Đường phố trong phường Ghềnh Ráng ngập sâu vào trưa 20-11 - Ảnh: LÂM THIÊN
Trận mưa lớn sáng 20-11 khiến nhiều khu vực ở phường Ghềnh Ráng ngập sâu. Nước chảy xiết làm trôi xe máy, gây hư hỏng nhiều vật dụng của người dân.
Đây đã là lần thứ hai trong mùa mưa năm nay phường này bị ngập lụt như vậy, nước ngập nhanh rồi sau khoảng 1-2 giờ là rút, nhưng gây bất an và thiệt hại tài sản của người dân.
Nhiều người sống ở khu vực này lâu năm cho hay việc ngập lụt trước nay hiếm có, chỉ xuất hiện trong khoảng 2-3 năm gần đây.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về nguyên nhân gây ngập lụt các khu vực ở phường Ghềnh Ráng, ông Trần Viết Bảo - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định - nói rằng theo đánh giá sơ bộ thì trước đến nay ở khu vực chưa bao giờ có trận mưa quá lớn mà tập trung trong thời gian ngắn như trận mưa sáng 20-11.
"Lý thuyết là mưa 100mm trong một ngày đêm là mưa rất to, nhưng từ 9h-11h ngày 20-11 thì lượng mưa ở khu vực này đã hơn 150mm, cá biệt trạm đo mưa chỗ Chi cục Thủy lợi Bình Định ở gần phường Ghềnh Ráng này là trong 1 giờ đã đo được lượng mưa 53mm, nghĩa là mưa quá lớn trong thời gian ngắn. Ví dụ lượng mưa cũng mấy trăm milimet nhưng trong một ngày thì khác với lượng mưa như thế trong vài giờ đồng hồ" - ông Bảo nói.
Cũng theo ông, mưa lớn trong thời gian ngắn, trong khi các khu vực bị ngập ở phường Ghềnh Ráng lại nằm dưới thung lũng. Nước mưa từ trên các triền núi dốc đổ thẳng xuống phía dưới làm cho lượng nước lớn dồn hết về thung lũng nên gây ngập nhanh, thoát không kịp.
Ông Bảo nói hệ thống thoát nước ở khu vực này hiện không đảm bảo cho việc thoát được lượng nước quá lớn như vậy.
"Trước đây tư vấn họ tính toán thiết kế thì tính theo tài liệu quan trắc của các trận mưa trước đó, gọi là các trận mưa lý thuyết. Hồi 12h ngày 20-11, chúng tôi đi kiểm tra thì thấy tiết diện của cống thoát hạ lưu chỗ resort Hoàng Gia nước đã mấp mé ngập.
Theo lý thuyết thì phần chảy bên dưới cống là đúng thiết kế, còn phần ngập bên trên cho thấy là nước quá nhiều, không thể chuyển tải được" - ông Bảo giải thích.
Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cũng nói nguyên nhân tiếp theo là năm cống thoát qua đường khi làm đường Hàn Mặc Tử được thiết kế bằng đúng tiết diện mương thoát nước trước đây TP Quy Nhơn xây dựng bên trên.
Do đó, với lượng mưa lớn sáng 20-11, các cống này không tiêu thoát nổi lượng nước bên trên, gây bật các nắp cống từ trên đường Chế Lan Viên phía trên.
"Tất nhiên việc đô thị hóa có ảnh hưởng (đến việc thoát nước, gây ngập - PV), nhưng chỉ riêng việc mương chuyển tải nước theo lý thuyết thì phần dưới hạ lưu đã ngấp nghé, rồi thêm lượng nước thừa bên trên nữa thì không cách nào thoát được" - ông Bảo nói.
Về giải pháp, ông Bảo cho biết theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ngay trong tuần này, Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND TP Quy Nhơn sẽ có tham mưu phương án tiêu thoát, chống ngập ở khu vực phường Ghềnh Ráng.
"Chúng tôi sẽ đưa ra kịch bản, phương án được tính toán ít nhất là với lượng mưa ngày 20-11-2022 và tính thêm hệ số an toàn vì có thể có những trận mưa lớn hơn nữa trong tương lai để đề xuất hệ thống tiêu thoát nước cho khu vực này. Hiện nay các số liệu lượng mưa lý thuyết cũ đều lạc hậu so với những trận mưa rất lớn như vừa rồi" - ông Bảo cho hay.
Khẩn trương tìm nguyên nhân, đề ra phương án khắc phục
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định - cho biết bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo TP Quy Nhơn khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, đánh giá lại mọi vấn đề dẫn đến việc một số khu vực ở phường Ghềnh Ráng hay xảy ra ngập lụt trong mấy năm gần đây và có phương án khắc phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận