Doanh nghiệp căng băng rôn cho hay không còn tiền nhập hàng, mong người tiêu dùng thông cảm - Ảnh: N.K.
Đã có những doanh nghiệp xăng dầu không chịu đựng nổi vì kinh doanh thua lỗ, không tìm được nguồn hàng nên phải căng băng rôn thông báo "kinh doanh thua lỗ, hết tiền nhập hàng, mong người tiêu dùng thông cảm". Nhưng tại sao hàng loạt cây xăng, cửa hàng ở phía Nam đóng cửa, nghỉ bán, trong khi ở phía Bắc tình hình đỡ căng thẳng hơn?
Thông tin cho Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thanh Tùng - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Đông Sài Gòn - cho biết từ đầu tháng 9 tới nay, tình hình kinh doanh càng trở nên khó khăn hơn do thương nhân đầu mối không những thường xuyên duy trì mức chiết khấu thấp, phổ biến là 0 đồng, mà còn cung cấp xăng dầu nhỏ giọt khiến nguồn hàng thiếu hụt.
Điển hình là hơn một tuần trở lại đây, kể từ kỳ điều hành ngày 3-10, nguồn cung từ các thương nhân đầu mối bán ra rất ít, chỉ cung cấp một lượng rất nhỏ với những doanh nghiệp có hợp đồng, để "cầm cự qua ngày".
Thực tế tại công ty ông Tùng, những ngày gần đây đều không có hàng để nhập, mặc dù doanh nghiệp là đơn vị nhượng quyền của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
"Chúng tôi vẫn duy trì bán dầu với lượng bán nhỏ giọt để cầm cự qua ngày. Dù đã có đơn xin nghỉ từ đầu tháng 9 gửi tới các cơ quan chức năng nhưng cũng không được nghỉ, Sở Công Thương nói rằng sẽ cho quản lý thị trường xuống kiểm tra, nếu vi phạm sẽ rút phép, nên chúng tôi cũng cố gắng duy trì. Mặc dù chúng tôi và đối tác hỗ trợ lẫn nhau, song biến động thị trường hiện nay khiến đơn vị nào cũng khó, càng kinh doanh càng lỗ" - ông Tùng chia sẻ.
Việc căng băng rôn, theo doanh nghiệp, là để người tiêu dùng hiểu và chia sẻ với những khó khăn - Ảnh: N.K.
Theo ông Tùng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, liên quan tới an ninh năng lượng của quốc gia. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay kinh doanh khó khăn, giá nhiên liệu thế giới thay đổi bất thường, cơ cấu tính giá thành trong nước không phù hợp nhưng không được sửa đổi, dẫn tới thương nhân kinh doanh không tạo được nguồn tiền để hoạt động và phải giảm chiết khấu, gây nên những hệ lụy cho việc tạo nguồn hàng.
"Thương nhân đầu mối, phân phối không chủ động được nguồn hàng nên cửa hàng bán lẻ đều gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn hàng. Mức chiết khấu hầu như cho cửa hàng bán lẻ là 0 đồng, có thời điểm điều chỉnh lên được 150 - 300 đồng một vài ngày xong lại về 0 đồng.
Chúng tôi hiện bán mỗi lít lỗ 2.000 đồng, phải vay vốn kinh doanh, giờ thua lỗ kéo dài, không có tiền trả lãi ngân hàng, trả lương nhân viên, nguy cơ bị ngân hàng siết nợ và tài sản, nên giờ hết chịu nổi rồi. Còn chúng tôi bán cầm chừng thế này cũng khiến khách hàng bức xúc, dọa dẫm, chửi mắng, rất bất ổn về an ninh trật tự" - ông Tùng nêu.
Diễn biến tình hình thị trường xăng dầu căng thẳng hơn trong những ngày gần đây khi hàng loạt cửa hàng xăng dầu phía Nam đồng loạt đóng cửa, nghỉ bán. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cho hay thua lỗ liên tục, cộng thêm việc không tiếp cận được nguồn hàng nên buộc phải có văn bản gửi tới các sở ngành liên quan xin nghỉ bán.
Tại phía Bắc, ghi nhận ở thị trường Hà Nội cho thấy dù có thời điểm nguồn cung hàng bị gián đoạn, cũng có cây xăng treo biển tạm ngừng cung cấp hàng, nhưng mức độ không lớn như phía Nam.
Theo một số doanh nghiệp phân phối và đại lý xăng dầu, nguồn cung hàng dù khan hiếm song vẫn cố duy trì, không đóng cửa kéo dài do lo ngại bị kiểm tra, xử phạt cũng như mất khách hàng. Doanh nghiệp gắng gượng vượt qua khó khăn thời điểm này để cung cấp hàng cho người tiêu dùng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một thương nhân đầu mối phía Nam cho rằng nhu cầu thị trường miền Bắc và miền Trung chiếm 50% thị phần, lại có lợi thế khi các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và lọc dầu Dung Quất nằm ở địa bàn này, vận chuyển nhanh hơn nên có thể chủ động nguồn hàng đáp ứng đủ khoảng 80% nhu cầu.
Trong khi đó tại miền Nam, việc mua nguồn từ trong nước sẽ khó khăn hơn, vận chuyển xa hơn nên việc cung ứng nguồn không được chủ động, đặc biệt khi thị trường có biến động mạnh.
Cũng theo vị này, tổng nhu cầu thị trường hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu, miền Bắc và miền Trung được đảm bảo hơn, còn miền Nam bị thiếu hụt lượng lớn.
Doanh nghiệp này cũng cho hay nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu kiến nghị Bộ Công Thương - Bộ Tài chính cần nhìn thẳng vào thực tế thị trường, có đánh giá đầy đủ nguồn cung xăng dầu thực tế để có giải pháp điều hành phù hợp, thay vì luôn khẳng định nguồn cung đảm bảo như thời gian qua.
Nhiều thương nhân phân phối xăng dầu (được mua hàng của nhiều doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu) ở phía Nam cho biết bình thường họ có thể nhập nhưng hiện nay không thể tiếp cận được nguồn hàng do các thương nhân đầu mối chỉ tập trung đảm bảo cung ứng trong hệ thống của họ, nên nguồn cung ứng ra bên ngoài bị hạn chế.
Một nguồn tin khác từ doanh nghiệp thì cho rằng việc rút phép với 7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tại miền Trung và tạm rút phép với 5 doanh nghiệp miền Nam cũng đã tác động trực tiếp tới nguồn cung xăng dầu phía Nam.
"Nhiều doanh nghiệp bị rút phép không thể tiếp tục nhập được hàng, sau khi bị thanh kiểm tra xong bị gián đoạn việc nhập khẩu, nên dù được trả lại giấy phép doanh nghiệp cũng chưa nối lại hoạt động nhập khẩu, thậm chí nhiều doanh nghiệp tự dừng luôn hoạt động này.
Các doanh nghiệp khác dù tạm thời chưa thực hiện rút giấy phép, nhưng sau khi có thông tin xử phạt, doanh nghiệp bị siết tín dụng nên cũng ảnh hưởng đến việc nhập khẩu" - vị này cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận