21/08/2015 14:24 GMT+7

Vị tiến sĩ ở Viễn Đông Bác Cổ

VŨ ĐÌNH HÒE
VŨ ĐÌNH HÒE

TT - Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, tuổi đời hơn hẳn tôi bốn xuân. Ông đỗ cử nhân văn chương kiêm cử nhân luật Đại học Sorbonne, Paris đúng vào năm tôi mới mon men ngưỡng cửa Đại học Đông Dương (1931), rồi ông đã hiển đạt, mang học vị tiến sĩ văn khoa mà tôi chưa xong khóa đầu cử nhân luật.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và trường mẫu giáo đầu tiên tại Hà Nội - Trường Ngô Bích San, năm 1946 - Ảnh tư liệu
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và trường mẫu giáo đầu tiên tại Hà Nội - Trường Ngô Bích San, năm 1946 - Ảnh tư liệu

Khởi đầu diệt dốt và truyền bá quốc ngữ

GS Nguyễn Văn Huyên sống cách xa tôi hàng nửa vòng Trái đất nên tôi khó có dịp được làm quen với ông. Nhưng số phận run rủi khiến hai người vô tình cùng rơi sớm vào “nghiệp thầy”. Ông giảng dạy tại Trường Ngôn ngữ Đông Phương trên đất “mẫu quốc” trong thời gian làm bằng tiến sĩ. Còn tôi trong khi học luật may mắn xin được chân trợ giáo tại Trường tư thục Thăng Long giữa cố đô ngàn năm văn hiến.

Về nước năm 1935, ông nghè Huyên được giữ chức giáo sư Trường Bảo hộ - ban tú tài bản xứ. Ba năm sau, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên xin chuyển sang Trường Viễn Đông Bác Cổ để được dốc tài năng tâm huyết nghiên cứu di sản dày và truyền thống đẹp của nền văn minh Lạc Hồng.

Phần tôi thì vẫn “gõ đầu trẻ” trường tư, đủ sống cho gia đình lớn nhỏ mà còn dư thì giờ để tập viết báo và hoạt động xã hội cho đến sát ngày Cách mạng Tháng Tám.

Hai người tình cờ gặp nhau trên ngã ba khởi nghĩa của đường đời. Nơi gặp là hội quán Hội khuyến học “Trí tri”, lâm thời làm trụ sở của Hội Truyền bá quốc ngữ.

... Tối hôm ấy, GS Nguyễn Văn Huyên trong ban trị sự hội đến nói chuyện với anh chị em sinh viên và hướng đạo sinh vừa đăng ký “nhập ngũ chí nguyện” trong đạo quân diệt dốt cho dân nghèo. Tôi theo chân một bạn tới dự nghe nhà sư phạm ngôn ngữ học lỗi lạc trình bày phương pháp mới dạy vần quốc ngữ, với cách chắp vần tài tình i tờ - tờ i ti - đơn giản mà rất khoa học, vừa dễ nhớ, nhớ lâu, nhanh biết đọc, biết viết hơn lối dạy trước đây nhiều mà lại vui nữa chứ.

Cách này rất thích hợp với bộ óc học viên là những người lớn tuổi suốt ngày lao động cực nhọc nên tối cần giải trí hơn là “đánh vật” với lối đánh vần oái oăm cổ xưa. Sẽ càng vui nhộn - theo GS Huyên gợi ý - nếu giáo viên truyền bá quốc ngữ khéo xen vào bài học vần quốc ngữ những mẩu văn tập đọc phỏng từ các câu ca dao, tục ngữ quen thuộc mà còn ý nghĩa.

Phương pháp i - tờ xuất xứ từ sáng kiến của GS Hoàng Xuân Hãn, có sự chung sức của hai nhà sử học, ngôn ngữ học Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên ở Trường Bác Cổ.

Nặng lòng nước non

Tôi nghe GS Huyên trình bày “sướng lỗ tai” đã đành, nhưng còn thú vị vì lĩnh hội được phần nào thâm ý của vị diễn giả yêu nước. Cho nên sau buổi đó, tôi nhờ Nguyễn Trọng Phấn mượn hộ trong thư viện bản luận án tiến sĩ của giáo sư mà tôi chỉ mới được đọc lời giới thiệu ở đâu đó.

Vợ tôi quê ở Nội Duệ (Tiên Du, Bắc Ninh), vùng hát quan họ đấy. Hồi còn là sinh viên đã có mấy lần tôi về quê vợ chưa cưới xem hội Lim, nhưng thú thật để ngắm và “phá” là chủ yếu chứ có thưởng thức được gì đâu! Đến nay, đọc tác phẩm Hát đối nam nữ... của ông tôi mới tỉnh ra, bắt đầu thấm thía được tí chút nào cái hay của các làn điệu dân gian cổ truyền quê hương thì muộn mất rồi. Cái nghệ thuật cao quý ấy đã bị bọn thanh niên thành thị chúng tôi “quấy rối” quá xá!

Thật đáng mến phục biết bao “cái ông nghè Tây học” mà mang nặng lòng nước non như thế đấy, tôi ngỏ ý đó với Nguyễn Trọng Phấn thì anh vội rút từ cặp ra một xấp giấy đánh máy và nói: “Anh quan tâm đến cảnh sống của dân quê thì xem ngay bài này đi, tác phẩm mới nhất của TS Nguyễn Văn Huyên đấy, viết về tình hình nông thôn nước ta. Anh sẽ thấy Nguyễn Văn Huyên không chỉ nói xưa mà nói cả nay, không chỉ nói cái hay mà có cả dở nữa cơ, “dở là chủ yếu”, rồi nêu giải pháp cấp bách và lâu dài”.

Tác phẩm mang đầu đề Vấn đề nông dân An Nam ở Bắc kỳ (1939). Tác giả vẽ bức tranh nông thôn đồng bằng sông Hồng, phô bày cảnh sống thê thảm của 7 triệu đồng bào vật lộn cùng cực với đói rét, bệnh tật triền miên; căn cứ vào những sự việc cụ thể với những con số chính xác không ai có thể chối cãi được.

Nguyễn Văn Huyên không nói điều gì xa lạ. Trước đó không lâu, các cụ Đông Kinh nghĩa thục đã nói - nói và làm (tuy bị Tây chặn ngang lại và bỏ tù, đưa đi Côn Đảo hoặc quản thúc). Và sau đó không lâu, Bác Hồ kêu gọi toàn dân diệt ba thằng giặc, xếp theo thứ tự: giặc đói - giặc dốt - giặc ngoại xâm...

Thuở bé tôi đã có sống ở nông thôn như Nguyễn Văn Huyên, có lẽ linh cảm được như thế nên chưa vội nghĩ chuyện gì cao xa, tôi tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ (1939), nhận chân tuyên truyền viên, cổ động cho sự nghiệp của hội. Nhờ có tài liệu do GS Nguyễn Văn Huyên chuyển cho mượn qua tay Nguyễn Trọng Phấn, tôi đi diễn thuyết ở nhiều nơi, nói về công cuộc giáo dục xã hội ở các nước ngoài và công cuộc chống mù chữ và nạn thất học ở nước ta; trình bày phương pháp chắp vần tuyệt vời mà tôi được GS bồi dưỡng cho mình dạo nọ.

Thế là dù mới được làm quen với GS, tôi đã sớm trở thành bạn vong niên của anh - một con người hiền hậu, rất dễ đồng tình, đồng cảm với mình. Đúng vào lúc tôi cùng mấy người bạn mới ra trường hoặc mới đi du học về, có người chưa xong luận án tốt nghiệp (vì đại chiến thế giới bùng nổ), anh em bàn với nhau ra báo Thanh Nghị, chia nhau đi tìm gặp các bậc đàn anh mời cộng tác...

Biết tôi đang chuẩn bị bài vở thuộc đề tài giáo dục, anh Huyên rất hoan nghênh ý định ấy (chắc là tôi đã gãi trúng chỗ ngứa của anh), gợi cho tôi nhiều ý kiến quý báu, cung cấp cho tôi nhiều tài liệu và kinh nghiệm giáo dục ở các nước khác nhau trên thế giới và hứa sẽ có bài đóng góp cho Thanh Nghị, mặc dầu anh rất bận công tác nghiên cứu của Trường Bác Cổ trong các lĩnh vực sử học, dân tộc học, xã hội học, văn hóa dân gian. Tôi mạnh dạn đề xuất anh nên kết hợp khi sáng tác về các lĩnh vực ấy thì nhớ nghĩ thêm những khía cạnh liên quan đến vấn đề giáo dục cần thiết cho độc giả Thanh Nghị.

Vậy là chỉ ít lâu sau anh gửi luôn cho tôi hai bài: “Lược khảo về khoa thi hội Quý Sửu, Duy Tân thứ 7” và “Dấu cũ Loa Thành”. Đặc biệt bài thứ nhất hứa hẹn một nội dung sâu sắc. Nguyễn Văn Huyên sẽ phân tích những bài thi trúng cách ở kỳ thi hội đó. Anh dự định dùng phương pháp sử học mà chiếu một tia sáng vào hồi năm 1913, sau khi “cuộc thái bình bảo hộ” (Pháp) thành lập một cách chắc chắn, sau cuộc Nhật - Nga chiến tranh bảy năm và trước cuộc châu Âu kinh thiên động địa một năm đây...

Ngụ ý không phải là dám phê bình gì, chỉ mong giúp được muôn một trong việc lượm lặt tài liệu cho pho sử tinh thần Việt Nam, ngõ hầu một ngày kia ta có xây đắp nên được cái nền tảng của lý tưởng nước nhà chăng? (trích lời Nguyễn Văn Huyên).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên thời trẻ - Ảnh tư iệu
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên thời trẻ - Ảnh tư iệu

Năm 18 tuổi ông đi Pháp du học, đỗ cử nhân văn khoa năm 1929, cử nhân luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne, năm 1934 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa. Năm 1935 ông trở về nước, khước từ làm quan, dạy học tại Trường Bưởi, tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ và chuyển sang nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác Cổ.

Trong Cách mạng Tháng Tám, ông là một trong những người đại diện trí thức thủ đô ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị, nhường quyền kiểm soát đất nước cho nhân dân. Sau khi cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử giữ chức giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia giáo dục kiêm giám đốc Viện Bác Cổ. Tháng 11-1946, ông được cử giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục.

__________

Kỳ tới: “Ông nghè Tây” trở thành bộ trưởng

VŨ ĐÌNH HÒE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên