16/01/2018 14:11 GMT+7

Vì sao Facebook 'lột' tin tức?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Loại bớt những tin tức quảng cáo và tin tức báo chí sẽ giúp người dùng Facebook cảm thấy cuộc sống “sạch” hơn, hay lại đưa Facebook vào một cuộc chiến tâm lý - xã hội mới?

Vì sao Facebook lột tin tức? - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg, CEO của Facebook - Ảnh: REUTERS

Các tờ báo lớn và những doanh nghiệp dựa vào Facebook để quảng bá đang lo ngại. Theo thông báo từ giám đốc điều hành (CEO) Zuckerberg ngày 11-1, Facebook sẽ ưu tiên những chia sẻ cá nhân của người dùng, đồng thời giảm sự xuất hiện của những bài báo hay quảng cáo trực tuyến.

"Sự hi sinh" của Zuckerberg

Từ khi ra đời tới nay, trang chủ "News Feed" của Facebook từ chỗ là trung tâm thông báo những điều mới mẻ cho người dùng, trở thành miếng đất vàng cho các tờ báo điện tử và đặc biệt là doanh nghiệp muốn quảng cáo. 

Nhưng một vấn đề khác nảy sinh: người dùng ngày nay cảm thấy quá phiền phức khi trang chủ của họ tràn ngập quảng cáo và các bài báo, thay vì thông tin từ bạn bè.

Chính vì vậy, theo lời Zuckerberg viết trên trang cá nhân, ông muốn Facebook trở lại với ý nghĩa ban đầu của nó là chia sẻ thông tin, cuộc sống giữa người với người. Thế là một chiến dịch thử nghiệm được Facebook đặt tại 6 quốc gia gồm Slovakia, Sri Lanka, Campuchia, Bolivia, Guatemala và Serbia. Những tài khoản tại các nước này không nhìn thấy những dạng bài chia sẻ đường link các trang báo, không thấy quảng cáo. Nếu muốn đọc tin tức, họ sẽ vào mục "Explore" (khám phá).

Ngay lập tức, lượng truy cập vào các trang báo từ Facebook "rớt" hẳn, theo như thừa nhận từ các báo Página Siete (Bolivia) hay Phnom Penh Post (Campuchia). Hiện nay, giới báo chí đang rất lo lắng vì mạng xã hội có 2 tỉ người dùng kích hoạt mỗi tháng này đóng vai trò nguồn dẫn bạn đọc vào báo lớn nhất thế giới.

Lâu nay, Facebook vẫn "cộng sinh" rất tốt với quảng cáo trực tuyến, bao gồm các nhãn hàng, trang bán hàng lẫn nguồn tiền đặt quảng cáo của các tờ báo. Nhưng đồng thời, việc tin tức tràn lan cũng khiến Facebook bị cáo buộc về trách nhiệm đạo đức và thậm chí yếu tố pháp lý xung quanh làn sóng tin tức giả mạo.

Việc "lột" tin tức ra khỏi News Feed được Zuckerberg cho là hướng đi đúng đắn trong việc xử lý tin giả. Nhưng đổi lại là viễn cảnh thất thu quảng cáo. Theo Bloomberg, cổ phiếu Facebook giảm 4,5% hôm 12-1 tại New York, khiến tài sản của Zuckerberg "bốc hơi" 3,3 tỉ USD sau thông báo thay đổi cách thức vận hành News Feed.

Kết nối hay chia rẽ?

Hôm 15-1, báo chí Úc đưa tin ông Carlos Cantina - một chủ nhà hàng tại Melbourne - đã tìm thấy phong bì gửi trả lại số tiền 326 USD trong hóa đơn mà 6 vị khách trước đó "quên" trả. Cantina đã chụp hình hóa đơn lên Facebook, bảo rằng đó là số tiền bằng lương của hai nhân viên quán, yêu cầu nhóm khách hãy trả lại. Hiệu ứng lan truyền trên Facebook sau 200 lượt chia sẻ đã tác động và tạo ra một kết thúc có hậu.

Đó là một ví dụ cho những lợi ích mà Facebook mang lại. Nhưng Facebook cũng đã sai, ngay tại Úc. Số tiền 326 USD kèm theo câu chuyện văn minh ứng xử ấy chưa thể khỏa lấp cái chết của Amy Everett, cô bé vừa tự tử trước đó vài ngày vì bị bắt nạt trên mạng.

Bắt nạt trên mạng (online abuse hay cyberbully) đã trở thành một thuật ngữ gắn liền với mạng xã hội, và là vấn đề nhức nhối của các nền tảng ra đời với động cơ ban đầu là "kết nối mọi người" như Facebook. Trước đó ông Everett, cha của bé Amy, đã bày tỏ sự phẫn nộ trước việc có những kẻ coi việc bắt nạt trên mạng là một trò đùa.

Và khi Facebook loại bớt tin tức thì "quyền lực" trở về tay của những nhân vật nổi tiếng, các blogger có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Điều gì sẽ xảy ra nếu trong một bài viết nào đó, những blogger này vô tình "bắt nạt" một cá nhân, tạo làn sóng chỉ trích lên cá nhân ấy và kết thúc là một thảm kịch tương tự Amy?

Báo Seattle Times (Mỹ) dẫn lời Filip Struharik, biên tập viên trang tin Dennik N tại Slovakia và là người phân loại hiệu ứng của Facebook Explore, khẳng định con người không thích đọc tin tức với những dữ kiện chính xác nhưng "nhàm chán". Thay vào đó, họ bị những câu chuyện giả tạo, câu nước mắt thu hút, và rõ ràng trong thời gian tính năng Explore chạy thử nghiệm loại bỏ tin tức, lượng tương tác của những chuyên gia "câu nước mắt" đã tăng đều.

Kiếm tiền tỉ từ News Feed

Lượng người dùng đi kèm mức độ phổ biến của Facebook đã tăng chóng mặt kể từ khi nó được thành lập năm 2004. Trong những năm đầu, Facebook thắng lớn nhờ News Feed, nơi người dùng dễ dàng cập nhật tình hình bạn bè, người thân. Vài tháng trước khi chính thức ra mắt công ty năm 2012, Facebook đưa vào tính năng quảng cáo "sponsored story" (bài được tài trợ) và mở rộng quảng cáo di động. Từ đó, doanh số hằng năm của mạng xã hội này tăng đột biến từ 5,1 tỉ USD lên khoảng 40,2 tỉ USD tính tới năm 2017. Đó là lúc News Feed trở thành nơi xuất hiện đầy rẫy quảng cáo và tin tức báo chí.

Nay Facebook không ưu tiên những bài báo hay quảng cáo, câu hỏi được đặt ra: có phải Facebook muốn các báo và các trang quảng cáo phải chi tiền cho Facebook để được ưu tiên xuất hiện trên News Feed?

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên