07/11/2018 10:48 GMT+7

Vì sao miền Trung khô hạn giữa mùa mưa?

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Theo chuỗi số liệu quan trắc thì ngoài thiếu hụt mưa do bão, áp thấp mang lại, lượng mưa tại chỗ ở các tỉnh miền Trung cũng thấp kỷ lục.

Vì sao miền Trung khô hạn giữa mùa mưa? - Ảnh 1.

Nông dân xã Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam đốt đồng, chuyển sang trồng các loại hoa màu chịu hạn - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Lê Thanh Hải - phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, cho biết như vậy về tình trạng khô hạn gay gắt ở các tỉnh miền Trung.

* Tính đến thời điểm này, trên Biển Đông có 7 cơn bão nhưng chưa cơn nào ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta, số liệu bão năm nay bão ít so với trung bình nhiều năm, điều này liên quan gì đến tình hình khô hạn khu vực miền Trung, thưa ông?

- Hiện nay, các mô hình dự báo số lượng các cơn bão không thể chính xác tuyệt đối, chỉ dựa vào chuỗi ghi nhận số liệu trung bình nhiều năm: bão trên Biển Đông 10-12 cơn, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng đất liền nước ta.

Tuy nhiên, thực tế có năm bão nhiều như năm 2017 gần 20 cơn bão, có năm ít bão (năm 2018 tính đến thời điểm này có 7 cơn bão), thậm chí trong lịch sử từng có năm ghi nhận không có cơn bão nào xuất hiện trên Biển Đông.

Khi bão, áp thấp đổ bộ vào đất liền thì tùy theo cấp có thể gây những thiệt hại, vì vậy không có bão đổ bộ vào đất liền được coi là điều may mắn. Tuy nhiên bão, áp thấp cũng mang đến một lượng nước dồi dào.

Tại Việt Nam, có 40% lượng mưa do bão, áp thấp mang tới. Ở Philippines, lượng mưa do bão mang tới lên tới 60%. Vì vậy, năm nào không có bão, áp thấp vào bờ thì lượng mưa tương ứng thiếu hụt.

* Ngoài nguyên nhân bão ít, không vào bờ thì có nguyên nhân nào khác? Liệu từ nay đến cuối năm có khả năng xuất hiện bão, áp thấp trên Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh miền Trung?

- Theo chuỗi số liệu quan trắc thì ngoài thiếu hụt mưa do bão, áp thấp mang lại, lượng mưa tại chỗ ở các tỉnh miền Trung cũng thấp kỷ lục.

Ví dụ trong tháng 9, tháng 10 là hai tháng cao điểm mùa mưa ở Trung Bộ nhưng mưa ít, lượng mưa của hai tháng này thiếu hụt 50-70% so với trung bình nhiều năm. Các hồ đập, thủy lợi gần như không có nước để tích trữ.

Dự báo trong hai tháng còn lại của năm mưa cũng không nhiều, lượng mưa tiếp tục bị thiếu hụt. Bên cạnh đó, theo các mô hình dự báo, có tới 60-70% hiện tượng El Nino (gắn với thời tiết khô hạn - PV) quay lại vào đầu năm 2019.

Bão cũng đã đến giai đoạn cuối mùa, may ra còn 1-2 cơn nữa trên Biển Đông, trong đó có thể có một cơn ảnh hưởng đến Trung Bộ, nhưng khả năng này vẫn là 50-50. Vì vậy, gần như các tỉnh Trung Bộ đối mặt với mùa khô hạn 2018-2019 khá gay gắt.

* Ông có khuyến nghị gì để người dân các tỉnh miền Trung đối phó với tình hình khô hạn thời gian tới?

- Trước tiên, các cơ quan quản lý nhà nước và cả người dân cần nắm thông tin để có kế hoạch thích ứng, ví dụ như có kế hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ít cần nước.

Về lâu dài, người dân miền Trung cần tận dụng triệt để nguồn nước mưa và tính tới chuyện bổ sung cho nước ngầm để có thể khai thác, sử dụng trong thời kỳ khô hạn.

* Còn khô hạn ở các tỉnh Bắc Bộ có căng thẳng không, thưa ông?

- Bắc Bộ thời tiết đang chuyển sang thời kỳ ít mưa, lạnh. Mùa đông năm nay ở Bắc Bộ ấm hơn so với trung bình nhiều năm nhưng sẽ rét hơn so với những năm gần đây, có những thời điểm xảy ra rét cục bộ, xuất hiện tình trạng băng giá tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, khô hạn không gay gắt như miền Trung.

25 hồ Nghệ An xuống mực nước chết, 23.000ha lúa khô hạn 25 hồ Nghệ An xuống mực nước chết, 23.000ha lúa khô hạn

TTO - Ông Nguyễn Văn Lập - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An - cho biết thông tin trên tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2018 chiều 6-7.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên