21/02/2019 15:05 GMT+7

Vì một xã hội công dân lành mạnh

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Những ngày này, hơn bất cứ thời kỳ nào đã qua, người ta đang được chứng kiến sức ảnh hưởng của mạng xã hội và các nhóm cộng đồng với độ gắn kết, sức mạnh và sự trưởng thành không ảo chút nào mà là rất thật.

Vì một xã hội công dân lành mạnh - Ảnh 1.

Mạng xã hội đang trở thành thước đo dư luận nhanh nhất, kênh phản biện nhiều chiều và đa diện, kênh truyền thông rộng rãi, hiệu quả, dòng lan truyền cảm hứng tích cực cũng như năng lượng tiêu cực có thể cùng lúc tác động lập tức vào tình cảm, lý trí của hàng triệu người.

Và mạng xã hội là một phần của xã hội công dân. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế và những thay đổi toàn diện về xã hội ở Việt Nam, xã hội công dân đã ngày một khẳng định trở lại sự hiện diện cũng như vai trò vốn có của mình trong mọi lĩnh vực: dịch vụ, kinh doanh, giáo dục, y tế, văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp… cùng với Nhà nước tham gia vào quá trình kiến tạo xã hội.

Một nhận thức xã hội mới và môi trường thể chế phù hợp để xã hội công dân được tổ chức, vận hành và phát triển hiệu quả là một nhu cầu ngày càng rõ ràng và thúc bách. Ấy vậy, tuy tồn tại nghiễm nhiên bất kể mọi hoàn cảnh, nhưng khái niệm "xã hội công dân" vẫn còn khá mới lạ và ít được nhắc đến ở Việt Nam.

Tôi tin rằng Xã hội công dân Việt Nam dưới góc nhìn thể chế sẽ trực tiếp mang đến cho độc giả tầm nhìn mới về một chủ đề quan trọng của tương lai.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành (viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội)

Trong hoàn cảnh ấy, Xã hội công dân Việt Nam dưới góc nhìn thể chế của hai tác giả Nguyễn Khắc Giang và Nguyễn Quang Thái, thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, là một nghiên cứu tiên phong. 

Nghiêm túc, khách quan, đa diện, công trình đã đi từ phân loại các tổ chức xã hội đến phân tích mối quan hệ của nó với Nhà nước, các vấn đề quản lý, pháp lý, hệ thống ưu đãi, huy động tài chính. 

Vai trò và năng lực của các tổ chức xã hội, quần chúng với thể chế, kinh tế, xã hội cũng được đánh giá bằng phương pháp tổng hợp phân tích định lượng. 

Nhiều trường hợp hoạt động thực tế của các tổ chức quần chúng công cũng được ghi nhận bằng phương pháp thực địa, thổi sức sống cho các bản tổng hợp khô khan...

Tập trung vào một bộ phận tổ chức xã hội đã được thể chế hóa có mức độ, có tính độc lập, có thành viên hoặc nhân viên thường trực, có tính thiện nguyện, dĩ nhiên bản nghiên cứu này chưa thể bao quát hết không gian xã hội công dân mênh mông ngoài kia. 

Chỉ mới là một bước khởi đầu, các nhà nghiên cứu trẻ chắc chắn sẽ còn tiếp tục với tâm huyết của mình. Họ cũng không ngần ngại chia sẻ lòng mong đợi: "Hi vọng cuốn sách ít nhất sẽ tạo thêm được nhiều thảo luận thú vị liên quan đến xã hội công dân và các tổ chức xã hội ở Việt Nam".

Chắc chắn rồi, vì mỗi người đều là một thành viên có vai trò trong xã hội công dân, và vì "Xã hội công dân bảo vệ nhiều nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội, đảm bảo cán cân quyền lực không bị thiên lệch về một hướng nhất định. 

Các tổ chức xã hội còn có chức năng giám sát hoạt động của các khu vực khác, làm gia tăng trách nhiệm giải trình hệ thống, góp phần đảm bảo quyền lực tập trung của Nhà nước không bị tha hóa thành quyền lực của nhóm thiểu số nắm quyền". 

Chẳng phải là điều mà mỗi người sống trong xã hội đều đang cần, rất cần hay sao? Ý thức được vai trò của mình, mỗi người sẽ có một tiếng nói, một hành động "vì ngày mai phát triển".

"Một xã hội công dân phát triển lành mạnh sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho người dân mà còn cho những chính thể biết tận dụng nó để phục vụ cho mục đích phát triển".

(Trích Xã hội công dân Việt Nam dưới góc nhìn thể chế)

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên