23/11/2020 09:11 GMT+7

Vì sao ông Tập xem xét tham gia CPTPP?

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG  (giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG (giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)

TTO - Tại Diễn đàn APEC ngày 19-11, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc đang xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là một bất ngờ lớn.

Vì sao ông Tập xem xét tham gia CPTPP? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ở Đối thoại trực tuyến APEC CEO 2020 do Malaysia tổ chức ngày 19-11 - Ảnh: Reuters

CPTPP là một biến thể của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có Mỹ. 

TPP là một thiết chế kinh tế đa phương con cưng của chính quyền Obama, được chính thức ký năm 2016 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2018 với mục tiêu đẩy mạnh kết nối giữa các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ ngay khi vừa nhậm chức vào đầu năm 2017.

Sau RCEP, CPTPP là mục tiêu kế tiếp

Khi ông Trump chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, ông Tập nhân cơ hội này để kiến tạo hình ảnh Trung Quốc trên chính trường thế giới là một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Ông Tập muốn gửi thông điệp rằng Trung Quốc ủng hộ các tổ chức quốc tế đa phương giữ vai trò ngày càng quan trọng hơn trong các vấn đề toàn cầu, và tránh đưa ra các khẩu hiệu tương tự như "Nước Mỹ trên hết", "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump.

Trong hai năm gần đây, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng và thế giới phương Tây bắt đầu e ngại với tham vọng của Trung Quốc, nước này bắt đầu điều tiết các diễn ngôn chính trị của mình, bớt nói nhiều về các tham vọng chiến lược, và "bọc đường" giấc mộng phục hưng sự vinh quang của Trung Hoa như trong lịch sử bằng các cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương, chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng như bá quyền. Mục tiêu chỉ trích không ai khác hơn chính là Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ phải trách chính mình khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quá chú trọng chủ nghĩa bảo hộ, và thường xuyên chỉ trích các quốc gia đối tác thương mại lớn lợi dụng trong quan hệ thương mại song phương với Mỹ.

Điều này đã giúp Trung Quốc có cớ để giương cao ngọn cờ lãnh đạo chủ nghĩa thương mại đa phương. Sau khi Trung Quốc cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và 10 quốc gia ASEAN ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 15-11 vừa qua, CPTPP trở thành mục tiêu kế tiếp của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình nói đúng khi ông cho rằng "trong thế giới ngày nay, nơi mà toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, không quốc gia nào có thể phát triển bằng cách đóng cửa".

Chính quá hiểu rõ vai trò của các thể chế quốc tế trong việc định hình nền kinh tế toàn cầu, cũng như duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian sắp tới và phục vụ cho mục tiêu năm 2049 trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới thì Trung Quốc cần phải trở thành quốc gia ấn định luật chơi trong các thể chế quốc tế đa phương.

Tham vọng lãnh đạo toàn cầu

CPTPP có thể giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng chuyển dịch lên tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị chế tạo toàn cầu. So với Hiệp định RCEP mà Trung Quốc đã tham gia ký kết với dân số chiếm một phần ba dân số thế giới và chiếm 29% GDP toàn cầu, CPTPP được coi có quy mô nhỏ hơn với 11 quốc gia và tổng GDP chỉ chiếm khoảng 13% của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng CPTPP, một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, lại hơn hẳn RCEP khi đưa ra những cam kết cải cách sâu hơn giữa các quốc gia thành viên.

Trung Quốc có lý do để tự tin về vai trò lãnh đạo của mình. Về khía cạnh kinh tế, Trung Quốc được coi là quốc gia vượt qua đại dịch COVID-19 thành công nhất trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

Theo khảo sát của Hãng tin Reuters dựa trên thống kê của 37 nhà phân tích công bố vào cuối tháng 10-2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất có tăng trưởng vào năm 2020, với mức dự kiến 2,1%. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ dự báo có tăng trưởng âm ở mức -3,7%. Do đó, quy mô tương quan nền kinh tế Trung Quốc so với Mỹ rút ngắn nhanh hơn sau năm 2020.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao hơn.

Tuy nhiên, có lẽ các quốc gia khác trên thế giới cũng không hẳn vui mừng trước những gì ông Tập phát biểu. Mấy tháng vừa qua, Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp thương mại để hạn chế hàng nhập khẩu từ các quốc gia đòi điều tra độc lập nguồn gốc virus corona. 

Hàng nông sản từ Úc đã bị áp thuế lên tới 80% sau khi mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc xấu đi vì trước đó Bắc Kinh bị tố là không minh bạch về COVID-19. Lá bài thương mại có thể bị Trung Quốc tận dụng nếu các nước quá lệ thuộc vào việc xuất khẩu của Trung Quốc.

CPTPP là hiệp định thương mại đa phương với các điều khoản mang tính đòi hỏi về mở cửa thị trường và cải cách thể chế cao hơn nhiều so với RCEP. Hiện tại có lẽ lúc này Trung Quốc chưa muốn "hi sinh" nhiều về cải cách thể chế đến như vậy.

Nhìn một cách thực tế, Trung Quốc cần phải mất nhiều năm nữa để có thể đàm phán thành công gia nhập CPTPP, nhưng ít nhất ông Tập Cận Bình cũng muốn thể hiện với thế giới rằng Trung Quốc muốn đóng góp cho các thể chế đa phương quốc tế.

"Tự do, cởi mở và dự đoán được"

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cùng với các nhà lãnh đạo APEC khác cho rằng môi trường thương mại và đầu tư "tự do, cởi mở và dự đoán được" cần thiết để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Khái niệm "dự đoán được" là một cách ám chỉ đối với ông Joe Biden (tổng thống Mỹ đắc cử theo xác nhận của truyền thông) rằng phong cách "bất ngờ", "không thể tiên đoán" của ông Trump trước đây là không tốt cho nền kinh tế thế giới cũng như mối quan hệ thương mại song phương Trung - Mỹ.

Nhật Bản muốn mở rộng CPTPP, Trung Quốc và Anh cũng Nhật Bản muốn mở rộng CPTPP, Trung Quốc và Anh cũng 'ngỏ ý' tham gia

TTO - Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 20-11 cho biết nước này hướng tới mở rộng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong bối cảnh cả Trung Quốc và Anh đều muốn tham gia.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG (giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên