04/10/2014 07:54 GMT+7

Con vịt lạc đàn trong lớp 1: Cần nỗ lực từ nhiều phía

N.HUY tổng hợp
N.HUY tổng hợp

TT - Trong hàng trăm ý kiến phản hồi về tuyến bài “Con vịt lạc đàn trong lớp 1”, nhiều bạn đọc thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp cho tình trạng này.

Tôi nghĩ việc bắt các cháu mới vào lớp 1 đã đọc thông viết thạo chắc chỉ xảy ra ở một số trường trọng điểm tại các tỉnh thành lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Con tôi năm nay học lớp 2. Nhưng trước khi vào lớp 1, tôi cũng không cho con học chữ trước. Ở trường mẫu giáo các cô đã cho học nhận diện mặt chữ như thế nào thì con biết đúng thế.

Khi con vào lớp 1, tôi rất yên tâm khi biết rằng bé biết chữ rồi lẫn bé chưa biết chữ khi bước vào lớp đều như nhau. Cô dạy đúng chương trình và dạy từ đầu. Con đã học rồi thì vẫn phải học lại như các bạn khác.

Và bài tập về nhà cũng đúng theo chương trình và năng lực của các con. Sợ các con áp lực quá, cô còn nhắn nhủ phụ huynh “đừng bắt con phải làm hết bài. Đúng 9g đi ngủ. Làm không hết mai cô sẽ hướng dẫn làm nốt”.

Giờ con học lớp 2, các kỹ năng cần thiết con đều được học, các bài học trong sách giáo khoa khi tôi hỏi đến bài nào con đều trả lời đúng và đầy đủ. Tôi có hỏi các bạn của con, cháu nào cũng bảo đi học vui lắm... Tôi thấy con mình may mắn quá vì con học ở trường tỉnh lẻ.

BÙI THU HƯƠNG

Theo đó, trách nhiệm thuộc về cả gia đình, nhà trường và đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo.

* Tôi nghĩ rằng Bộ GD-ĐT cần phải sửa đổi chương trình lớp 1 hoặc phải sửa đổi chương trình lớp lá để trẻ có thể tiếp thu kịp chương trình lớp 1. Các cô lớp 1 không thể “đổ thừa” căn cứ trên số trẻ đã học trước để bắt tất cả phải đua theo. Giáo viên nên nhận thức rõ trách nhiệm của mình và có kiến nghị mạnh mẽ với bộ.

THU HẰNG

* Việc dạy trẻ biết đọc, biết viết cần nhiều thời gian. Đổ trách nhiệm cho phụ huynh không đúng, giáo viên cũng không phải, mà đó chính là chương trình chưa phù hợp. Vì vậy Bộ GD-ĐT cần xây dựng chương trình từ mẫu giáo lên lớp 1 sao cho phù hợp. 

(hoangbt74@...)

* Tôi đề nghị cần làm rõ việc chương trình học hiện nay có phù hợp (hay quá tải) với học sinh hay không. Vì giáo viên từ tiểu học đến THPT đều cho rằng chương trình nặng nên phải học tăng tiết (học thêm) để đảm bảo yêu cầu thi cử, trong khi Bộ GD-ĐT lại cho rằng chương trình phù hợp sau khi giảm tải. Vậy ai đúng ai sai, từ đó rút kinh nghiệm như thế nào để chương trình sắp được soạn thảo tránh được tình trạng này. 

LÊ MINH

* Tôi cũng là giáo viên dạy lớp 1, tôi không tin lại có những bài tập cô giáo giao về nhà như thế, có chăng chỉ dặn dò các em về nhà đọc ôn lại bài cũ và viết vài dòng từ ứng dụng là tốt lắm rồi (học sinh học cả ngày trên lớp nên không giao thêm bài ở nhà - đây là ý kiến chỉ đạo của cấp trên).

Tôi thấy những em học trước (biết đọc, viết) lên lớp các em hay chủ quan và không tập trung, biết viết rồi thường là viết cẩu thả, không nắn nót. Rất mong các bậc phụ huynh đừng lo con mình không biết đọc, viết, đến cuối học kỳ 1 các con sẽ biết đọc và viết được hết. 

(nguyenthilan10041970@...)

* Giáo viên khi dạy thấy cháu nào đọc viết quá rành thì chứng tỏ những cháu đó đã được học thêm, lúc đó nên tách các cháu này ra nhóm riêng và tập trung dạy cho các cháu còn lại theo đúng chương trình.

Nếu làm như vậy thì những phụ huynh có con đã được học thêm sẽ lo ngại con mình bị tách vào nhóm ít được quan tâm hơn, từ đó tư tưởng học thêm, học trước sẽ trở thành tiêu cực và phụ huynh sẽ hạn chế cho các cháu học trước. 

(vuthanh.tran2012@...)

* Không cho đi học không có nghĩa ở nhà bố mẹ không dạy. Học lớp mẫu giáo 5 tuổi con phải biết hết mặt 29 chữ cái và biết tô màu để tay dẻo khi vào lớp 1 con học nhẹ nhàng hơn 

(dangngocha79@...)

* Tôi có hai cháu, nay một cháu đã học THPT, một cháu học lớp 3. Ngày đầu tiên các cháu vào lớp 1 cũng không thuộc hết bảng chữ cái, bị chậm so với các bạn đã học chữ trước. Thế mà nhờ sự tận tâm và phương pháp sư phạm tuyệt vời của cô giáo, các cháu hào hứng học, ngày nào cũng khoe những chữ, những vần mới được học, thích khám phá nên chỉ sau một năm đã đọc rất lưu loát, viết chữ đẹp, không sai chính tả.

Bây giờ cháu nào cũng thích đọc sách, viết văn. Tôi nghĩ mình đã quyết định đúng khi không cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Vẫn còn đó rất nhiều giáo viên tận tụy, đôi khi chính sự nôn nóng, ganh đua của phụ huynh đã gây áp lực cho con mình chứ không phải tất cả là lỗi của giáo viên và chương trình.

(hatuyen72@...)

Tự học ở nhà, sao không?

Tại sao ai cũng thấy cách dạy cho học sinh tiểu học là không thể chấp nhận, là có hại cho tương lai phát triển trí tuệ, nhân cách cũng như sức khỏe của các em nhưng không ai chịu sửa? Tại sao bộ hướng dẫn một đường, giáo viên làm một nẻo mà không ai chấn chỉnh cả?

Đọc loạt bài về chuyện học của học sinh lớp 1 trên Tuổi Trẻ, cảm giác rõ nhất là sự xót xa. Xót xa cho các em không còn tuổi thơ đúng nghĩa, xót xa cho các bậc phụ huynh “cấp tiến” không cho con học chữ trước theo đúng nguyên tắc sư phạm và dặn dò của Bộ GD-ĐT nay phải ân hận không biết mình làm thế có hại con trở thành trẻ “cá biệt” trong lớp hay không.

Từ đó câu hỏi nổi lên là liệu VN có thể áp dụng cách giáo dục “tự học ở nhà” như nhiều nước khác hay không?

Thử tưởng tượng, còn gì lý tưởng hơn nếu bố mẹ có điều kiện dạy con ở nhà, không cần đến trường mà vẫn phát triển đầy đủ các kỹ năng, kiến thức, nhận thức do chương trình giáo dục tiểu học yêu cầu. Miễn sao đến lớp 6, em học sinh “tự học ở nhà” vẫn theo kịp các bạn khác khi vào lớp.

“Giáo dục tại nhà” (homeschooling) là một khái niệm và tập quán khá phổ biến ở nhiều nước. Tôi đã gặp, trò chuyện nhiều em học ở nhà như thế cho đến hết cấp III và vẫn vào học một cách rất bình thường ở các trường đại học danh tiếng. Thậm chí các em còn có vẻ tự tin, chủ động hơn các em khác.

Nghe “tự học ở nhà” hay “giáo dục tại nhà” có vẻ xa vời, khó thực hiện nhưng thật ra việc tổ chức tự dạy cho con như thế thường thành từng nhóm. Mươi gia đình tụ họp với nhau, tự phân công người dạy môn tiếng Việt, người dạy môn toán, người phụ trách các môn khoa học... hay thậm chí mời thầy về dạy các môn nào phụ huynh không rành như âm nhạc, hội họa.

Dĩ nhiên phong trào “giáo dục tại nhà” cũng bị nhiều chỉ trích như tách các em khỏi môi trường giao tiếp với bạn bè đồng lứa, rủi ro giáo dục thiên lệch, định kiến. Nhưng ý tưởng “giáo dục tại nhà” muốn nêu lên ở đây chỉ để làm tương phản cái nền giáo dục chúng ta đang phải gánh chịu.

Tôi tin chắc nếu để phụ huynh chung sức dạy cho con em mình, sau năm năm học chương trình tiểu học, các em sẽ được trang bị khối lượng kiến thức không thua kém gì các em đi học bình thường nhưng những em được hưởng nền “giáo dục tại nhà” như thế sẽ có thời gian vui chơi, giải trí, tìm hiểu thế giới quanh các em, biết cách ứng xử, có câu trả lời cho muôn ngàn thắc mắc mà em nhỏ nào cũng luôn có trên đầu môi - nói tóm lại là sống đúng lứa tuổi các em.

Một điều chắc chắn nữa là các em sẽ không làm văn theo văn mẫu, không học vẹt, không ganh tỵ nhau về điểm số hay lời nhận xét... Các em sẽ say mê nặn đất sét để sáng tạo theo ý thích, các em mặc sức vẽ theo trí tưởng tượng, các em sẽ chất vấn vì sao trước mọi hiện tượng và nhờ vậy nhớ lâu hơn mọi kiến thức được truyền tải.

VŨ PHAN

 

N.HUY tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên