24/09/2022 17:11 GMT+7

Vì sao TP.HCM thi tuyển hiệu phó cho trường THPT?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, việc tổ chức thi tuyển không chỉ giúp ngành giáo dục và đào tạo lựa chọn được người vừa có đức vừa có tài mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh...

Vì sao TP.HCM thi tuyển hiệu phó cho trường THPT? - Ảnh 1.

Lãnh đạo các trường THPT ở TP.HCM nhận bằng khen tại lễ tổng kết năm học 2021-2022 - Ảnh: HỮU HẠNH

Thông tin TP.HCM thi tuyển hiệu phó cho ba trường THPT gây chú ý trong ngành giáo dục thành phố, nhưng cũng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi. 

Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với ông Tống Phước Lộc - trưởng Phòng Tổ chức - Cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM.

Ông Lộc cho biết: "Đây là lần đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý giáo dục. Chúng tôi thực hiện theo đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM (hiện đề án này đang được Sở Nội vụ trình UBND TP để phê duyệt). 

Việc tổ chức thi tuyển không chỉ giúp ngành giáo dục và đào tạo TP lựa chọn được người vừa có đức vừa có tài mà còn tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; tránh tình trạng cục bộ khép kín trong công tác quy hoạch; bổ nhiệm cán bộ". 

* Vậy ông đánh giá như thế nào về quá trình bổ nhiệm cán bộ trong ngành giáo dục và đào tạo TP? 

Trong những năm qua, việc quy hoạch, bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của ngành giáo dục và đào tạo TP đã bám sát các quy định của trung ương, của thành phố và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Nội dung, phương pháp, cách làm đã có nhiều đổi mới như dân chủ, công khai; công chức, viên chức được bổ nhiệm trong diện quy hoạch, có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ được bổ nhiệm, phát huy tốt năng lực, sở trường, góp phần quan trọng trong việc lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn bộc lộ một số hạn chế, như thiếu tính cạnh tranh; chưa có sự đột phá, chưa tạo được động lực để công chức, viên chức trẻ có ý chí rèn luyện, phấn đấu...

Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị còn có tư tưởng về bệnh "kinh nghiệm", tư tưởng "có lên mà không có xuống" nên một số cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi được bổ nhiệm còn hạn chế về năng lực, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện về chuyên môn và phẩm chất đạo đức. 

Mặt khác, cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn chưa phát hiện, trọng dụng được hết những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, việc đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển là hướng đi tất yếu, góp phần ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền. 

* Thưa ông, tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM lại chọn ba trường THPT ở ngoại thành để thí điểm tổ chức thi tuyển phó hiệu trưởng? 

Lý do thứ nhất vì ba trường THPT này đang khuyết chức danh phó hiệu trưởng. Thứ hai là nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của các đơn vị THPT, đặc biệt là các đơn vị ở vùng ven, ngoại thành.

* Nhiều giáo viên thắc mắc rằng sau khi tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý cho ba trường THPT ngoại thành, sở có mở rộng, tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý cho các trường THPT ở nội thành, trường THPT nổi tiếng, trường THPT chuyên hay không? 

- Sau khi thực hiện thí điểm đợt này, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ đó, Phòng Tổ chức - Cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ tham mưu để mở rộng đối tượng, tính toán lộ trình thực hiện tiếp trong thời gian tới.

Thi viết và trình bày đề án

Để tham gia thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng ba trường THPT An Nhơn Tây và Quang Trung (huyện Củ Chi); An Nghĩa (huyện Cần Giờ), giáo viên ứng tuyển phải đảm bảo các điều kiện: được quy hoạch chức vụ phó hiệu trưởng, còn đủ 5 năm công tác tính từ khi dự tuyển, có kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản, sử dụng ngoại ngữ ở bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam; ứng viên đã được bổ nhiệm ngạch chuyên viên hoặc chức danh nghề nghiệp tương ứng từ hạng III trở lên. Có chứng chỉ chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp học tương đương.

Các ứng viên sẽ thi viết và thi trình bày đề án. Riêng phần thi trình bày đề án trong thời gian tối đa 30 phút và thi chất vấn trong thời gian từ 30 - 40 phút. Nội dung thi xoay quanh việc đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế, nguyên nhân của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển; dự báo xu hướng phát triển, đề xuất kế hoạch, giải pháp; chương trình hành động (Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM)

3 trường THPT ở TP.HCM thi tuyển hiệu phó 3 trường THPT ở TP.HCM thi tuyển hiệu phó

TTO - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thông báo sẽ tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng cho ba trường THPT.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên