29/11/2019 13:03 GMT+7

Việt Nam - điểm nóng của hoạt động mua bán người trị giá tỉ đô

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Siêu lợi nhuận là nguyên nhân đầu tiên khiến cho hoạt động mua bán người diễn ra ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Trong 6 năm gần đây đã có 3.476 nạn nhân bị mua bán được ghi nhận.

Việt Nam - điểm nóng của hoạt động mua bán người trị giá tỉ đô - Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số là nạn nhân của nạn mua bán người - Ảnh: CTV

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công An tại hội nghị về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động, thương binh và xã hội tổ chức sáng 29-11, không có con số cụ thể cho lợi nhuận từ mua bán người tại Việt Nam.

"Nhưng Việt Nam được xem là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp tại khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong với ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người lên tới hàng chục tỉ USD/năm", thượng tá Lê Văn Nhãn - phó trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) - cho biết.

Theo đó, Bộ Công an đã ghi nhận siêu lợi nhuận từ nhiều vụ việc: một đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia hoạt động từ năm 2017-2019 bán thận của hàng trăm nạn nhân thu về hàng chục tỉ đồng đã bị triệt phá, một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ sang Trung Quốc đẻ thuê với giá 400-500 triệu đồng... đã được phát hiện.

Tuy nhiên đối với các trường hợp người lao động di cư bất hợp pháp như trường hợp 39 nạn nhân tử nạn ở Anh, hiện nay Bộ Công an không thể ghi nhận con số chung của các trường hợp này.

Đại tá Phạm Long Biên - trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng - cho rằng công tác phòng ngừa vẫn chưa được nói tới nhiều.

"Phải làm sao để họ không là nạn nhân nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ chăm chăm "ông bị mua bán đi rồi về tôi hỗ trợ". Tuyên truyền cho người dân nhưng quan trọng hơn là phải tuyên truyền nhận thức cho những người đứng đầu địa phương", ông nhận định.

Nhìn nhận vụ việc 39 người Việt Nam di cư trái phép và tử nạn ở Anh, lãnh đạo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho rằng chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong việc tuyên truyền, quản lý người dân. "Chính quyền địa phương là nơi quản lý cư trú, không thể có chuyện người dân rời khỏi nơi cư trú nhiều năm liền, cả khu nhà lầu mọc lên mà không biết chuyện", ông nói thêm.

Việt Nam - điểm nóng của hoạt động mua bán người trị giá tỉ đô - Ảnh 2.

Tuyên truyền về mua bán người cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh: CTV

Hội nghị cũng đánh giá kết quả thực hiện nghị định 09/2013/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống, mua bán người với sự tham gia của đại diện các tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về ở các tỉnh, thành, các nhà tạm lánh...

"Chúng ta cần phải hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về để tăng sức đề kháng cho cộng đồng, nâng cao nhận thức cộng đồng. Bởi thực tế nhiều nạn nhân khi trở về vẫn tiếp tục bị mua bán hoặc tham gia đường dây mua bán, dụ dỗ người thân, bạn bè bởi món lợi trước mắt", ông Nguyễn Tường Long - trưởng ban quản lý dự án Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tỉnh Lào Cai -nhận định.

Gần 85% số vụ mua bán người có ‘đích đến’ là Trung Quốc Gần 85% số vụ mua bán người có ‘đích đến’ là Trung Quốc

TTO - Trong hơn 1.000 vụ mua bán người bị phát hiện kể từ năm 2016, có 892 vụ có 'đích đến' là Trung Quốc (chiếm 84,2%), với 2.319 nạn nhân bị lừa bán.


VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên