25/03/2019 16:39 GMT+7

Môi giới hôn nhân, nuôi con nuôi trá hình sẽ bị khởi tố tội mua bán người

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Điều luật 150, 151 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn với các dấu hiệu cấu thành tội phạm trên tinh thần khái niệm buôn bán người của nghị định thư về phòng chống buôn bán người mà Việt Nam là thành viên.

Môi giới hôn nhân, nuôi con nuôi trá hình sẽ bị khởi tố tội mua bán người - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Đức, cán bộ VKS ND TP.HCM, tại buổi làm việc - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP


Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2018 có hơn 3.000 vụ buôn bán người trong đó có hơn 400 vụ là người dưới 16 tuổi.

Buổi hội thảo tập huấn triển khai nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng điều luật quy định về tội buôn bán người và buôn bán người dưới 16 tuổi do TAND Tối cao phối hợp Cơ quan phòng chống ma túy, tội phạm của Liên Hiệp Quốc và Bộ Nội vụ Úc tổ chức tại TP.HCM ngày 25-3.

Môi giới hôn nhân, nuôi con nuôi trá hình sẽ bị xử lý hình sự

Theo đó, điều luật Bộ luật hình sự 2015 tách thành 2 điều luật riêng biệt về tội buôn bán người và buôn bán người dưới 16 tuổi.

Theo các chuyên gia có mặt tại hội thảo, việc tách thành 2 điều luật theo hướng riêng biệt giữa việc buôn bán người và buôn bán người dưới 16 tuổi để định danh, định khung hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn, các điều khoản cụ thể hơn.

Hơn nữa, trong nghị quyết hướng dẫn thi hành đối với điều luật này đã làm rõ thêm nhiều khái niệm và quy định rõ thêm về hành vi cho các loại tội này. Cụ thể, các hành vi liên quan đến việc dùng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài.

Điều 4 nghị quyết quy định "người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại điều 150 của Bộ luật hình sự nếu hành vi thuộc một trong các trường hợp sau:

Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác; cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; lợi dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài để tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

Trong trường hợp người môi giới biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn thực hiện hành vi môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại điều 150 Bộ luật hình sự.

Liên quan đến bóc lột tình dục, ông Lê Minh Đức, cán bộ VKSND TP.HCM, đặt câu hỏi trong tình huống có những phụ nữ bị ép buộc tham gia hoạt động kích dục (nhưng không hoạt động mại dâm) thì khi xem xét yêú tố cấu thành tội phạm thì có được coi là bị bóc lột tình dục không?

Đại diện TAND Tối cao cho rằng nghị quyết hướng dẫn khá kỹ và hoạt động này chính là hoạt động bóc lột tình dục và được xem xét xử lý theo điều 150 Bộ luật hình sự hiện hành.

Ngoài ra, nghị quyết cũng quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp dùng thủ đoạn đưa người đi lao động nước ngoài như hành vi buôn bán người trong trường hợp người môi giới biết người lao động (từ đủ 16 tuổi trở lên) ra nước ngoài sẽ bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn lừa gạt hoặc ép buộc người lao động và chuyển giao họ cho phía nước ngoài để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

Đồng thời, người môi giới chuyển người lao động cho phía nước ngoài bán người lao động cho người khác cũng bị xếp vào hành vi buôn bán người.

Đặc biệt việc môi giới nuôi con nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều luật 151 (mua bán người dưới 16 tuổi) nếu biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc "lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác".

Đồng thuận của nạn nhân không phải là tình tiết giảm nhẹ cho tội phạm

Môi giới hôn nhân, nuôi con nuôi trá hình sẽ bị khởi tố tội mua bán người - Ảnh 3.

Ông Stefan Misrachi, chuyên gia chính sách cao cấp, Bộ Nội vụ Úc - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Tham gia buổi làm việc, ông Stefan Misrachi, chuyên gia chính sách cao cấp Bộ Nội vụ Úc, cho biết có đến 21 triệu nạn nhân buôn bán người, trong đó có 5,5 triệu trẻ em. 800.000 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới mỗi năm và khoảng 150 tỉ USD lợi nhuận bất hợp pháp được thu mỗi năm.

Theo ông Stefan, con số này là con số lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Trong các trường hợp mua bán người xảy ra, có nhiều trường hợp người vi phạm khai có sự đồng thuận của nạn nhân như một cách làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, ông Stefan cho rằng nghị định thư về phòng chống bôn bán người thì việc đồng thuận của nạn nhân không phải là lý do để bào chữa khi đã thực hiện các thủ đoạn lừa gạt, cưỡng ép hoặc bất cứ hình thức nào không phù hợp.

"Do đó, pháp luật quy định về việc chỉ xem xét trách nhiệm của tội phạm buôn người chứ không phải của nạn nhân. Pháp luật Úc cũng không xem xét thái độ của nạn nhân trong việc giảm trách nhiệm hình sự cho người phạm tội", ông Stefan nói.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên