Viêm tai giữa cấp là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đứng hàng thứ 2 sau viêm cấp đường hô hấp trên, nhưng không phải hiếm gặp ở người lớn.
Nguyên nhân
- Vi khuẩn hoặc vi rút.
- Do tắc vòi nhĩ, thường gặp do sùi, u ở vòm họng, do viêm mũi xoang mủ. Viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh lý trào ngược, không khí ô nhiễm, thời tiết lạnh cũng là những tác nhân gây viêm tai giữa hiện nay.
Những biểu hiện viêm tai giữa cấp ở trẻ em
- Trẻ sơ sinh: biểu hiện không rõ ràng, có khi chỉ là kích thích, quấy khóc, bú kém hay bỏ bú.
- Trẻ lớn hơn: thì bị sốt (có kèm hoặc không kèm theo viêm hô hấp trên), đau tai hay kéo, dụi tai.
- Ở trẻ lớn và người lớn: nghe kém luôn gặp, thường than phiền có cảm giác đầy tai (có khi xuất hiện trước khi phát hiện có dịch trong tai giữa). Các triệu chứng ít gặp hơn: ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Khám: soi tai thấy màng nhĩ:
+ Đỏ, sung huyết giai đoạn đầu.
+ Đục ở giai đoạn tụ mủ, màng nhĩ có thể phồng, và lớp thượng bì có thể trông giống như bị phỏng.
+ Trong giai đoạn thủng nhĩ, bệnh nhân thường giảm sốt và bớt đau tai; dịch tai chảy ra thường là mủ, cũng có khi giống như nước hoặc có máu. Hút sạch mủ sẽ thấy màng nhĩ thủng, thường ở vị trí phía sau hoặc phía dưới.
Tác hại của viêm tai giữa cấp
Viêm tai giữa điều trị sớm và kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn không để lại bất cứ di chứng nào. Nếu không chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm cấp, thủng màng nhĩ hoặc viêm tai giữa mạn tính, liệt mặt, nghe kém hoặc điếc có thể ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ.
Nếu xảy ra ở trẻ nhỏ, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm. Nguy hiểm hơn là biến chứng nội sọ như viêm màng não, viêm não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên... dễ gây tử vong.
Điều cần làm và không nên làm khi bị viêm tai giữa
Khi bị viêm tai giữa, nên đến cơ sở Tai Mũi Họng gần nhất hoặc bệnh viện Tai Mũi Họng để khám và điều trị thích hợp.
Không nên tự ý dùng thuốc “dân gian” nhỏ vào tai như dầu, thuốc bột, thuốc nước tự pha chế, sẽ gây nhiễm trùng và biến chứng nặng hoặc có thể điếc vĩnh viễn…
Điều trị viêm tai giữa
Tùy vào tình trạng và giai đoạn của bệnh mà có hướng điều trị thích hợp, thông thường bệnh nhân sẽ được điều trị với kháng sinh, kháng viêm, giảm đau và nhỏ thuốc tai.
Trong trường hợp màng nhĩ thủng và có mủ, vấn đề vệ sinh tai và rửa tai mỗi ngày là cần thiết.
Trích rạch màng nhĩ hay đặt ống thông nhĩ khi cần thiết (trong trường hợp bị biến chứng tụ mủ ở xương thái dương, bệnh nhân cần được dẫn lưu mủ lâu hơn: cần đặt ống thông nhĩ, thường làm dưới gây mê. Đặt ống thông nhĩ còn được chỉ định trong trường hợp viêm tai giữa cấp tái phát nhiều lần).
Nhờ có nhiều kháng sinh hiệu quả, ngày nay viêm tai giữa cấp thường ít dẫn đến biến chứng. Triệu chứng thường thuyên giảm trong vòng 48 giờ sau khi dùng kháng sinh.
Dịch tai giữa ngược lại có thể tồn tại kéo dài dù được điều trị đầy đủ có thể chuyển thành viêm tai giữa tiết dịch, nghe kém. 70% còn dịch tai giữa sau 2 tuần; 50% sau 1 tháng; 20% sau 2 tháng và 10% sau 3 tháng.
Bệnh nhân thường được điều trị ngoại trú với kháng sinh uống, được dặn tái khám ngay nếu triệu chứng không giảm sau 48 – 72 giờ hoặc triệu chứng nặng hơn, đe dọa có biến chứng. Bệnh nhân có biến chứng cần được nhập viện điều trị tích cực và thường phải can thiệp phẫu thuật.
Phòng bệnh
- Phát hiện và điều trị những bệnh lý vùng mũi họng càng sớm càng tốt. Khi chảy mủ tai cần khám chuyên khoa Tai Mũi Họng ngay, điều trị kịp thời tránh biến chứng.
- Nên nạo VA ở trẻ hay bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần.
- Khi trẻ em bị cảm cúm, nhiễm siêu vi phải theo dõi sát tình trạng viêm tai giữa, tích cực điều trị viêm mũi họng, vệ sinh mũi thông thoáng, sạch.
- Sau khi cho trẻ đi tắm hồ bơi, biển phải vệ sinh vùng mũi họng bằng nước muối sinh lý.
- Không tự ý nhỏ thuốc hay thổi thuốc vào tai.
- Làm thông vòi nhĩ bằng nghiệm pháp Valsava (bệnh nhân bịt chặt 2 lỗ mũi, phồng má thổi một hơi mạnh nhưng phải ngậm miệng lại để hơi không thoát ra).
- Hỉ mũi đúng cách, bịt lỗ mũi bên này hỉ mũi bên kia nhẹ nhàng. Không nên bịt cả 2 mũi và xì mạnh vì khi làm như vậy vô tình đưa vi khuẩn từ vùng mũi họng vào tai giữa.
- Ngoài ra, có thể chủng ngừa vi khuẩn phế cầu, Streptococcus pneumoniae (vi khuẩn thường gặp nhất trong viêm tai giữa).
- Trẻ quá nhỏ không cho bú bình ở tư thế nằm vì như vậy sữa có thể vào tai giữa qua vòi nhĩ.
- Cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường, nhà ở sạch sẽ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận