22/04/2021 08:18 GMT+7

Vì sao bác sĩ công chuyển sang tư?

HOÀNG LỘC - LAN ANH
HOÀNG LỘC - LAN ANH

TTO - Thời gian gần đây có hiện tượng nhiều nhân viên y tế nói chung, bác sĩ nói riêng từ các bệnh viện công xin thôi việc, chuyển sang các bệnh viện tư.

Vì sao bác sĩ công chuyển sang tư? - Ảnh 1.

Nhân lực y khoa là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, thời gian đào tạo dài, công việc nặng nhọc nhưng cơ chế về lương và thu nhập hiện nay chưa phù hợp (ảnh chụp tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) - Ảnh: L.ANH

Nhiều ý kiến được đưa ra cho lý do chuyển đổi là ở bệnh viện công, thu nhập và môi trường làm việc không được như mong muốn của bác sĩ.

Vậy có cách nào để giữ chân người có tài ở lại?

Cần lãnh đạo biết "áy náy"

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa tuyến cuối hạng đặc biệt với gần 4.200 nhân viên, trong đó có trên 900 người có trình độ bác sĩ trở lên. 

Để vận hành một tập thể nhân viên lớn như thế, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - giám đốc bệnh viện - cho biết có 4 chữ mà các lãnh đạo của đơn vị luôn ý thức đề cao, đó là "đoàn kết - nghĩa tình".

Dẫn chứng trường hợp một điều dưỡng xin chuyển công tác vừa qua, bác sĩ Thức nói ông rất trăn trở, luôn tự hỏi: "Tại sao một người gắn bó với bệnh viện đã lâu lại nghỉ việc?". 

Từ sự "áy náy" này mà ông cho biết đã dành cả tiếng gặp gỡ cô điều dưỡng để thăm hỏi sự tình cho ra lẽ. 

"Bệnh viện có làm gì đến nỗi phải nghỉ việc không? Trong khoa thế nào, lãnh đạo khoa có o ép gì không?" là một số vấn đề trực diện cần chia sẻ và nhờ cuộc trò chuyện cởi mở như thế mà cuối cùng "nút thắt" được tháo gỡ, ai cũng nhẹ lòng.

Bác sĩ Thức cho rằng việc vận hành một đơn vị với hàng ngàn con người như thế khó tránh khỏi những điều "chưa vừa lòng". 

Do đó, khi quyết định một vấn đề gì liên quan đến đời sống của nhân viên, đơn vị đều tổ chức gặp gỡ để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của từng người, nếu sau khi thuyết phục vẫn quyết định ra đi thì đành chấp nhận. 

"Nếu vấn đề nhân viên ra đi thuộc trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện, chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm và giải quyết theo đúng nguyện vọng chính đáng của nhân viên" - bác sĩ Thức chia sẻ.

Trước sự chuyển dịch nhân sự giữa bệnh viện công sang bệnh viện tư, bác sĩ Thức nói: "Ngoài thu nhập, những người đã dấn thân vào nghề y luôn mong muốn có một môi trường tốt để thỏa sức làm chuyên môn trị bệnh" - bác sĩ Thức chia sẻ.

Khẳng định nhân viên bệnh viện có nghỉ việc "lai rai" nhưng bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - nói chủ yếu các trường hợp này đều xuất phát từ lý do cá nhân. 

"Vợ chồng ở với nhau còn có lúc ly thân, huống gì một tập thể với cả ngàn con người. Đây cũng là quy luật tự nhiên, có hợp có tan. Nhưng nếu một bệnh viện mà nhân viên ra đi hàng loạt thì điều này cũng cần phải xem lại" - bác sĩ Tuyết ví von.

Theo bác sĩ Tuyết, để giữ chân được nhân viên giàu tâm huyết, giỏi nghề không thể thiếu các nhu cầu rất cơ bản về vật chất, cạnh đó là sự đáp ứng các nhu cầu như được tôn trọng, trọng dụng và có được một môi trường bình đẳng để mỗi người có cơ hội khẳng định bản thân. 

"Tôi luôn ý thức trong quản trị sắp xếp công việc chung phải luôn đảm bảo tính an toàn, công bằng, minh bạch giữa các nhân viên, các bộ phận với nhau" - bác sĩ Tuyết chia sẻ.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo chuỗi bệnh viện tư nhân ở TP.HCM cho rằng với một bác sĩ có chuyên môn cao, vấn đề của họ không phải là thu nhập. "Nếu họ dứt áo ra đi chỉ có thể là do cách quản lý nhân sự chưa phù hợp" - bác sĩ này nói.

Vì sao bác sĩ công chuyển sang tư? - Ảnh 2.

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) trong giờ học. Đây là trường thu hút nhiều nhân lực từ trường công - Ảnh: DUYÊN PHAN

Giải bài toán cơm áo

Theo khảo sát của Bộ Y tế với y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, thu nhập giảm xuống rất thấp, chỉ còn 40-50% so với trước là một lý do khiến nhiều bác sĩ rời bệnh viện.

Tại TP.HCM, năm 2018 hàng loạt bác sĩ, trong đó có cả lãnh đạo khoa của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, xin nghỉ việc. 

Trước đó ít năm, ngành y tế cũng chứng kiến "cuộc ra đi" của trên 10 bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi. Trong các lần dịch chuyển này có thể thấy một điểm chung là thu nhập, nợ lương...

Nhưng không phải tình trạng này có ở tất cả các bệnh viện công. Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh, hiện có những bác sĩ giỏi thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng nhưng theo một lãnh đạo bệnh viện công ở Hà Nội, bệnh viện nơi ông làm việc "rất ngại" với cách tính thu nhập này.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang Phạm Quang Thanh, nơi đang tiếp nhận trên 800 bệnh nhân nội trú/ngày, cho hay trước đây bệnh viện của ông cũng có nhiều bác sĩ giỏi đã nghỉ việc khi được phòng khám, bệnh viện tư mời, hoặc bác sĩ đi Hà Nội học và có cơ hội ở lại làm việc nhưng gần đây thì không ai đi hết, có người đã đi còn muốn quay về.

Ông Thanh cho biết bệnh viện đang phải thay đổi nhiều để bệnh nhân tin cậy, quan trọng nhất là chất lượng điều trị, bệnh nhân đến được tư vấn tận tình, thái độ, tinh thần của y bác sĩ với bệnh nhân là cởi mở, ân cần, chi phí khám chữa bệnh vừa phải... 

Từ đó, dù là bệnh viện cấp tỉnh nhưng bác sĩ trưởng phó khoa thu nhập hằng tháng 30 - 35 triệu đồng, bác sĩ 15 - 20 triệu đồng/tháng, điều dưỡng trên 10 triệu đồng/tháng, có những bác sĩ giỏi thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng vì có nhiều đề nghị phẫu thuật theo yêu cầu... 

"Năm 2012 - 2013 cả bệnh viện chỉ có 20 ôtô thì hiện nay có 150 y bác sĩ có ôtô/tổng số 671 nhân viên toàn bệnh viện" - ông Thanh cho hay.

Lãnh đạo một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho rằng ngoài thu nhập, môi trường làm việc là một cản trở lớn với nhiều bác sĩ ở bệnh viện công.

Ai cũng biết làm việc ở bệnh viện công là có nhiều "quyền lợi": được đi học và đào tạo nghề ở nhiều nơi, kể cả nước ngoài, nhiều ca bệnh khó, nặng là cơ hội cho bác sĩ thăng tiến về chuyên môn... Nhưng có những cái khó, cái "bí" mà nhiều bác sĩ không thể chờ đợi để được thay đổi sớm chiều.

Giáo dục cũng rục rịch "chuyển động"

Nếu như trước đây, số lượng trường tư ít, chưa được đầu tư mạnh, chưa có chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tốt, trường công vẫn là nơi làm việc lý tưởng cho giảng viên thì với sự đầu tư mạnh mẽ về tài chính, không ít trường tư đã bật lên cả về thương hiệu và chất lượng, cạnh tranh sòng phẳng với trường công.

Họ có cơ sở vật chất khang trang, chính sách lương cao hơn trường công, môi trường làm việc năng động, đánh giá con người minh bạch dựa trên hiệu quả công việc, được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn khi có năng lực và kết quả làm việc tương xứng.

Nhiều trường có chính sách đặc biệt để thu hút và phát huy sở trường chuyên môn của các ứng viên. Chính điều này đã thu hút được nhiều người giỏi về làm việc, nhất là những người trẻ cần nơi để phát huy tối đa thế mạnh của mình.

Nhiều người đi khỏi trường công cho biết có thể lương không cao như trường tư nhưng thu nhập chưa hẳn đã thấp hơn.

Tuy nhiên họ vẫn bỏ nơi mình đã nhiều năm gắn bó vì môi trường làm việc nguyên tắc trói buộc, đánh giá hiệu quả làm việc cảm tính, sự minh bạch nửa vời, tư duy nhiệm kỳ.

MINH GIẢNG

Cần sự "bất thường"

Khoảng 15 năm trước, dư luận xôn xao khi một vị phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, trước đó từng là phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM - người được đào tạo bài bản, học nước ngoài... - đã xin nghỉ, ra làm tư. Xôn xao cũng phải thôi, vì khi ấy ai cũng muốn có trong biên chế, nói gì đến chức vị trong bộ máy nhà nước.

Khi đó, lĩnh vực tư như giáo dục, y tế... chưa "làm ăn lớn" như bây giờ. Nhưng nay tình hình đã rất khác. Nhiều bạn trẻ không chọn đích đến là khu vực công, họ mạnh dạn bước hẳn qua khu vực tư để làm việc.

Khu vực tư đã có thương hiệu, không chỉ thu hút khách hàng mà còn đủ sức thuyết phục để người lao động có tay nghề, kinh nghiệm, chuyên môn cao, có hoài bão cống hiến... về làm việc.

Có chảy máu chất xám không? Không, nếu nhìn từ góc độ thị trường lao động. Có chăng chỉ là "chảy máu" với đơn vị không giữ được lao động có tay nghề tốt, chuyên môn cao.

Có tích cực không? Có. Những người có chuyên môn cao, tay nghề vững ra khu vực tư sẽ có "đất diễn", biết đâu một ngày nào đó, họ - với chuyên môn của mình và ông chủ tư nhân - có vốn liếng và kinh nghiệm quản lý sẽ xây dựng nên những đơn vị đầu ngành của ngành y, ngành giáo dục...

Có hài lòng không? Người lao động ra khu vực tư chắc hẳn sẽ hài lòng khi chọn nơi làm việc dù không biên chế nhà nước nhưng thu nhập tốt, có cơ hội thăng tiến, cống hiến...

Xu hướng lao động dịch chuyển từ công sang tư có bất thường không? Không, xu hướng này còn phát triển mạnh hơn, tạo ra sức ép lớn hơn cho khu vực công.

Có thể lúc này, khu vực công, như bệnh viện tuyến trung ương còn là "thành trì kiên cố", lao động chỉ có vào, ít ai dám ra, nhưng tương lai, chưa hẳn cứ mãi vững như bàn thạch, nếu không thay đổi, không lo giữ người.

Sự dịch chuyển từ công sang tư là bình thường, nhưng xã hội rất mong và đón nhận sự "bất thường".

Đó là ngày nào đó khu vực công có cơ chế để cạnh tranh, trước là giữ, sau là kéo người tài, chuyên môn cao từ các khu vực khác về làm việc. Sự "bất thường" đó, nếu có nên xem là đột phá và có lợi cho tất cả.

THÁI THỊNH

Cả trăm bác sĩ bệnh viện công Đồng Nai, Bình Phước Cả trăm bác sĩ bệnh viện công Đồng Nai, Bình Phước 'nhảy việc'

TTO - Từ đầu năm 2017 đến tháng 3-2018, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã ghi nhận tổng cộng 125 bác sĩ tại các bệnh viện công xin nghỉ việc để chuyển sang các bệnh viện, phòng khám tư nhân làm.

HOÀNG LỘC - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên