14/10/2016 11:32 GMT+7

Việt Nam dám nói dám làm

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Thời gian qua, chuỗi những câu chuyện “nói là làm” (theo hướng tiêu cực) liên quan đến giới trẻ xảy ra mỗi lúc một nhiều…

Nguyễn Trần Phi Yến (phải) chụp cùng đại biểu một số quốc gia tại Hội nghị lãnh đạo quốc tế 2015 của UNESCO (tổ chức tại Cape Town, Nam Phi) - Ảnh: Y.P.
Nguyễn Trần Phi Yến (phải) chụp cùng đại biểu một số quốc gia tại Hội nghị lãnh đạo quốc tế 2015 của UNESCO (tổ chức tại Cape Town, Nam Phi) - Ảnh: Y.P.

Sự nhầm lẫn về việc khẳng định giá trị, bản lĩnh của các cá nhân trên chợt khiến tôi nhớ về những người “nói là làm” khác mà trước  giờ tôi được tiếp xúc.

1. Thời cấp II, tôi có người bạn chung lớp tên Ngọc Toàn. Lớp 8, trong một lần xếp hàng lên lớp, Ngọc Toàn tuyên bố: “Năm sau mình sẽ cố gắng đứng nhất lớp”.

Nghe là vậy nhưng tôi chẳng mấy tin vì lớp của tôi đa phần học rất giỏi trong khi Toàn trước đó dù học giỏi nhưng thường chỉ dừng top 5.

Vậy mà bước vào lớp 9, Ngọc Toàn bứt lên hẳn, phẩy số cao nhất khối. Bạn còn đồng thời đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố môn lý và là người duy nhất của lớp đậu vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM.

Ngọc Toàn sau đó có học bổng toàn phần tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) và luôn gặt hái thành công vì sự quyết tâm lớn của bản thân.

Nguyên Vũ cũng là một người bạn học chung lớp thời phổ thông cùng tôi. Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt buồn rười rượi của bạn ngày biết kết quả thi rớt ĐH Y dược TP.HCM lẫn Trung tâm đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Y tế TP.HCM (nay là ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

Nguyên Vũ sau đó dồn sức học ngày đêm và năm sau bạn đậu vào trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch với vị trí… thủ khoa!

Có thể nhiều người nghĩ ai đậu thủ khoa thường là nhờ thông minh, tài năng… nhưng tôi biết ở Nguyên Vũ có một điểm nữa là sự bản lĩnh, quyết tâm đến cùng với lời hứa của chính mình.

2. Nhờ tính chất nghề nghiệp mà tôi có dịp gặp những bạn trẻ rất thú vị, trong đó không thể không kể đến Yến Việt Nam và Vân Possible (tạm dịch: Vân “có thể”).

Đều là những 8X đời cuối nhưng những điều Phi Yến và Vân Possible làm được khiến nhiều người nể phục.

Từng được tiến sĩ Đào Minh Hồng (nguyên trưởng khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) nhận định “là một đồng nghiệp giỏi giang, hiện đại, tự tin”, Yến hiện giảng dạy cùng lúc 4 trường đại học, điều hành một công ty huấn luyện kỹ năng, một trung tâm ngoại ngữ và một quán café… cũng như là khách mời, diễn giả nhiều hội thảo quốc tế lẫn trong nước.

Đứng trước sự lo lắng, thắc mắc của gia đình và bạn bè về việc là con gái mà “ôm sô” nhiều quá, Yến cho biết bản thân không thích sự nhàn hạ vì luôn muốn thử thách bản thân với những mục tiêu đặt ra.

“Con đường này không dễ đi nhưng con sẽ làm được. Con muốn bố mẹ tự hào về đứa con gái này”, Yến từng nói với gia đình và bạn đã làm được.

Còn Vân từng hóm hỉnh chia sẻ với người viết: “Tôi từng được bạn bè gán biệt danh “ nữ hoàng đi thi” bởi hầu như cuộc thi nào tôi cũng góp mặt. Tôi coi những cuộc thi là nơi giúp mình đang đứng ở đâu trong đám đông, thiếu hụt kỹ năng gì…

Tôi khao khát được làm những điều mới mẻ, đạt được những tham vọng chưa làm được”. Tự nhận bản thân từng thi rớt rất nhiều nhưng Vân chưa từng từ bỏ.

Mong muốn được du học sau cấp III nhưng giấc mơ dang dở vì không kiếm được học bổng toàn phần, Vân sau đó theo học trong nước những vẫn giành được nhiều suất học bổng ngắn hạn và trở thành giảng viên, MC... song song đó bạn luôn nỗ lực trau dồi chính mình.

Tháng 9 qua, Vân cập nhật trên Facebook về việc bạn đã nhận được suất học bổng toàn phần Fulbright hệ thạc sĩ tại Mỹ. Giấc mơ du học của Vân Possible đã khép lại với một cái kết không thể đẹp hơn.

Những cá nhân trên có thể có xuất thân, hoàn cảnh sống… khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là “nói được, làm được” theo hướng tích cực, không chỉ làm đẹp bản thân mà còn góp phần xây dựng xã hội.

Thiết nghĩ đây mới chính là điều giúp tô điểm bền vững giá trị của chúng ta - những người trẻ - chứ không phải việc “nói là làm” những điều gây sốc, lập dị…

Nguyễn Trần Phi Yến chụp cùng học sinh ở Mozambique - Ảnh: Y.P.
Nguyễn Trần Phi Yến chụp cùng học sinh ở Mozambique - Ảnh: Y.P.

Cần phòng tránh và xử lý sớm

Ở góc độ pháp luật, người thực hiện hành vi và người xúi giục, đe dọa đều có tội.

Đối với người thực hiện hành vi ở trẻ vị thành niên như trường hợp cô bé đốt trường theo trào lưu “nói là làm” chỉ mới 13 tuổi nên phạm tội hình sự khi hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như gây chết người hoặc ý định mong muốn đốt trường giết người.

Hành vi xúi giục và đe dọa là hành vi đã hoàn thành nên người xúi giục và đe dọa đều có tội cho dù người bị xíu giục đã thực hiện hay chưa.

Tuy nhiên, về mặt xã hội, trẻ em cần được giáo dục, quản thúc bởi gia đình, nhà trường, các hội nhóm bảo vệ quyền trẻ em.

Đặc biệt, mạng xã hội hiện nay chưa được quản lý sâu sát, cơ quan chức năng cần có biện pháp để ngăn chặn sớm, đưa ra hướng giải quyết sớm trước khi hành vi được thực hiện.

Facebook là kênh các bạn trẻ Việt Nam hiện nay sử dụng nhiều nhất, nhưng là kênh tự phát không có định hướng và quản lý.

Các hội, đoàn thể cần có những fanpage theo từng nhóm giới tính, độ tuổi… Các bạn tham gia kết bạn với nhau và tạo ra một tập thể vô cùng trong sáng, có nhiều nguồn thông tin hơn…

Các người quản lý fanpage này dễ dàng phát hiện và giúp đỡ họ khi có sự cố cũng như cảnh báo các cơ quan chức năng.

Vấn đề là các quy định pháp luật sao cho họ thuận tiện, Facebook bây giờ có sức ảnh hưởng vô cùng lớn nên tận dụng như một nguồn tài nguyên. Vấn đề là ai, ở đâu và khi nào. (Luật sư Nguyễn Trọng Hào (Văn phòng luật sư Nhân Bản)

Trẻ mới lớn rất coi trọng lời hứa

Có nhiều người cho rằng do phụ huynh, người lớn không quan tâm, theo sát nên các em làm những chuyện tày đình này, nào đốt nhà, đốt cơ thể mình…

Đó chỉ là một lý do nhỏ và một trong những trường hợp dấy lên dù chưa thành phong trào nhưng đủ khiến mọi người quan tâm hơn. Chưa kể có nhiều cha mẹ, thầy cô quan tâm không đúng cách, cứ như quản giáo sẽ còn gây hệ quả ngược.

Rõ ràng đây là những câu chuyện đau lòng. Đa phần các em đáng thương hơn đáng trách, do nhận thức của các em chưa phân biệt được tốt xấu, đúng sai.

Ở lứa tuổi này cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm vì thế các em thường rất quan tâm, phụ thuộc vào nhận xét, thái độ của người xung quanh.

Nhiều trường hợp các em ý thức được lời nói, hành động của mình là sai nhưng do rất coi trọng lời hứa, danh dự nên các em “nhắm mắt làm liều”.

Ở độ tuổi mới lớn, người lớn cần để ý trẻ chơi với những bạn bè nào, vì đây là độ tuổi dễ ảnh hưởng theo kiểu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Người lớn cũng cần chia sẻ cho trẻ hiểu, có nhiều cách để thể hiện bản thân, tuyệt đối không thích gì nói đó tùy tiện. Chúng ta cũng phải thường xuyên nhắc nhở mạng xã hội có nhiều mặt, tuyệt đối không tin theo lời khiêu khích của người khác, dù quen biết hay xa lạ. (Trương Thị Bích Phượng- Chuyên gia tâm lý)

Hãy cùng lắng lòng lại 5 phút, tất cả chúng ta

Theo tôi, trước tiên mọi người nên nghĩ từ đâu giới trẻ có những suy nghĩ, hành động đó bởi mọi việc diễn ra trong cuộc sống đều có nguyên nhân và kết quả.

Giới trẻ gắn liền với học đường và gia đình

Con người bây giờ khuynh hướng hay đổ lỗi và chỉ trích nhưng quên mất nhìn lại mình. Mọi người nên dành 5 phút ngẫm lại, tôi tin người lớn chúng ta sẽ thấy ít nhiều trách nhiệm của mình ở trong đó.

Quay trở lại xem có phải chính sự thất vọng của các em trong học đường, gia đình? Bởi xung quanh các em có quá nhiều chuyện người lớn nói mà không làm, không giữ lời hứa?

Có bao giờ một người cha, người mẹ tự vấn mình đã bao nhiêu lần thất hứa với con. Chúng ta thường giữ lời hứa với người ngoài nhiều hơn với con cái, người yêu thương trong nhà.

Khi trẻ thấy ngay cả gia đình/ môi trường xung quanh là nơi không gieo được sự tin cậy thì trong thâm tâm sẽ dần chai lì niềm tin/ cảm xúc với mọi thứ.

Thường chuẩn mực đạo đức Á Đông không cho phép trẻ nêu lên những câu hỏi, băn khoăn… vì sẽ bị chỉ trích, kêu vô lễ.

Chuyện đó dẫn đến việc mạng xã hội là nơi các em bùng lên suy nghĩ “người khác không làm được nhưng tôi làm được” và thể hiện bản thân. Các bạn trẻ rất dễ đồng cảm, có sức hút với nhau… vì có chung độ tuổi, hoàn cảnh.

Đó là lí do luôn có rất nhiều sự khích lệ những hành vi mà các bạn thừa biết là sai trái và coi những người làm được là “ngôi sao”.

Sự bùng phát, phẫn nộ âm thầm trong những đứa trẻ thuộc thế hệ millenials (tạm hiểu là thế hệ đầu tiên thuộc thời kĩ thuật số/ công nghệ cao và luôn khát khao được nêu chính kiến, thể hiện nhu cầu bản thân).

Tôi tự hỏi người lớn, nhà trường có hiểu thế hệ millenials là gì? Vì sao các em hay nổi loạn? Hay chúng ta vẫn dùng quy cách giảng dạy, cách thức giáo dục cũ kĩ… và hễ các em nổi loạn thì phải “đập” liền?

Chỉ trích, lên án các em chỉ là một hướng giải pháp bị động và tức thời.

Sẽ là điều rất tốt nếu…

Chuyện “Việt Nam nói là làm” không phải chỉ diễn ra mới một, hai tháng mà cả năm nay, thậm chí đó có thể là hậu duệ của trào lưu “ice bucket challenge” (tạm hiểu: trào lưu thách dội nước đá lên đầu, nhằm nâng cao nhận thức về bệnh xơ cứng teo cơ một bên) từng gây “bão” trên toàn thế giới năm 2015.

Nếu những nhà giáo dục của mình nhạy thì có thể chụp ngay trào lưu đó trở thành trào lưu học đường “VN dám nói dám làm”, khuyến khích các em thách nhau học tập, rèn luyện bản thân… Tiếc là đã không ai làm điều này.

Giới trẻ VN hoàn toàn người cố vấn, hướng dẫn và noi theo.

Suy nghĩ “dám nói, dám làm” theo tôi là một điểm tích cực, nhưng vì không có thần tượng, sự hướng dẫn đúng đắn nên các em tự phát làm những điều mà các em cho là đúng, thể hiện được tính cách, sự mạnh mẽ và gan dạ là đúng với các em… dù là sai với người lớn.

Ở nước ngoài luôn có những người cố vấn, truyền cảm hứng cho các em trong trường lẫn ngoài xã hội.

Những bài học giáo dục công dân của chúng ta quá chán, quá xa rời thực tế. Câu chuyện “nổi loạn” của các em chính là bài học công dân.

Thay vì lên án các em bằng những từ “trẻ trâu”, “trâu điên”… tôi nghĩ nhìn các em một góc độ khoan dung hơn để từ đó thay đổi cách tiếp cận, đây là điều nhà nước, nhà trường cần đầu tư tìm hiểu thêm.

Tôi nghĩ chúng ta hãy mừng vì các em đã “dám nói, dám làm” và hãy buồn vì không đầu tư cố vấn khiến các em đi sai đường.

Hãy truy căn nguyên vấn đề, hãy luôn đặt câu hỏi “vì sao?”. Hãy hình dung việc sợ cây xanh đổ, chúng ta thường ít quan tâm đến gốc mà chỉ chăm chặt cành cây, thực chất bão đến thì cây vẫn đổ và gây nguy hiểm như thường. Cây đổ vì gốc.

Bà NGUYỄN NGỌC TUYẾT TRINH (giám đốc Truyến thông và đối ngoại Tập đoàn L’Oreal VN) - CÔNG NHẬT (ghi)

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên