09/10/2014 07:01 GMT+7

​Vì sao có cảm giác chương trình lớp 1 nặng?

TS HOÀNG TUYẾT (ĐH Sư phạm TP.HCM)
TS HOÀNG TUYẾT (ĐH Sư phạm TP.HCM)

TT - Cảm giác bất an của xã hội về sự quá tải hay nặng của chương trình lớp 1 là đúng. Nguyên do: cách thiết kế và tổ chức thực hiện chương trình!

Vì sao trẻ nước ngoài ít tuổi hơn mà học chương trình tương đương lớp 1 của ta lại không thấy nặng?

Cảm giác bất an của xã hội về sự quá tải hay nặng của chương trình lớp 1 là đúng. Song cái nặng hay quá tải ấy không hẳn do dung lượng của chương trình học hay do trẻ không được học trước chương trình mà là do cách thiết kế và tổ chức thực hiện chương trình.

Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng nội dung môn toán, ngôn ngữ, khoa học... của lớp 1 mà con em chúng ta đang học là nội dung học tập của học sinh từ 4 -6 hoặc 7 tuổi trong chương trình giáo dục mầm non của rất nhiều nước trên thế giới.

Khác biệt ở cách thiết kế và thực hiện chương trình

Ở các nước, trẻ được học kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Các em học không chỉ những gì được viết trong sách giáo khoa mà còn học xuyên qua nhiều hoạt động thuộc những lĩnh vực khác như khám phá thế giới xung quanh, âm nhạc, mỹ thuật, kịch nghệ, phát triển tình cảm - xã hội, thể dục - vận động.

Các em được học trong một phòng học có bố trí “mở” với những góc học tập trang trí tươi vui, nhiều đồ dùng học tập trực quan sinh động kiểu của mẫu giáo.

Các em được học theo cách đúng với đặc điểm của các em: ham thích tìm tòi khám phá, chỉ học khi cảm thấy vui, thấy thích và thấy thoải mái.

Còn ở Việt Nam, các cháu lớp 1 học nội dung tương đương chương trình mẫu giáo 4-6 tuổi thế giới trong vòng năm thứ nhất bậc tiểu học.

Các cháu học trong một môi trường học tập mà sĩ số lớp có khi lên đến 40-50-60 học sinh. Các cháu được đặt ngồi cố định trên những chiếc ghế với bàn đã sắp xếp quy củ trang nghiêm suốt cả năm, trong một phòng học có bố trí “đóng” và với đồ dùng học tập trực quan ít ỏi.

Hoạt động học của các cháu được triển khai theo một quy trình khá chặt chẽ, nghiêm ngặt với vài kiểu hoạt động học tập chủ yếu mà học sinh nhỏ thường dễ chán ngán là nhìn, nghe, đọc, viết và làm bài tập.

Các hoạt động học chơi - chơi học thi thoảng mới có chỉ như là một cách thay đổi không khí học tập. Hơn nữa, các cháu còn phải vật vã với việc đọc chữ để học những bài học của các môn học khác khi chưa thật sự thông chữ.

Chương trình mầm non quốc gia vừa được cải cách gần đây đã mang đến cho xã hội và cho trẻ khá nhiều thay đổi tích cực, song xét cho cùng chương trình vẫn chưa thật sự thể hiện được sứ mệnh của mình là chuẩn bị tích cực cho trẻ vào tiểu học.

Nội dung giáo dục ngôn ngữ và toán của lớp 4-6 tuổi chỉ dừng ở mức giúp trẻ đơn giản làm quen với chữ viết, dùng sách, bút, nhận diện chữ cái, sao chép chữ hay ký hiệu và nhận biết số từ 1-10, hình dạng thông thường, khái niệm lớn, nhỏ, bằng...

Liên thông giữa chương trình mầm non với tiểu học

Nói cách khác, nội dung học vần ở lớp 1 với bản chất là chuẩn bị cho học sinh vào tiểu học - vào lớp 1. Điều này làm cho cấu trúc chương trình tiểu học năm năm của nước ta về thực chất chỉ còn khoảng bốn năm, ít hơn gần hai năm so với chương trình tiểu học (sáu năm) của hầu hết các nước trên thế giới.

Lượng thời gian vật chất của chương trình hẳn cũng phản ánh chất của nội dung học tập. Từ đây, câu hỏi có thể đặt ra liệu cấu tạo nội dung học tập tiểu học như thế có đảm bảo cho chương trình tiểu học đóng đúng vai trò bậc học nền tảng của mình, bậc học phải giúp trẻ lĩnh hội và phát triển được các kiến thức kỹ năng nền tảng, các năng lực và phẩm chất thiết yếu cho quá trình học tập và phát triển nhân cách đúng đắn, lâu dài và bền vững của trẻ?

Trước thềm chuẩn bị cải cách chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, chúng tôi thật sự mong nguồn gốc của những bất an kinh niên của xã hội về chương trình lớp 1 - chương trình tiểu học sẽ được xem xét và giải quyết căn cơ.

Tính liên thông, tương tác giữa chương trình giáo dục mầm non với chương trình tiểu học cần được nghiên cứu và triển khai thực hiện một cách hệ thống khoa học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện của nền giáo dục nước nhà.

Có vậy giáo dục phổ thông từ thập niên tới mới có thể mang đến cho trẻ mầm non và tiểu học một lối học thích hợp với lứa tuổi hồn nhiên, giàu năng lượng tìm tòi - khám phá và tràn ngập cảm xúc vui tươi.

Người thầy hay “ôsin cao cấp”?

Giáo dục mầm non được triển khai trên thực tế nặng theo quan niệm là bậc học chăm lo sức khỏe cùng với một số mặt tinh thần của trẻ.

Tình trạng này nảy sinh trong đội ngũ giáo viên mầm non cái cảm giác mình là “ôsin cao cấp” hơn là “người thầy” mặc dù cũng được đào tạo bằng số năm như giáo viên các bậc học cao hơn.

Thế là trong lúc vị thế chuyên môn của giáo viên mầm non 4-6 tuổi có vẻ như bị mờ nhạt đi vì không có nhiều việc phải làm liên quan đến dạy - học thì giáo viên lớp 1 phải nhọc nhằn giúp các em chuẩn bị cấp tập để các em có thể sẵn sàng học tiểu học.

 

TS HOÀNG TUYẾT (ĐH Sư phạm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên