Một phòng cấp cứu dã chiến dùng để điều trị người bệnh COVID-19 tại Brescia, Ý - Ảnh: NYT
Hầu hết những người mắc bệnh COVID-19 không lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên có một số nhỏ trường hợp lại có thể lây bệnh cho rất nhiều người, họ gọi là những trường hợp này là siêu lây nhiễm (superspreader).
"Bạn có thể hình dung giống như khi ta ném một que diêm vào đống củi", tiến sĩ Ben Althouse, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện mô hình hóa các bệnh tại Bellevue, Washington, nói.
"Bạn ném một que có thể không làm cháy đống củi. Bạn ném que nữa có thể cũng không luôn. Nhưng khi một que diêm rơi vào đúng chỗ của nó thì bất chợt đám cháy bùng lên", ông Ben Althouse giải thích.
Cũng theo các nhà khoa học, việc hiểu rõ nguyên nhân vì sao "những que diêm này" không làm bùng đám cháy, trong khi "những que diêm khác" lại không thể rõ ràng là điều tối quan trọng để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Hiện tại các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu vì sao chỉ có một bộ phận rất nhỏ những người bệnh lại trở thành các ca siêu lây nhiễm COVID-19 như vậy.
Người dân đưa thẻ căn cước công dân cho nhân viên hữu trách kiểm tra trước khi vào mua nhu yếu phẩm tại Singapore ngày 23-4-2020 - Ảnh: REUTERS
Có 3 câu hỏi cần được trả lời: Ai là những trường hợp siêu lây nhiễm? Khi nào siêu lây nhiễm xảy ra và xảy ra ở đâu?
Với câu hỏi thứ nhất, các bác sĩ quan sát thấy virus corona chủng mới có khả năng nhân lên trong một số người ở số lượng lớn hơn hẳn so với những người khác.
Những trường hợp này được ví như những "ống khói virus", hơi thở của họ khi thoát ra giống như tỏa đi những đám mây mầm bệnh lan rộng ra xung quanh.
Lại cũng có những người dễ nhiễm bệnh hơn người khác và cũng "có điều kiện" hơn để lây bệnh cho người khác.
Một tài xế xe buýt hay một nhân viên nhà dưỡng lão có thể xem là những trường hợp như vậy, trong khi phần lớn những người khác ít có cơ hội lây bệnh hơn vì không tiếp xúc với người khác, đặc biệt trong điều kiện giãn cách xã hội.
Giáo sư Kristin Nelson thuộc ĐH Emory (Atlanta, Mỹ) cho rằng sự khác biệt về đặc điểm sinh học (hay ta vẫn thường gọi là "cơ địa") của mọi người không đóng vai trò quá lớn trong vấn đề này.
"Tôi nghĩ các yếu tố hoàn cảnh quan trọng hơn nhiều - bà Nelson nói - Tôi nghĩ nó cần được tập trung hơn trong các trường hợp siêu lây nhiễm".
Có rất nhiều tình huống sự lây nhiễm xảy ra trong thời gian rất ngắn, chỉ một vài ngày sau khi một người nhiễm bệnh, thậm chí trước cả khi các triệu chứng xuất hiện.
Nếu không có những người khác ở xung quanh trong khoảng "thời gian cửa sổ" đó, sự lây lan không thể xảy ra.
Cũng có những nơi nhất định thường xảy ra siêu lây nhiễm. Một quán bar đông đúc với rất đông người đang nói chuyện ồn ào, thoải mái với nhau là một ví dụ.
Trong không gian đó, bất cứ người bệnh nào cũng có thể lây cho người khác ngay cả khi không ho tiếng nào. Và nếu trong phòng không có hệ thống thông khí tốt, virus sẽ còn quẩn quanh trong không gian đó nhiều giờ.
Một nghiên cứu công bố tháng này tại Nhật nhận thấy những ổ dịch COVID-19 xảy ra nhiều tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhà dưỡng lão, trung tâm trông giữ trẻ, nhà hàng, quán bar, nơi làm việc và các sự kiện âm nhạc.
Hiện tượng bùng dịch dữ dội trong các khu nhà tập thể của người lao động nhập cư tại Singapore là một ví dụ điển hình cho thấy nhà chức trách đã không nhận ra đúng mức nguy cơ bùng dịch tại các địa điểm thuận lợi cho tình trạng siêu lây nhiễm.
Vì hầu hết các sự lây nhiễm đều chỉ xảy ra trong một số nhỏ những tình huống tương tự, do đó vẫn có thể tìm ra các chiến lược cụ thể để ngăn chặn điều đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận