20/01/2016 12:47 GMT+7

Viết lại báo cáo chính trị

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Mùa hè năm 1986, sức khỏe Tổng bí thư Lê Duẩn đang rất yếu. Ông Trường Chinh, ở tuổi 79, cùng lúc phải gánh vác hai trọng trách giữa lúc tình hình đang rất bức bách.

Tổng bí thư Trường Chinh, tháng 12-1986 - Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Trường Chinh, tháng 12-1986 - Ảnh: TTXVN

Cuộc chạy đua với thời gian

Sau khi được giao nhiệm vụ quyền tổng bí thư (tháng 5-1986), ông Trường Chinh đã có cả hai thứ quyền lực cao nhất là quyền lực trong Đảng (Tổng bí thư) và quyền lực của Nhà nước (Chủ tịch Hội đồng Nhà nước).

Ông mạnh tay giải quyết một loạt vấn đề cả về tổ chức lẫn về thay đổi quan điểm, tư duy kinh tế.

Ngày 2-6-1986, ông ký quyết định miễn nhiệm một loạt cán bộ lãnh đạo cao cấp của Nhà nước vì những trách nhiệm của họ đối với cuộc cải cách giá - lương - tiền năm 1985, đồng thời bổ nhiệm một loạt nhân sự mới...

Ngày 14-7-1986, Ban chấp hành trung ương họp phiên đặc biệt để bầu Tổng bí thư, thay Tổng bí thư Lê Duẩn vừa từ trần.

Tại hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng giới thiệu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh làm Tổng bí thư. Hội nghị trung ương hoàn toàn nhất trí với sự giới thiệu đó.

Trong bài phát biểu nhậm chức ngắn gọn tại hội nghị, Tổng bí thư Trường Chinh kêu gọi Ban chấp hành trung ương “siết chặt hàng ngũ”.

Cho đến lúc này, báo cáo chính trị đã sẵn sàng để trình Đại hội VI. Nhưng, khi xem xét bản dự thảo báo cáo chính trị này, Tổng bí thư Trường Chinh nhận thấy nó còn xa mới thể hiện và nắm bắt được nội dung các quan điểm đổi mới, nhất là đổi mới tư duy kinh tế.

Phải viết lại! Nhưng quỹ thời gian cho ông hoàn thành công việc trọng đại này chỉ còn lại năm tháng.

Tình hình kinh tế - xã hội nguy cấp lúc ấy đặt ra cho Tổng bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị trách nhiệm phải gấp rút sửa chữa, bổ sung, nâng cao và hoàn chỉnh dự thảo báo cáo chính trị để trình đại hội vào cuối năm.

Cuộc chạy đua với thời gian bắt đầu.

Một êkip mới viết lại dự thảo báo cáo chính trị được hình thành, dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Trường Chinh. Theo nhà nghiên cứu sử kinh tế Đặng Phong, nhóm biên soạn mới gồm hơn 10 người, do ông Hoàng Tùng (nguyên trưởng Ban Tuyên huấn trung ương) trực tiếp phụ trách.

Ông Hoàng Tùng kể: “Khi anh Trường Chinh tổ chức viết lại báo cáo chính trị cho Đại hội VI, tôi được anh gọi tới và yêu cầu phụ trách bộ phận này, gồm khoảng 10 anh em.

Bản báo cáo chính trị trước đây chưa thể hiện được đầy đủ tinh thần đổi mới về tư duy kinh tế. Nhóm biên tập mới được anh Trường Chinh lựa chọn rất kỹ.

Trong thời kỳ chuẩn bị báo cáo chính trị này, các anh Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Tố Hữu và toàn bộ nhóm biên tập cũ gần như không tham gia gì nữa.

Ngoài tôi ra, có các anh Đào Duy Tùng, Phạm Như Cương, Hà Nghiệp, Trần Đức Nguyên, Lê Văn Viện... Viết về phần kinh tế thì hai người có công lao rất lớn là anh Hà Nghiệp và anh Trần Đức Nguyên.

Mỗi phần của báo cáo được phân công cho một nhóm biên soạn, anh Trường Chinh trực tiếp đọc và sửa. Tôi còn nhớ có một số ý tưởng rất quan trọng trong văn bản báo cáo là do anh Trường Chinh trực tiếp viết vào.

Thí dụ như câu đánh giá về những sai lầm thì chính anh Trường Chinh trực tiếp ghi: Đó là sai lầm tả khuynh duy ý chí, làm trái quy luật khách quan... Câu văn đó là của anh Trường Chinh trực tiếp viết vào bản thảo...”.

Cuối tháng 7, nhóm biên soạn mới họp tại nhà nghỉ Vạn Hoa (Đồ Sơn, Hải Phòng) để bàn các nội dung ban đầu. Sau đó nhóm biên soạn làm việc tập trung tại khu nhà của trung ương ở Hồ Tây.

Theo nhiều nhân chứng, suốt trong hai tháng, nhiều thành viên của tổ biên tập không được về nhà để tập trung biên soạn dự thảo văn kiện.

Thỉnh thoảng có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch ghé qua, trao đổi với các chuyên gia trong tổ biên tập. Gần đó là Văn phòng của Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt, ông cũng thường cử người trợ lý là chuyên gia Vũ Quốc Tuấn sang thăm hỏi.

Các ủy viên trung ương họp tổ thảo luận chuẩn bị nội dung Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh tư liệu
Các ủy viên trung ương họp tổ thảo luận chuẩn bị nội dung Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh tư liệu

Ánh sáng cuối đường đã lóe lên

Đầu tháng 8, tờ trình gồm 25 vấn đề cốt lõi của dự thảo báo cáo chính trị mới, các ý kiến khác nhau về từng vấn đề bắt đầu được đưa ra thảo luận ở nhóm biên soạn và tiểu ban văn kiện (gồm năm ủy viên Bộ Chính trị, ba ủy viên Ban Bí thư và 12 ủy viên trung ương).

“Có thể nói đây là đợt sinh hoạt của tổ biên tập và của tiểu ban dự thảo khá tập trung, khá sôi nổi, thể hiện không khí làm việc dân chủ, thoải mái với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật mà anh Trường Chinh nêu ra trong buổi đầu sinh hoạt của tổ và tiểu ban ngày 10-8-1986” - giáo sư Trần Nhâm, trợ lý Tổng bí thư Trường Chinh, thuật lại.

Ngày 20-8-1986, tờ trình nêu trên được chuyển đến tận tay các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường vụ Hội đồng bộ trưởng xem trước.

Và theo kế hoạch từ ngày 25 đến 30-8, Bộ Chính trị họp thảo luận những vấn đề thuộc quan điểm kinh tế. Qua sáu ngày làm việc, từng ủy viên Bộ Chính trị đã lần lượt phát biểu ý kiến của mình về các vấn đề được đặt ra.

Giáo sư Trần Nhâm viết: “Nói chung, đã có sự nhất trí cao về các quan điểm kinh tế lớn mà từ trước đến nay hãy còn bỏ ngỏ.

Anh em chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vì sự nhất trí cao của Bộ Chính trị về các quan điểm kinh tế cơ bản đã giúp chúng tôi tiến hành chỉnh lý thuận lợi, trót lọt hơn. Điều đáng lo nhất là có ba vấn đề mà quan điểm vẫn còn chưa nhất trí”.

Ngày 20-9-1986, Bộ Chính trị họp bàn về bản dự thảo kết luận và tại hội nghị này, Bộ Chính trị chính thức thông qua kết luận về ba vấn đề thuộc quan điểm kinh tế lớn.

Theo ông Lê Xuân Tùng - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, ba quan điểm trên đã thay đổi cơ bản nội dung của dự thảo báo cáo chính trị. Ánh sáng cuối đường đã lóe lên. Đặc biệt sau hội nghị này, Đảng đã vượt lên chính mình, dũng cảm thừa nhận những sai lầm.

Cho đến khi được thông qua vào cuối tháng 11-1986, theo giáo sư Trần Nhâm, dự thảo báo cáo chính trị đã được sửa chữa, bổ sung rất nhiều lần và mỗi lần đều trình lên Tổng bí thư xem xét cẩn thận.

“Vẫn như thói quen cũ, ông đặt bút chữa từ A đến Z, từ nội dung logic của luận điểm đến cách hành văn phải chặt chẽ, từ câu văn đến từng đoạn văn không được dài lê thê, con cà ra con kê, từ dấu phẩy đến dấu chấm không bao giờ ông qua loa, dễ dãi”.

“Hội nghị bẻ lái” ngày 20-9-1986

Gần đến ngày Đại hội VI khai mạc, các cuộc họp thảo luận dự thảo văn kiện vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau buộc trung ương phải đi đến một phiên quan trọng.

Những cuộc tranh cãi quyết liệt cuối cùng đã bật ra ba quan điểm cần thay đổi.

Một là vấn đề cơ cấu kinh tế. Dự thảo văn kiện lúc ấy vẫn coi công nghiệp nặng là nhiệm vụ then chốt.

Hội nghị kết luận đây là quan điểm duy ý chí. Chủ trương này phải thay bằng tập trung phát triển lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Hai là phải chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu tư liệu sản xuất.

Ba, tất cả mọi kế hoạch lớn nhỏ như đã và đang làm đều dựa vào ý muốn chủ quan và mệnh lệnh hành chính chứ không dựa vào thị trường hay các quy luật kinh tế - xã hội. Hội nghị kết luận: phải dựa trên quan hệ thị trường để điều phối những bất hợp lý trên.

(Trích “Đêm trước đổi mới”, Tuổi Trẻ, 2006)

______________

Kỳ 1Đại hội giữa lòng khủng hoảng 

Kỳ tới: Câu chuyện nhân sự
VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên