Trường hợp Airbus A350 đầu tiên cháy
Chiều tối 2-1, chiếc Airbus A350 của Japan Airlines chở theo 379 người, bao gồm 12 thành viên phi hành đoàn, hạ cánh xuống sân bay Haneda (Nhật Bản) sau hành trình từ Sapporo, va chạm với một máy bay tuần duyên và bốc cháy dữ dội.
Cháy máy bay ở Nhật: Tránh được thảm họa nhờ hành khách bình tĩnh, nhân viên giỏi
Theo Japan Airlines, tất cả hành khách và phi hành đoàn trên máy bay của hãng được sơ tán trong 20 phút. Chiếc máy bay tiếp tục cháy trong 6 tiếng.
Đối với máy bay tuần duyên, chỉ một người trong số sáu người có mặt trên máy bay sống sót.
Theo ghi nhận từ các đoạn phim, chiếc máy bay Airbus A350 của Japan Airlines bị nhấn chìm trong lửa sau khi va chạm, nhưng đã không phát nổ.
Máy bay Airbus A350 làm bằng vật liệu sợi carbon tổng hợp dễ cháy, nhưng có vẻ các chuyên gia vẫn chưa hiểu hết về loại vật liệu này. Chiếc A350 cháy ở sân bay Haneda là trường hợp đầu tiên trên thế giới được ghi nhận.
Tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cao cấp về thiết kế hàng không vũ trụ tại trường kỹ thuật cơ khí và sản xuất của Đại học New South Wales (Úc), cho biết thế hệ máy bay thương mại đầu tiên, vốn được thiết kế từ thế kỷ 20, được chế tạo chủ yếu từ kim loại.
Các kỹ sư hàng không ngày nay đã tăng tỉ lệ vật liệu sợi carbon tổng hợp trong việc chế tạo để máy bay có thể giảm trọng lượng và tăng tính tối ưu.
Theo tiến sĩ Brown, khoảng 50% máy bay Airbus A350 được làm từ polymer gia cố sợi carbon. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất từng được ghi nhận trong việc sản xuất máy bay.
Cánh, thân và một số cấu trúc lớn khác của máy bay cũng được chế tạo từ các vật liệu tổng hợp. Nhôm, thép và titan vẫn được sử dụng, nhưng với tỉ lệ thấp hơn.
Theo bà Brown, các đoạn phim cho thấy ngọn lửa bắt đầu từ phần cánh bên trái của máy bay và lớn đến mức kể cả thân một máy bay làm từ kim loại cũng có thể bốc cháy.
"Vật liệu sợi carbon tổng hợp có thể dần mất đi độ cứng ở khoảng 200 độ C, trong khi nhôm bắt đầu nóng chảy ở mức 700 độ C, nhưng ngọn lửa mà chúng ta thấy trên thân máy bay có nhiệt độ 1.000 độ C", báo Guardian dẫn lời bà Brown.
Bà Brown phân tích vật liệu của chiếc máy bay có thể có tác động đến cách cháy của ngọn lửa vì có nhiệt độ cháy thấp hơn, nhưng nhìn chung không thay đổi kết quả sau cùng.
Bà Brown cũng lưu ý bức tường lửa do các vật liệu có nhiệt độ cháy cao ở phía cánh trái đã ngăn ngọn lửa lan nhanh đến các bộ phận như động cơ hay bể nhiên liệu, đủ lâu để những người có mặt trên máy bay có thể sơ tán.
Khi hành khách đã sơ tán hết, cường độ ngọn lửa phụ thuộc phần lớn vào những vật còn lại trong chiếc máy bay.
Máy bay còn ít nhiên liệu
Cũng theo bà Brown, lượng nhiên liệu còn ít trên chiếc máy bay lúc hạ cánh có thể đã giảm thiểu cường độ đám cháy và ngăn ngừa nguy cơ một vụ nổ.
Ông Neil Hansford, một tư vấn viên hàng không của hãng Strategic Aviation Solutions, nói máy bay thương mại có xu hướng vận hành với lượng nhiên liệu chỉ vừa đủ cho chuyến đi, cùng 10% dự phòng, nhằm tối ưu nhiên liệu.
Ông Hansford nói tương tự bà Brown về vụ việc tại sân bay Haneda, bên ngoài máy bay sẽ cháy rụi bất kể làm từ vật liệu gì, nhưng nội thất bên trong được thiết kế ngăn ngọn lửa lan lâu nhất có thể để hành khách sơ tán.
“Tất cả nội thất bên trong máy bay được thiết kế để tránh cháy lan, ghế ngồi được làm bằng vật liệu chống cháy”, ông Hansford cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận