24/01/2018 14:25 GMT+7

Viêm kết mạc mùa đông xuân

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Viêm kết mạc dị ứng có xu hướng song hành với viêm mũi dị ứng, đặc biệt với nhóm bệnh nhân dị ứng phấn hoa - tới 95%.

Viêm kết mạc mùa đông xuân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: livescience.com

Các dị nguyên trong không khí cao lên nhiều vào mùa xuân, chẳng hạn như phấn hoa, cỏ khô, lông và phấn của côn trùng. Chúng là một trong những nguyên nhân gây nên các viêm nhiễm dị ứng tại đường thở và tại mắt. Đường hô hấp với cấu trúc màng nhầy và thần kinh phong phú là mục tiêu tấn công của các viêm nhiễm dị ứng. 

Khi tiếp xúc với dị nguyên, người bệnh sẽ xuất hiện nhanh chóng các triệu chứng: sưng phù mi - kết mạc, ngứa mắt, đỏ mắt, ra gỉ mắt dạng keo nhày. Đối với những trường hợp này, giới chuyên môn thường kết luận bị "ngứa mắt - dị ứng".

Bệnh có tính chất thời vụ và điều trị không phức tạp. Chườm lạnh tại chỗ làm bệnh nhân dễ chịu rõ rệt. Các thuốc tra nhỏ mắt như thuốc co mạch tại chỗ làm giảm sưng đỏ mắt nhanh, nước mắt nhân tạo hoặc nước muối sinh lý để rửa trôi dị nguyên và an dịu mắt, các thuốc kháng histamine và ổn định dưỡng bào dạng nhỏ mắt thường có tác dụng rất tốt.

Viêm kết giác mạc mùa đông xuân

Bệnh viêm kết mạc mùa đông xuân phần lớn xảy ra ở nam giới lứa tuổi thiếu niên và có xu hướng tái phát theo chu kỳ xuân-hè, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em, gây phiền muộn cho các bậc phụ huynh.

Triệu chứng cơ bản của bệnh là ngứa, khiến cho người bệnh muốn gãi, day dụi. Mắt không đỏ nhiều, ra gỉ mắt dạng keo ở mức độ vừa phải. Ở dạng có tổn thương giác mạc, người bệnh sẽ có cảm giác nóng rát, sợ sáng và chảy nước mắt liên tục.

Các thuốc chống viêm dạng không có steroid, thuốc ổn định dưỡng bào và nước mắt nhân tạo các loại chỉ đem lại dễ chịu cho bệnh nhân phần nào. Những cơn kịch phát chỉ chịu lui giảm nhanh khi dùng thuốc corticosteroid. Việc dùng thuốc cần cẩn trọng và tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, bởi dùng cortizol kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng như: glôcôm, loét và hoại tử giác mạc do bội nhiễm nấm - vi khuẩn - herpes, đục thể thuỷ tinh...

Chườm lạnh sẽ làm bệnh nhân dịu được cơn ngứa, người bệnh cần tránh dụi mắt; để tránh khô mắt có thể dùng nước mắt nhân tạo, tốt nhất là dùng loại không có chất bảo quản. Các thuốc ổn định dưỡng bào và các chế phẩm steroid nên được dùng xen kẽ với nhau. Steroid được khuyên dùng trong cơn kịch phát, liều cao trong 5-7 ngày rồi dừng, sau đó thay thế bằng các thuốc kháng histamine tại chỗ - ổn định dưỡng bào hoặc chống viêm không có steroid.

Nhiều người được các nhà dị ứng học cho điều trị bằng phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu. Thế nhưng, hiệu quả của phương pháp này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Có lẽ vấn đề là ở chỗ có đến vài trăm loại dị nguyên cho nên việc xác định loại dị nguyên nào gây bệnh để rồi điều trị giải mẫn cảm là điều không đơn giản. Tuy nhiên, bệnh viêm kết mạc mùa xuân có xu hướng thuyên giảm và khỏi hẳn trước tuổi 25. Điều trị bằng áp lạnh, xạ trị liều thấp, phẫu thuật có những chỉ định đặc thù. Các chế phẩm hoá dược mới: Cyclosporine A, tacrolimus, kháng thể kháng IgE - kháng cytokine cũng làm tiên lượng của bệnh ngày càng tốt hơn.

Viêm kết mạc - giác mạc kiểu atopi: Đây là bệnh hiếm gặp. Các trường hợp điển hình xảy ra trên bệnh nhân bị viêm da dị ứng: viêm da vùng cổ bên, mặt duỗi của tay, các nếp gấp tự nhiên. Hơn nữa, bản thân bệnh nhân hoặc người thân trong gia đình đã từng bị hoặc đang bị hen, viêm mũi dị ứng. 

Các dấu hiệu lâm sàng không mang tính đặc trưng cao: Không có hoặc có ít cơn kịch phát, nhú gai trung bình và lan toả cả kết mạc mi trên và mi dưới, phù kết mạc mạnh và tân mạch giác mạc. Lâu dài, bệnh thường gây ra sẹo kết mạc hoặc dính mi cầu. 

Sẹo giác mạc gây giảm thị lực rất hay gặp, nhất là nếu bệnh nhân bị viêm nhiễm phối hợp do herpes hoặc cầu khuẩn. Điều trị bệnh rất khó khăn do tỷ lệ phụ thuộc vào cortizol rất cao. Các thuốc kháng histamin dạng uống có thể dùng nếu bệnh nhân ngứa nhiều.

Cách xử lý chung vấn đề về mắt trong mùa xuân

Tự bảo vệ mình trước những dị nguyên, uống nhiều nước, uống vitamin C thường xuyên là cách thức phòng tránh tốt nhất trước khi y học có những phương pháp điều trị hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, với kiểu viêm đặc hiệu, khi đã biết rõ kháng dị nguyên thì chúng ta cần tránh tiếp xúc tối đa với dị nguyên đó. 

Một loạt các yếu tố vệ sinh cảnh quan cũng được khuyến cáo đối với bệnh nhân dị ứng: thông khí tốt, độ ẩm thích hợp khoảng 50%, nhiệt độ môi trường tối ưu: 16-18 độ C, chống bụi – nấm – mốc trong nhà... Chườm lạnh mi trong cơn ngứa có thể làm giảm ngứa - giảm viêm  rất nhiều, tránh day dụi nhiều vì có thể gây trầy xước giác mạc.

Ngoài ra, nước mắt nhân tạo hay huyết thanh sinh lý, các chất bôi trơn bề mặt được khuyên dùng bởi chúng làm giảm nồng độ dị nguyên tại mắt, giảm cọ sát cơ giới...những tiền tố của quá trình viêm dị ứng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên