảng 3,2 tỉ USD mỗi năm.
Theo báo cáo của NASA, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5-10% tổng thiệt hại do thiên tai gây ra (khoảng 0,05% GDP). Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến.
-
TTO - Sáng nay 26-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.587 đại biểu chính thức, đại diện cho 5,1 triệu đảng viên trên toàn quốc.
-
TTO - Bốn mũi nhọn kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hạt gạo, con tôm, cá da trơn và trái cây đang không chỉ đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân nơi đây, mà còn đang ngày càng khuếch trương thương hiệu Việt Nam...
-
TTO - Tờ South China Morning Post (SCMP) gây ấn tượng mạnh với số báo ra trước ngày khai mạc Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quốc kỳ Việt Nam được in trọn vẹn một trang kèm dòng chữ chú thích: 'Ngôi sao đang lên của châu Á'.
-
TTO - Đường phố TP.HCM những ngày này rợp cờ đỏ sao vàng cùng panô, apphich chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra tại thủ đô Hà Nội.
-
TTO - Sáng nay 25-1 (giờ Pháp), Tòa đại hình Evry đã mở phiên tranh tụng liên quan vụ khởi kiện của bà Trần Tố Nga - công dân Pháp gốc Việt, chống lại các công ty hóa chất quốc tế đã sản xuất chất độc da cam rải xuống Việt Nam.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận