31/05/2016 09:10 GMT+7

Việt - Nam - Hạnh - Phúc của người mẹ nghèo sinh tư

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI

TTO - Dù có khuôn mặt cực giống nhau nhưng mỗi bé có tính cách khác nhau. Việt hiếu động, Nam nói nhiều, Hạnh hay phá phách, riêng bé Phúc lại khá trầm tính.

Bốn bé gái Việt, Nam, Hạnh, Phúc - Ảnh: NGỌC TÀI
Bốn bé gái Việt, Nam, Hạnh, Phúc - Ảnh: NGỌC TÀI

Ngày đó khó khăn quá nên cũng định cho bớt con nhưng thấy tụi nhỏ dễ thương, tinh nghịch nên không nỡ. Đi làm về cực nhọc thấy tụi nhỏ cười nói, đùa giỡn là tui quên hết cái đói, cái khổ. Nghèo chứ vẫn đủ Việt, Nam, Hạnh, Phúc là sung sướng lắm rồi

Anh TRẦN HỮU ĐỒNG

 

Cách đây hơn 3 năm, người dân tại Đồng Tháp và các tỉnh lân cận vì tò mò đã tìm đến nhà chị Trần Thị Tình ở huyện Lai Vung để tận mắt nhìn ngắm bốn bé gái sinh tư.

Ngôi nhà lá tuềnh toàng thường ngày không ai lui tới bỗng rộn ràng như hội. Với tỉ lệ sinh tư trên toàn thế giới là 1/700.000, thông tin về bốn bé Việt, Nam, Hạnh, Phúc thời điểm đó phủ ngập trên các trang báo và phương tiện truyền thông.

Tên của ước mơ

Việt, Nam, Hạnh, Phúc cũng là bốn cái tên do bác sĩ phẫu thuật đặt cho các bé. Nay bốn nhóc đều đã lên 3 tuổi, chạy nhảy khắp nơi, miệng lúc nào cũng cười nói líu lo.

Mặc dù có khuôn mặt cực giống nhau nhưng mỗi bé lại có tính cách khác nhau. Bé Việt rất hiếu động, Nam nói rất nhiều, Hạnh thì hay phá phách, riêng bé Phúc lại khá trầm tính, thích làm nũng với mẹ hơn là chơi với các chị.

Để cùng lúc chăm bốn đứa nhóc, chị Trần Thị Tình (35 tuổi) nhiều lúc ước gì mình có thêm tay chân và thêm mắt. Vì mỗi lúc có bé này khóc tức thì các bé khác sẽ khóc theo.

Lúc bé này có cái này thì dứt khoát những đứa còn lại cũng đòi mẹ một cái. Còn lúc các em giỡn lỡ trúng nhau thì cả bốn đứa cùng méc mẹ.

“Sợ nhất là lúc mấy đứa nhỏ được hơn 1 tháng tuổi. Tui đếm tới đếm lui sao có ba đứa nằm trên giường. Tui hốt hoảng ra sau hè kiếm thì thấy một đứa lọt xuống sàn vì nhà lá rách rưới quá nên con lọt xuống hồi nào không hay” - chị Tình kể.

Cuộc sống gia đình chị Tình khá chật vật nên mấy đứa nhỏ ít khi nào có đồ chơi để chơi, chỉ thường xuyên chơi với những cái thau, cái rổ.

Mỗi đứa ngồi trên một cái thau, rổ rồi giả như đang trên lưng một con ngựa gỗ mà ra sức vẫy vùng. Chỉ vậy mà trông các bé vui đùa rất vui vẻ.

Về phần trang phục ở chợ xã còn thiếu thốn nên đôi khi mẹ Tình không thể mua cùng lúc bốn bộ đồ, bốn đôi dép giống nhau, khả dĩ lắm là hai đôi một giống nhau.

Dù tính cách khác nhau nhưng các bé rất yêu quý nhau. Trông các con hiếu động, vui đùa, lắm lúc cũng đánh nhau nhưng hễ vắng nhau chốc lát chúng liền đi kiếm, nên dù có mệt cỡ nào hai vợ chồng chị Tình cũng cảm thấy hạnh phúc.

“Từ lúc nhà có thêm bốn đứa trẻ, thêm bốn miệng ăn, hai vợ chồng tui đầu tắt mặt tối. Tui thì ở lì trong nhà chăm các con, còn cha bọn trẻ đi làm suốt để kiếm cái ăn cho cả thảy 8 miệng ăn” - chị Tình chia sẻ.

Mẹ Tình thường xuyên phải phân xử các cuộc cãi vã của các con
- Ảnh: THÀNH NHƠN
Mẹ Tình thường xuyên phải phân xử các cuộc cãi vã của các con - Ảnh: THÀNH NHƠN

 

Phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện

Vui niềm vui con cái

Nhớ lại quãng thời gian khi biết tin mình sẽ sinh tư chị Tình bỗng rùng mình. Khoảng năm 2012, khi đã “đủ nếp đủ tẻ (một trai một gái) nhưng vì mong muốn có thêm con để vui nhà vui cửa nên khi hay tin chị Tình mang thai, hai vợ chồng chị rất hạnh phúc.

Ngày đi siêu âm, được bác sĩ thông báo chị Tình đang mang song thai anh chị càng thêm hớn hở. Tuy nhiên những lần khám thai sau tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, quả thật là cú sốc cho cả gia đình bởi kết quả siêu âm lần lượt thông báo chị Tình mang tam thai rồi tứ thai.

“Ngày được thông báo mang tứ thai tui run đến đứng không vững. Đẻ một đứa đã khó nhọc, đằng này đến bốn đứa. Cũng may thời gian mang thai tụi nhỏ không hành mình, hành trình vượt cạn cũng nhiều thuận lợi. Tui thấy hạnh phúc vì có cùng lúc đến bốn công chúa xinh đẹp” - chị Tình nói.

Do chị Tình có biểu hiện sinh non, tiền sản giật nên bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ buộc phải phẫu thuật bắt con khi chị mới mang thai ở tuần thứ 32. Bốn bé gái lần lượt ra đời với cân nặng 1,5kg, 1,2kg, 1,6kg, 1,7kg.

Sau sinh cả nhà phải dùng xilanh tiếp sữa cho bốn bé bởi tất cả còn quá nhỏ, thể trạng của các bé kém hơn trẻ bình thường gần hai tháng.

Việt, Nam, Hạnh, Phúc hiện tại trông có vẻ chậm lớn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Dù các bé giống nhau như đúc nhưng cha mẹ chúng vẫn có cách riêng để nhận ra từng bé.

“Ngày nhỏ thì hay căn cứ vào vị trí nốt ruồi để xác định tên từng đứa. Việt có nốt ruồi trên mí mắt, Hạnh có nốt ruồi trên chân mày, Nam có nốt ruồi nhỏ trên miệng, còn Phúc thì không có nốt nào” - anh Trần Hữu Đồng (37 tuổi), chồng chị Tình, cho biết.

Từ lúc sinh hạ các bé, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình khá nhiều. Đặc biệt, hai vợ chồng chị được hỗ trợ xây nhà nhưng chính quyền địa phương vẫn giữ sổ hộ nghèo cho anh chị.

Hiện các nguồn tài trợ như sữa, quần áo từ các mạnh thường quân đã chấm dứt nên gia đình phải tự lo chi phí nuôi dưỡng các bé. Cuộc sống khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào công việc đồng áng của anh Đồng nên lắm lúc anh chị cũng nghĩ đến việc cho bớt con đi.

“Ngày đó khó khăn quá nên cũng định cho bớt con nhưng thấy tụi nhỏ dễ thương, tinh nghịch nên không nỡ. Đi làm về cực nhọc thấy tụi nhỏ cười nói, đùa giỡn là tui quên hết cái đói, cái khổ. Nghèo chứ vẫn đủ Việt, Nam, Hạnh, Phúc là sung sướng lắm rồi” - anh Đồng tâm sự.

Với tám miệng ăn trong nhà, vợ chồng anh chị gần như chỉ có thể chạy ăn từng bữa với niềm vui con cái sung túc và tạm quên đi những khó khăn sắp tới.

THÀNH NHƠN - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên