22/05/2017 16:30 GMT+7

​Viêm tai giữa thanh dịch - bệnh thầm lặng ở trẻ nhỏ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Bệnh viêm tai giữa thanh dịch (hay còn gọi là viêm tai giữa tiết dịch) là một tình trạng có dịch mạn tính trong tai giữa mà bệnh nhi mắc bệnh thường không có biểu hiện của bệnh.

Do bệnh diễn tiến âm thầm nên chỉ tình cờ được phát hiện khi trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp trên gây chảy nước mũi, nghẹt mũi. Một số ít phát hiện khi trẻ đi khám do nghe kém, học hành giảm sút.

Khó phát hiện

Bệnh viêm tai giữa thanh dịch ở giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng nên cha mẹ thường không nhận biết. Ngay cả bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cũng có thể chẩn đoán bỏ sót bệnh này vì khi soi tai bằng đèn cho kết quả bình thường, chỉ khi bệnh nặng hơn có thể thấy bóng khí ở màng nhĩ hay mực nước ở hòm nhĩ, đến giai đoạn nhiễm trùng nặng lúc đó màng nhĩ mới bắt đầu dày đỏ.

Viêm tai giữa thanh dịch nếu không điều trị đúng và kịp thời sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn gây bệnh viêm tai giữa tụ mủ, nếu tiếp tục không điều trị sẽ dẫn đến biến chứng thủng nhĩ, thậm chí suy giảm chức năng nghe, gây cản trở không nhỏ đến quá trình phát triển ngôn ngữ dẫn tới ảnh hưởng phát triển trí thông minh của trẻ.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa thanh dịch, tuy nhiên chủ yếu là do rối loạn chức năng vòi nhĩ. Vòi nhĩ có chức năng làm cân bằng áp suất tai giữa và áp suất không khí bên ngoài.

Khi vùng mũi họng bị viêm (niêm mạc mũi họng dày lên, VA sưng to...) gây tắc cửa vòi nhĩ làm áp suất âm trong hòm nhĩ (tai giữa) tăng lên gây sự tiết dịch các tế bào niêm mạc hòm nhĩ, vì vậy hòm nhĩ có dịch gọi là viêm tai giữa thanh dịch.

Ngoài ra, vì vòi nhĩ ở trẻ em ngắn và rộng hơn ở người lớn nên vi trùng, vi rút vùng mũi họng dễ đi theo đường vòi nhĩ vào tai giữa gây viêm tai giữa nhiễm khuẩn hoặc nhiễm vi rút với giai đoạn đầu là sự tiết dịch ở hòm nhĩ.

Cũng chính vì sự khác biệt này nên bệnh viêm tai giữa có thể gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em nhưng trẻ em bị nhiều hơn.

Cách xác định bệnh

Triệu chứng chính của bệnh là nghe kém, ngoài ra không có các dấu hiệu khác về bệnh học ở tai như đau tai, chảy mủ tai. Vì thế, bệnh thường không được phát hiện trong thời gian dài, trẻ càng nhỏ càng khó phát hiện nghe kém.

Trẻ lớn có cảm giác nặng tai, đầy tai, ù tai, hay kéo vành tai để nghe. Các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu thấy trẻ có hiện tượng nghe kém hơn trước nên đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được làm các phương pháp chẩn đoán viêm tai giữa thanh dịch như: soi tai, đo nhĩ lượng, đo thính lực...

Phòng bệnh viêm tai giữa thanh dịch

Viêm tai giữa thanh dịch là bệnh lý thứ phát sau đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên hay sau đợt viêm VA mạn tính. Để phòng bệnh cho trẻ thì các bậc phụ huynh cần lưu ý: khi trẻ bị viêm mũi họng nên điều trị tích cực để tránh biến chứng viêm tai (đặc biệt lưu ý những trẻ có tiền căn viêm VA); giữ vệ sinh vùng mũi, họng; giữ ấm cổ cho trẻ; tránh cho trẻ tắm đêm; sử dụng quạt ngủ không để luồng gió thẳng vào mặt trẻ, sử dụng máy lạnh luôn giữ nhiệt độ phòng từ 26 - 28 độ C, tránh lạnh quá, dễ gây viêm họng và viêm phế quản.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên