19/12/2019 15:49 GMT+7

Việt Nam nhập khẩu mỹ phẩm nhiều nhất từ Hàn Quốc do... phim ảnh

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Cứ 2 người mua sắm hàng tiêu dùng nhanh trên online thì lại có 1 người mua ít nhất một sản phẩm làm đẹp ở Việt Nam. Nguyên nhân là do ảnh hưởng đến từ làn sóng Hàn Quốc trên phim ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình thực tế, ẩm thực, du lịch.

Việt Nam nhập khẩu mỹ phẩm nhiều nhất từ Hàn Quốc do... phim ảnh - Ảnh 1.

Giới trẻ tìm mua mỹ phẩm tại các shop chuyên doanh trong các trung tâm thương mại hiện đại - Ảnh: Q.ĐỊNH

Thông tin này vừa được Kantar Worldpanel, công ty đa quốc gia chuyên nghiên cứu hành vi mua sắm người tiêu dùng toàn cầu, công bố trong khảo sát thị trường làm đẹp Việt Nam, ngày 19-12.

Kết quả khảo sát ghi nhận tại bốn thành phố chính của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, khi ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chỉ tăng 2,3% thì ngành hàng chăm sóc sắc đẹp tăng đến 7%  trong khoảng thời gian khảo sát kết thúc vào cuối quý 3-2019 vừa qua.

Theo Kantar Worldpanel, so sánh với tổng thị trường tiêu dùng nhanh thì danh mục các kênh mua sắm sản phẩm làm đẹp đa dạng hơn, với sự dẫn đầu thị phần thuộc về mô hình cửa hàng sức khỏe và làm đẹp.

Hàn Quốc đứng đầu trong số các quốc gia nhập khẩu mỹ phẩm, chiếm gần 1/3 giá trị đóng góp trong kim ngạch nhập khẩu, giữ vị trí số 1 về quốc gia có sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2018, phần lớn tập trung vào phân khúc sản phẩm trang điểm và mặt nạ làm đẹp.

Bên cạnh đó, các kênh hiện đại cũng đóng góp một vai trò quan trọng hơn trong thị trường này bao gồm các kênh online, siêu thị và đại siêu thị. Thị phần của các kênh này chiếm hơn 1/3 giá trị thị trường làm đẹp, trong khi chỉ chiếm khoảng 1/5 trong tổng thị trường hàng tiêu dùng nhanh.

Sự phát triển của thời đại kỹ thuật số là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường làm đẹp tại Việt Nam khi số hộ gia đình có internet chiếm đến 88%, 95% sở hữu điện thoại thông minh ở khu vực thành thị so với mức tương ứng 38% và 69% ở khu vực nông thôn.

Điều này tạo ra cầu nối dẫn người tiêu dùng đến những xu hướng làm đẹp mới nhất, giúp việc tra cứu thông tin sản phẩm dễ dàng, cũng như làm đơn giản hóa quá trình mua sắm qua các nền tảng trực tuyến hiện nay.

Khảo sát cũng ghi nhận không chỉ bắt kịp với xu hướng làm đẹp trên toàn cầu, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm làm đẹp tác động từ bên ngoài như các thiết bị chăm sóc da (máy rửa mặt, máy xông hơi, máy massage mặt,…) cho đến các sản phẩm uống chức năng tác động từ bên trong.

Cửa hàng sức khỏe và sắc đẹp là một trong những kênh mua sắm chính của người Việt, được ghi nhận có mức mua tăng từ 14,5% vào năm 2017 đã vọt lên mức 17,2% trong năm 2019, tương ứng với thị phần tăng trưởng từ 18,3% (năm 2017) lên 21% trong năm 2019.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên