Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Nguồn: moki.vn
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, do vi rút viêm não Nhật Bản B gây ra. Bệnh có đặc đíểm lâm sàng là hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng cùng với sự phát triển của viêm não tủy nặng và thường gây tử vong cao.
Đây là một căn bệnh nhiễm trùng thần kinh ở não bộ nên tỷ lệ tử vong rất cao; bệnh lan truyền từ súc vật (như lợn, chim) mang vi rút sang người qua muỗi chích có tên là Culex. Ở Việt Nam, viêm não Nhật Bản thường xảy ra cao điểm trong mùa hè, nhiệt độ cao, thuận lợi cho loài muỗi sinh sôi nảy nở và truyền bệnh. Bệnh thường xảy ra với trẻ em dưới 10 tuổi, người lớn có kháng thể cao do vậy ít mắc bệnh hơn. Tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản ở vùng đồng bằng cao hơn vùng rừng núi và ở nông thôn cao hơn thành phố. Sau khi bị bệnh để lại miễn dịch chắc chắn và vững bền.
Ở các thời kỳ bệnh có nhiều triệu chứng khác nhau, thời kỳ nung bệnh thì kéo dài trung bình khoảng 1 tuần. Còn thời kỳ khởi phát của bệnh có đặc điểm nổi bật là sốt cao đột ngột, đau đầu, đặc biệt là vùng trán, đau bụng, buồn nôn và nôn, hội chứng màng não và rối loạn ý thức từ nhẹ đến nặng (li bì, kích thích, vật vã, u ám, mất ý thức hoàn toàn).
Giai đoạn từ ngày thứ 3 hay thứ 4 đến ngày thứ 6 hay thứ 7 là giai đoạn toàn phát của bệnh với các triệu chứng của thời kỳ khởi phát không giảm mà lại tăng lên: Từ mê sảng kích thích, u ám lúc đầu, dần dần bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên: Vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở, ảo giác, kích động, co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi hoặc bại liệt cứng,... Do vậy, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 7 ngày đầu. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.
Đến thời kỳ lui bệnh (từ ngày thứ 7, hay thứ 8 trở đi), người bệnh đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và khoảng từ ngày thứ 10 trở đi nhiệt độ trở về bình thường nếu như không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Cùng với nhiệt độ, mạch cũng chậm dần về bình thường, nhịp thở không rối loạn. Hội chứng não - màng não cũng mất dần dần: Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh lại, trương lực cơ giảm dần và không còn những cơn co cứng, nôn và đau đầu, gáy mềm, các dấu hiệu màng não cũng trở về âm tính. Trong khi hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc và hội chứng não - màng não giảm dần thì các tổn thương thần kinh khu trú lại rõ hơn trước. Bệnh nhân có thể bại và liệt tay, chân hoặc liệt các dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn sự phối hợp vận động,...
Từ cuối tuần thứ 2 trở đi là thời kỳ của những biến chứng và di chứng muộn. Những biến chứng muộn có thể gặp là: Phế viêm, viêm bể thận - bàng quang, loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá. Những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hoặc thậm chí hàng chục năm mà thường gặp là động kinh và Parkinson. Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị chỉ làm bớt đi phần nào các triệu chứng, cứu người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch do suy hô hấp, trụy tim mạch, nhiễm trùng.
Để phòng bệnh, nên thực hiện các biện pháp sau:
- Xây dựng chuồng gia súc xa nhà, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.
- Loại bỏ các ổ lăng quăng, tiêu diệt muỗi và chống muỗi đốt.
- Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Hiện nay, tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia: Trẻ 12 tháng tuổi tiêm viêm não Nhật Bản mũi 1; mũi 2 tiêm sau mũi 1 cách nhau 14 ngày; mũi 3 sau mũi 2 một năm.
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận