Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội quy định tại nghị định 20 ngày 15-3-2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội.
Dự thảo đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tức tăng 38,9%.
Tăng trợ cấp xã hội để "đuổi kịp" tăng lương
Theo bộ, hằng năm, ngân sách nhà nước dành hơn 27.000 tỉ đồng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội. Nhiều chính sách đến tay nhóm yếu thế như hỗ trợ sửa chữa nhà, làm nhà, gạo cứu đói…
Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng chậm so với việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo hay trợ cấp đối với người có công với cách mạng.
Mức chuẩn này hiện rất thấp, chỉ bằng 24% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 (chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng).
Từ năm 2021 đến nay, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 26,5% (từ 1,624 triệu đồng lên 2,055 triệu đồng).
Lương cơ sở sau 4 năm tăng 20,8% từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Dự kiến từ 1-7, các chính sách trên sẽ tăng nhiều hơn nữa. Ví dụ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng. Lương cơ sở tăng 30% từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức chuẩn ưu đãi người có công từ 2021-2024 dự kiến điều chỉnh tăng 62,2%. Mức lương cơ sở dự kiến điều chỉnh tăng 50,8%.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giai đoạn 2021-2024 dự kiến tăng khoảng 14%. Giá các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng lên song mức trợ cấp xã hội không thay đổi, khiến cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn.
Đề xuất tăng chuẩn trợ cấp xã hội lên 500.000 đồng/tháng
Theo cơ quan soạn thảo, nếu tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng (tức tăng 38,9%), tổng kinh phí cho năm 2024 trên 32.000 tỉ đồng. Nếu thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí phát sinh khoảng 4.700 tỉ đồng.
Với mức chuẩn trợ cấp xã hội 500.000 đồng/tháng, trên 3,3 triệu người thuộc nhóm bảo trợ xã hội và 349.000 người hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc được thụ hưởng.
Việc tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội có nhiều tác động tích cực, không tăng biên chế, ngân sách có thể cân đối, phù hợp với Hiến pháp năm 2023, nghị quyết 42 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội…
Ngày 21-6, Văn phòng Chính phủ có văn bản đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng và ban hành nghị định điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo, đề xuất, bảo đảm đúng quy định.
Nếu được Chính phủ thông qua, quy định có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê cả nước có trên 3,3 triệu người (khoảng 3,3% dân số) đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong đó, 1,4 triệu người hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi, 1,6 triệu người hưởng chế độ trợ cấp đối với người khuyết tật, 21.000 trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận