Vị trí cột điện bị xe hơi 7 chỗ ngồi tông gãy - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ngày 22-3, tại hiện trường vụ tài xế lái xe hơi 7 chỗ tông gãy đổ 9 trụ điện ở đường Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức (thuộc TP.HCM), các trụ điện đã được trồng lại và lắp mới máy biến áp, đóng điện từ tối 20-3.
Tuy nhiên, dây viễn thông vẫn nằm ngổn ngang trên đường, các nhân viên ngành viễn thông vẫn đang khắc phục sự cố.
Trả lời nguyên nhân dẫn đến các trụ điện gãy đổ liên hoàn ra giữa đường, ông Lê Văn Khái - giám đốc Công ty Điện lực Thủ Thiêm - cho biết do lực tác động của ôtô quá mạnh, "cộng hưởng thêm những yếu tố tác động khách quan".
Theo ông Khái, tổng cộng có 9 trụ bị gãy đổ sau vụ tai nạn này, trong đó có 4 trụ trung thế và 5 trụ hạ thế. Trong 9 trụ này, trụ điện bị ôtô tông gãy chính là trụ điện duy nhất sử dụng công nghệ bêtông dự ứng lực, các trụ còn lại là các loại trụ điện ngày xưa sử dụng thép lớn, có một trụ điện từ thời Pháp.
Các yếu tố khách quan được ông Khái lý giải rằng trên các trụ điện có nhiều dây thông tin làm cho các trụ nặng hơn, dễ bị gãy hơn.
Bên cạnh đó, khu vực này đường nhỏ nên ngành điện phải sử dụng xà thép 2m (xà lệch) để đưa dây ra ngoài, đảm bảo hành lang lưới điện, giảm lực căng của trụ thay vì dùng xà 2,4m cân bằng hai bên.
Ông Khái cho biết hai yếu tố trên cộng hưởng với lực tông mạnh của chiếc xe là nguyên nhân chính dẫn đến các trụ điện gãy đổ liên hoàn.
Một trụ điện ở góc đường bị gãy liên hoàn - Ảnh: NGỌC HIỂN
Bổ sung về nguyên nhân gây gãy trụ điện, ông Lê Văn Đoàn - phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Điện lực Thủ Thiêm - cho biết vị trí trụ ngay góc cua, một trụ ngã mạnh sẽ giật các dây tại các trụ khác và kế đó cũng có trạm hạ thế kéo theo các trụ hạ thế ngã đổ.
"Ôtô đâm gãy trụ dự ứng lực, về mặt kết cấu trụ này chịu lực tốt hơn những trụ khác, tuy nhiên vượt quá ngưỡng chịu đựng thì trụ sẽ bị đứt sắt và ngã xuống" - ông Đoàn giải thích.
Trả lời câu hỏi về tiêu chuẩn chất lượng của trụ dự ứng lực này, ông Khái khẳng định: Các trụ dự ứng lực khi trồng trên đường đều đảm bảo tiêu chuẩn của Việt Nam, các nhà thầu sản xuất theo tiêu chuẩn đó và đảm bảo yêu cầu thiết kế.
Ông Khái cho biết việc ôtô, xe tải tông ngã đổ trụ điện đơn lẻ đã có nhiều vụ được ghi nhận, song số lượng cột gãy đổ liên hoàn nhiều như vậy rất hiếm gặp.
Các cột điện đã được dựng mới, song các loại dây viễn thông vẫn còn nằm ngổn ngang trên đường - Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo ông Khái, giải pháp để hạn chế những vụ tai nạn tương tự đó là ngầm hóa lưới điện để hạn chế số lượng trụ điện.
Hiện tại, Công ty Điện lực Thủ Thiêm đã ngầm hóa đạt tỉ lệ cao, 65% lưới trung thế, gần 50% hạ thế và khu vực Thảo Điền cũng đã ngầm hóa nhiều tuyến đường. Song với những tuyến đường nhỏ, các hẻm vẫn chưa ngầm hóa do còn vướng dây thông tin, chiếu sáng công cộng.
Trong tương lai, ngành điện sẽ đẩy mạnh ngầm hóa, hạn chế những trụ điện đặt ở ngã ba, ngã tư.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giám đốc một công ty xây dựng lưới điện cho biết để tối ưu hóa chi phí, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã sử dụng các loại trụ điện bêtông ly tâm dự ứng lực, cốt thép bên trong cột được kéo căng ra tối đa và vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn thiết kế.
Song cột này có nhược điểm khi lực tác động quá giới hạn thiết kế sẽ bị gãy đôi, không đổ nghiêng như cột thép ly tâm thông thường. Theo vị này, do tác động có tính dây chuyền nên các cột xung quanh cũng bị ngã theo bởi lực kéo của đường dây truyền tải điện.
Vào mùa mưa bão 2020, hàng trăm cột điện tại Thừa Thiên Huế gãy đổ, trong đó có những cột điện bêtông cốt thép ly tâm dự ứng lực. Sau đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát lại chất lượng cột điện.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân khách quan dẫn đến số lượng cột điện gãy đổ nhiều do số lượng cột điện rất lớn, có nhiều nguồn gốc khác nhau, được xây dựng bởi nhiều chủ thể trong nhiều giai đoạn và do các tác động bất lợi như cây đổ, sạt lở đất.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan do việc thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng, bảo trì còn những tồn tại, chưa đáp ứng quy định và thiếu tính toán, kiểm tra khả năng chịu lực cột điện bêtông cốt thép theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế kết cấu bêtông cốt thép hiện hành.
Trước đó, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã tạm dừng sử dụng các cột điện ly tâm dự ứng lực sau khi tỉnh này có hàng trăm cột điện bị gãy đổ bởi bão cấp 8, dù nhiều trụ điện được thiết kế chịu được bão cấp 12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận