Đoạn video đang được chia sẻ trên mạng xã hội, cho biết một máy bay Pakistan gặp nạn do hết nhiên liệu đã được trực thăng của Ấn Độ hỗ trợ hạ cánh - Nguồn: Instagram
Theo đó đoạn video cho thấy một máy bay rơi xuống một cây cầu đang thi công với nhiều người đứng xung quanh hiện trường vụ rơi này. Người dùng mạng xã hội chia sẻ rằng đây là máy bay Pakistan hết nhiên liệu và được trực thăng Ấn Độ hỗ trợ hạ cánh an toàn.
Tuy nhiên qua kiểm chứng của trang NewsMobile, thông tin trên là hoàn toàn không có thật, đoạn video được xác nhận là sản phẩm do AI tạo ra.
Khi tìm kiếm các từ khóa liên quan đến sự cố, NewsMobile cho biết không có bất kỳ bản tin chính thống nào ghi nhận vụ việc tương tự, cũng như không có báo cáo nào về việc máy bay Pakistan gặp nạn và sự hỗ trợ của trực thăng Ấn Độ.
Phân tích kỹ đoạn video, các chuyên gia đã phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường thường thấy trong nội dung do AI tạo.
Cụ thể cảnh máy bay lao qua cầu trông thiếu chân thực so với một vụ tai nạn thực sự, hình ảnh con người bị nhòe và hòa lẫn không tự nhiên vào cảnh vật.

Những chi tiết bất thường được các chuyên gia chỉ ra, xác nhận đây là sản phẩm của AI, không hề có thật - Ảnh: NEWSMOBILE
Hơn nữa, ý tưởng một trực thăng hỗ trợ máy bay hạ cánh trên cầu cũng bị đánh giá là phi thực tế trong thực tế hàng không.
NewsMobile cũng đã sử dụng công cụ phát hiện nội dung do AI tạo - Cantilux - và cũng nhận được kết luận có đến 63% khả năng video là sản phẩm do AI tạo ra.

Kết luận của công cụ phát hiện AI Cantilux cho biết có đến 63% khả năng đây là sản phẩm của AI - Ảnh: NEWSMOBILE
Với các bằng chứng trên, NewsMobile kết luận video lan truyền là giả và không phản ánh sự kiện có thật. Người dùng được khuyến cáo cẩn trọng trước các nội dung tương tự xuất hiện trên mạng xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận