Nhiều năm qua, tình trạng vẽ bậy vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Sau đây là chia sẻ của bạn đọc Trang Nguyễn gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Vẽ bậy lan ra nhiều nơi
1. Bài báo "Cuối năm, bến du thuyền bên sông Hàn nhếch nhác, viết vẽ bậy tùm lum" trên Tuổi Trẻ Online cho thấy việc thiếu ý thức của một số người cố tình vẽ bậy, bôi bẩn khắp công trình.
Tọa lạc bên sông Hàn, giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng, thế mà đập vào mắt du khách và người dân là hình ảnh viết vẽ nguệch ngoạc khắp khu vực bến du thuyền, tạo ra khung cảnh hết sức nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị.
Chính quyền địa phương cho biết đã liên tục ra quân, xử lý, dọn dẹp nhưng chưa thể triệt để, dù có biện pháp để phục bắt người viết vẽ bậy, xử lý theo quy định nhưng tình trạng lén lút "sáng tạo" vẫn diễn ra hết sức nhức nhối.
2. Câu chuyện nhếch nhác ở bến du thuyền bên sông Hàn chỉ là một lát cắt trong bức tranh chung của nạn viết, vẽ bậy khắp nơi.
Nhiều người mượn danh nghệ thuật graffiti để tùy tiện phun xịt sơn đủ màu khắp các công trình công cộng và tư gia. Lắm người núp bóng "sáng tạo" rồi mặc nhiên bôi bẩn chân cầu, tường nhà, cửa cuốn...
Hình thù kỳ dị chồng chéo lên nhau, màu sắc lòe loẹt nối dài ra mãi khiến không gian phố phường, đường sá, cầu cống, cửa hiệu ngày càng nhem nhuốc và phản cảm vô cùng.
3. Một bài học nho nhỏ gắn liền với ký ức tuổi thơ của bao thế hệ mang tên "Đẹp mà không đẹp!", ai còn nhớ chăng?
Trong câu chuyện này, một mảnh ghép bé xíu xiu của hai bác cháu trong câu chuyện ngày xưa cũ nhắc nhớ điều căn bản nhất kiến tạo nên phông văn hóa ứng xử của mỗi người: Đừng vì niềm vui ích kỷ của bản thân mà làm xấu đi cảnh quan môi trường xung quanh.
Trở lại vấn nạn viết vẽ bậy khắp các công trình, ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật và bôi bẩn không gian đô thị đang bị nhập nhằng trong nhận thức của một số người.
Một tác phẩm graffiti sẽ đẹp và ý nghĩa khi được mọi người đón nhận một cách hào hứng và đầy ngưỡng mộ.
Ngược lại, một tác phẩm vẽ loạn xạ, nét sơn chồng chéo, bôi xóa tùy tiện sẽ chỉ là rác đô thị! Và sở thích viết vẽ bậy khắp các công trình chính là hành vi bôi bẩn nơi công cộng, phá hoại tài sản của người khác.
Có lẽ nào chúng ta phải mở lớp dạy lại ý thức cho người lớn bằng câu chuyện ngày thơ bé - "Cái nào không đẹp, hở bác?/ Cái không đẹp là bức tường của nhà trường đã bị vẽ bẩn, cháu ạ!"?
Xử phạt thật nặng để xử lý tận gốc
Hành vi vẽ bậy ở các công trình công cộng, tường nhà người khác là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên thời gian qua ở một số nơi, việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa quyết liệt khiến nhiều người vẫn tiếp tục trêu ngươi, thách thức.
Cần phạt tiền và công khai danh tính, buộc khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu.
Hãy tăng mức phạt thật nặng đủ sức răn đe để những người muốn ôm giấc mộng "sáng tạo" biết lo, biết sợ, biết kinh hãi mà sờn lòng, chùn tay.
Song song với việc lắp camera giám sát để tăng cường phạt nguội hành vi bôi bẩn phố phường, hãy trao thưởng cho đội ngũ "camera chạy bằng cơm" có công phát hiện, tố giác sai phạm.
Tất nhiên, vai trò của chính quyền địa phương cần được phát huy hơn nữa trách nhiệm bảo vệ công trình công cộng và tài sản của nhân dân.
Tuần tra thường xuyên, giám sát chặt chẽ, mật phục ở vài điểm nóng hay tái diễn tình trạng viết vẽ bậy và xử phạt thật gắt gao để xử lý tận gốc hành vi xấu xí.
Mong rằng trong tương lai gần, vấn nạn viết vẽ bậy nơi công cộng sẽ phôi phai dần để trả lại không gian phố phường sạch đẹp và tường nhà, cửa cuốn thoát cảnh "bỗng dưng muốn khóc" vì nét sơn nguệch ngoạc, hình thù kỳ dị.
Dù cơ quan chức năng liên tục ra quân kiểm tra, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được nạn viết vẽ bậy. Nguyên nhân là những người vẽ bậy đợi đêm tối, vắng người mới xuất hiện trong tích tắc nên khó kiểm soát, khó xử lý.
Lẽ nào chính quyền bất lực và chúng ta đành "bó tay" trước nạn viết vẽ bậy?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận