
William Golding viết "Chúa ruồi" khi ông 43 tuổi
Chúa ruồi là một trong những tác phẩm đã đưa nhà văn người Anh William Golding đến với giải Nobel Văn chương năm 1983.
Xuất bản sau Chiến tranh thế giới thứ 2, cuốn sách không chỉ phản ánh câu chuyện sinh tồn của những đứa trẻ trên đảo hoang mà còn là lời cảnh báo sâu sắc về bản chất con người.
Golding đã chọn trẻ em - vốn được xem là biểu tượng của sự ngây thơ, thuần khiết - để lột tả điều ông cho là chân lý cay đắng: cái ác vốn dĩ đã nằm sẵn trong mỗi con người.
Sự sụp đổ của văn minh khi không còn luật lệ
Theo nhà nghiên cứu văn học Berker DAL, sau thời kỳ Khai sáng, xã hội phương Tây từng đặt nhiều kỳ vọng vào con người, cho rằng họ có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp, hòa bình.

Chúa ruồi là tiểu thuyết góp phần đưa nhà văn người Anh William Golding chạm tay vào giải Nobel Văn chương 1983
Nhưng rồi hai cuộc chiến tranh thế giới đã làm tan vỡ niềm tin ấy.
William Golding, một cựu sĩ quan từng chiến đấu trong Thế chiến thứ 2, cũng chứng kiến tận mắt sự tàn phá của chiến tranh.
Ông viết Chúa ruồi như một sự trăn trở về bản chất con người, xã hội, đạo đức và sự sụp đổ của văn minh khi xã hội không còn luật lệ.
Chúa ruồi kể về một nhóm trẻ em từ 6 đến 12 tuổi bị rơi máy bay xuống một hòn đảo hoang khi đang được sơ tán khỏi chiến tranh.
Không có người lớn, các em buộc phải tự thiết lập trật tự xã hội riêng.
Hòn đảo nhanh chóng trở thành địa ngục khi xung đột nổ ra, khởi đầu từ những ham muốn quyền lực và sự kiêu căng tiềm ẩn trong mỗi đứa trẻ.
Cậu bé Jack từng là trưởng ca đoàn nhà thờ, dần trở thành biểu tượng của chủ nghĩa phát xít thu nhỏ khi cầm đầu một nhóm trẻ nổi loạn, sẵn sàng giết chóc để củng cố vị thế.
Cái chết của Simon, Piggy trong tay những đứa trẻ "hóa thú" là minh chứng đau đớn cho sự vỡ vụn của đạo đức khi con người tước bỏ sự văn minh và những quy tắc, luật lệ.
Chọn trẻ em làm trung tâm
Ở một số quốc gia như Anh, Mỹ, ngoài việc được xếp vào danh mục văn học thiếu nhi, Chúa ruồi cũng được thêm vào một số chương trình giảng dạy ở bậc trung học.
Điều này gây nên tranh luận vì có độc giả cho rằng nội dung của tiểu thuyết khá u ám, đen tối, không phù hợp với trẻ nhỏ.
Với nhà văn Stephen King, cốt truyện Chúa ruồi khá đơn giản: "Quá trình các nhân vật lún sâu vào sự man rợ được tác giả xây dựng khá thuyết phục.
Tôi đọc lúc 12 tuổi, khi ấy chưa hiểu hết ẩn dụ đầu heo bị chặt hay các tầng nghĩa tình dục. Nhưng tôi biết nếu mình có thể viết được gì đó như vậy, tôi sẽ hạnh phúc và đúng là vậy thật".
Trong tác phẩm này, tác giả William Golding không phủ nhận hoàn toàn điều thiện khi ông để lại những tia sáng mong manh qua các nhân vật như: Ralph, Piggy và Simon, đại diện cho lý trí, trí tuệ và lòng nhân ái. Ngay cả Jack cũng từng do dự khi giết con heo đầu tiên, cho thấy cuộc đấu tranh nội tâm giữa thiện và ác luôn tồn tại trong mỗi con người.
Bằng cách chọn trẻ em làm nhân vật chính, Golding đặt ra một câu hỏi lớn: nếu ngay cả những đứa trẻ - vốn chưa "nhiễm" những lớp bụi cuộc đời - cũng có thể trở nên tàn ác, thì cái ác bắt nguồn từ đâu? Phải chăng, bản chất con người luôn chứa đựng cả hai mặt thiện - ác và chính xã hội, giáo dục là thứ duy trì ranh giới ấy?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận