Người dân Hàn Quốc theo dõi Triều Tiên phóng tên lửa trong một chương trình tin tức tại nhà ga ở Seoul - Ảnh: AP
Có thể làm leo thang căng thẳng?
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), Triều Tiên phóng hai vật thể không xác định lần lượt lúc 5h34 và 5h57 sáng 25-7 (giờ địa phương), bay xa khoảng 430km. Trong khi đó, nguồn tin chính phủ Nhật Bản và chuyên gia Mỹ cho hay đây là 2 tên lửa tầm ngắn.
Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp mặt hôm 30-6 ở khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Ông Trump cũng là tổng thống Mỹ tại nhiệm đầu tiên bước vào lãnh thổ Triều Tiên.
Với diễn biến tích cực như vậy, tại sao Triều Tiên bất ngờ có động thái gây nhiều chú ý và thậm chí có thể làm leo thang căng thẳng?
Báo Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ thông thạo vấn đề Triều Tiên nhận định động thái này rõ ràng để thử sự kiên nhẫn của ông Trump, khi nhà lãnh đạo Mỹ liên tục nói về thành công ngoại giao của ông trong việc ngăn Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa.
Trong khi đó, thực tế cuộc đàm phán hạt nhân của hai bên chưa tiến triển đến đâu sau khi rơi vào bế tắc.
Sau khi Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn hồi tháng 5, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng động thái của Triều Tiên rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, ông Trump liên tục có các phát ngôn giảm nhẹ tính nghiêm trọng của vấn đề.
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ sớm tổ chức các vòng đàm phán cấp sự vụ mới sau cuộc gặp hồi tháng 6. Nhưng động thái mới nhất của Triều Tiên ít nhiều sẽ khiến tâm trạng lạc quan của Mỹ giảm đi. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya gọi vụ phóng ngày 25-7 của Triều Tiên là "rất đáng tiếc".
Đầu tuần này, truyền thông nhà nước Triều Tiên còn chiếu cảnh ông Kim Jong Un kiểm tra một tàu ngầm mới được chế tạo và ra lệnh cho các quan chức tiếp tục củng cố khả năng quân sự.
Chuyến đi của ông Trump đến Bàn Môn Điếm vẫn chưa cho thấy hiệu quả
Vipin Narang, phó giáo sư chuyên về an ninh quốc tế tại Viện công nghệ Massachusetts, nhận định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cùng việc tiết lộ tàu ngầm cho thấy "chuyến đi của ông Trump đến Bàn Môn Điếm vẫn chưa cho thấy hiệu quả như mong đợi".
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định động thái của Triều Tiên không có nghĩa Bình Nhưỡng bác bỏ việc đối thoại với Washington. Đây rất có thể là một màn phô trương sức mạnh và là chiến thuật đàm phán.
"Tôi cho rằng Triều Tiên có thể đã diễn giải cuộc gặp ở DMZ là bằng chứng cho thấy sự quá hăm hở của phía Mỹ. Trong khi đó, phản ứng tự nhiên của bạn khi cảm nhận ai đó quá hăm hở sẽ là tác động để giảm đi trạng thái đó một chút và muốn xem bạn có thể nhận được thêm gì khác" - Scott Snyder, chuyên gia về Triều Tiên tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR), giải thích.
Khoảnh khắc ông Trump - Kim có cái bắt tay đầu tiên ở Hà Nội tại thượng đỉnh lần 2
Trong khi đó, nhà phân tích Duyeon Kim tại Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) đánh giá các tên lửa được phóng mới nhất có thể giống các tên lửa hồi tháng 5 của Triều Tiên, với khả năng đe dọa Hàn Quốc và các lực lượng Mỹ đồn trú trong khu vực.
Bà cho rằng động thái này được tính toán để "khiến mọi thứ khó khăn đi" nhưng vẫn không đặt dấu chấm hết cho con đường ngoại giao.
Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilsonnhận định động thái mới nhất của Triều Tiên có thể nhằm thu hút sự chú ý của Washington để quay lại bàn đàm phán. Vụ phóng không quá lớn đến mức gây phản ứng quá mạnh từ Mỹ.
Bên cạnh đó, vụ phóng cũng là thông điệp của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tháng này chỉ trích việc Mỹ - Hàn sắp tập trận vào tháng tới và cảnh báo cuộc tập trận có thể ảnh hưởng đến kế hoạch nối lại đàm phán.
"Triều Tiên rõ ràng rất bực bội với chuyện Mỹ và Hàn Quốc sắp tập trận chung. Chúng ta không nên sốc với động thái phóng tên lửa này. Thực tế, chúng ta có thể đoán trước được như vậy" - chuyên gia Harry Kazianis từ Trung tâm lợi ích quốc gia ở Washington giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận