09/10/2020 19:17 GMT+7

Vì sao hàng loạt các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM chậm tiến độ?

N.AN
N.AN

TTO - Trong 6 dự án trọng điểm chậm tiến độ phần lớn là các dự án đường sắt đô thị, nguyên nhân do chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm thực hiện, năng lực nhà đầu tư, tổng thầu còn hạn chế...

Vì sao hàng loạt các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM chậm tiến độ? - Ảnh 1.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thể vận hành - Ảnh: T.P.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo đó, hiện còn 6 dự án trọng điểm triển khai chậm tiến độ gồm Bến Lức - Long Thành và 5 dự án đường sắt đô thị. Việc triển khai một số dự án mới như nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng bị chậm.

Với dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đạt khoảng 78,19%, các gói thầu vốn ADB chậm do bị dừng giải ngân vốn nước ngoài và vốn đối ứng liên quan tới các thủ tục, quy định. Các gói thầu JI, J3 sử dụng vốn JICA chậm do vốn đầu tư công từ năm 2019 chưa được bố trí.

Đối với tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên sản lượng ước đạt 76,3%. Hiện một số thủ tục về vốn, cơ chế tài chính và hiệp định vay của dự án đang được UBND TP.HCM làm việc với Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính giải quyết.

Tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương hoàn thành 1/8 gói thầu; các gói thầu còn lại đang thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai thủ tục thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu. Một số thủ tục về cơ chế tài chính, khoản vay của Ngân hàng KfW đang được các bên giải quyết.

Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội, sản lượng thực hiện đạt 64,27%, riêng đoạn trên cao đạt 79,09%. Một số vướng mắc chính của dự án chủ đầu tư đang giải quyết: vướng mắc mặt bằng tại các ga S5, S7, ga ngầm S10; làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về thủ tục vay lại khoản vay bổ sung 20 triệu euro của DGT.

Đặc biệt với tuyến Cát Linh - Hà Đông, dù đã cơ bản hoàn thành, các bên hoàn thiện các thủ tục để nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác, tuy nhiên còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến thiết bị khu depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán...

Là chủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo giải quyết vướng mắc, khắc phục các tồn tại và hoàn thiện các hạng mục còn lại. Khó khăn chính hiện nay là công tác huy động nhân sự là các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam hoàn thành công tác đánh giá an toàn hệ thống để nghiệm thu, bàn giao đưa vào vận hành khai thác.

Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm đề nghị cấp có thẩm quyền của Pháp hỗ trợ, tháo gỡ để các chuyên gia tư vấn ACT (tư vấn đánh giá an toàn hệ thống) sớm sang Việt Nam thực hiện dự án.

Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng như chỉ đạo các cơ quan tham mưu, Ban Quản lý dự án đường sắt triển khai thực hiện.

Nguyên nhân được chỉ ra là do hầu hết các dự án trọng điểm đều là dự án quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp; có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam (các dự án đường sắt đô thị), trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện; năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp…

Chưa kể là do biến động lớn về giá đầu vào, tỉ giá hối đoái thay đổi làm tăng tổng mức đầu tư; công tác xử lý kỹ thuật, xử lý lún kéo dài, điều kiện địa chất phức tạp, thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án…

Về giải pháp, báo cáo Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ một số quy định cho phù hợp quy định và đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ.

Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể, có chế tài xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng xây dựng... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đầu tư, thường xuyên họp giao ban định kỳ, đột xuất, phát huy sự tham gia của tư vấn độc lập...

Tạm dừng dự án đường sắt đô thị Hà Nội do doanh nghiệp đầu tư để chờ cơ chế Tạm dừng dự án đường sắt đô thị Hà Nội do doanh nghiệp đầu tư để chờ cơ chế

TTO - TP Hà Nội đã tạm dừng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào tuyến đường sắt đô thị theo hình thức BT, PPP để chờ quy định mới của Chính phủ, trong đó có dự án của tập đoàn Vingroup và T&T.


N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên