03/02/2013 12:39 GMT+7

Vị khách cuối cùng

TRẦN HOÀI (Nghệ An)
TRẦN HOÀI (Nghệ An)

TTO - Lâu rồi, tết năm đó tôi ở đảo Cồn Cỏ. Đơn vị có trung úy Nguyên được chỉ huy cho nghỉ phép, về quê làm đám cưới.

4QqAvedN.jpgPhóng to
Đảo Cồn Cỏ - Ảnh: tác giả cung cấp

Suốt nhiều tháng liền, Nguyên thấp thỏm chờ đợi chuyến thuyền chở lương thực, thực phẩm, sách báo từ đất liền ra cho bộ đội vui tết theo lệ thường. Rồi Nguyên sẽ theo chuyến thuyền này vào đất liền, về quê huyện Bố Trạch, Quảng Bình... Hai bên gia đình đã ấn định lễ cưới tổ chức vào trưa mùng 4 Tết.

Nhưng không hiểu sao năm ấy, càng gần đến Tết, gió mùa càng mạnh. Biển động, tiếng sóng đánh vào vách đá Bến Nghè nghe như tiếng bộc phá mở cửa... Chúng tôi ngồi cùng Nguyên trên bờ đá, dưới những gốc bàng khẳng khiu, gầy guộc, ngóng vọng vào đất liền. Để giấu đi cảm giác bồn chồn, chúng tôi kể chuyện tiếu lâm, chuyện trên trời dưới bể và tất nhiên không ai nhắc đến đám cưới của Nguyên.

Có người bật radio, bản tin thời tiết Đài Tiếng nói Việt Nam lại đưa tin “không khí lạnh tăng cường”, vội tắt ngay... Mùa đông năm ấy thật dài, quá sức chịu đựng của chúng tôi... Giao ban đơn vị, trợ lý hậu cần báo cáo: gạo chỉ còn đủ 3 ngày ăn, phương án tổ chức bộ đội đào củ chuối, kiếm ruột cây đùng đình đã sẵn sàng!

Trưa ngày 28 tháng chạp, chiến sĩ gác ở vị trí mỏm Con Hổ hộc tốc chạy về báo tin: “Có nghe tiếng máy thuyền!”. Mọi người ùa ra, lắng tai lọc trong tiếng sóng biển gầm gào, quả thật có tiếng động cơ ngày càng rõ. Con thuyền gỗ mỏng manh dũng cảm hiện ra, lờ mờ trong màn sương mù và hơi nước. Lính đảo đốt lửa, bắn lên trời mấy loạt tiểu liên AK thay lời chào và để các thủy thủ trên thuyền định hướng vào đảo.

Nguyên, từ lúc nào đã trút bỏ quần áo dài, ôm gói quân tư trang với tư thế chuẩn bị xuống thuyền về quê cưới vợ. Sau rất nhiều ngày đợi chờ mòn mỏi, khuôn mặt anh giờ ngập tràn hạnh phúc. Chúng tôi nhìn thấy anh chạy trên bờ đá ra đến tận mép sóng, hét to với các thủy thủ trên con thuyền đang chao đảo, chỉ cách bờ chưa đầy trăm thước. Dường như anh đang cố hướng dẫn các thủy thủ cách tiếp bờ thuận lợi nhất? Con thuyền quá gần, tưởng như với tay là chạm vào được vỏ thuyền gỗ xù xì bám đầy vỏ hàu, vậy mà sóng bạc đầu liên tiếp tung vào bờ đá, cả âu thuyền ngập nước biển trắng xóa, thuyền không thể vào cảng...

Theo lệnh thuyền trưởng, con thuyền đành chạy vòng quanh đảo, hy vọng có vị trí khác thuận lợi hơn... Chúng tôi ở trên bờ cũng đi vòng quanh đảo, hướng theo chiếc thuyền nhỏ nhoi. Trung úy Nguyên khấp khểnh ôm gói quân tư trang đã gói buộc kỹ bước đi trên ghềnh đá nhọn sắc sát mép nước. Những vết cắt trên bàn chân anh chảy máu. Nếu không vào đất liền được, lễ cưới sẽ làm sao đây? Trọn một vòng 8 km chu vi quanh đảo, không có vị trí nào thuyền có thể cập bến. Và khi thuyền trưởng đánh ký tín hiệu: “lệnh cho thuyền quay vào đất liền”, Nguyên như mất hết sức lực, anh ngồi thừ trên tảng đá, hai giọt nước mắt lăn dài: “tôi thương vợ tôi lắm, các đồng chí ạ!”.

Chúng tôi đã đón giao thừa bằng thức ăn chế biến từ củ chuối, ruột cây đùng đình, bí đao, đu đủ và thịt chim sẻ bị gió mùa đánh giạt vào đảo. Đến ngày mùng 3 tết, biển bớt sóng, chiếc thuyền gỗ nhỏ đã cập được âu tàu. Nguyên lên thuyền với một sự trầm tư: Anh chưa biết đến giờ này đám cưới của anh đã được hai bên gia đình quyết định như thế nào?

Sau này, khi trở lại Cồn Cỏ, Nguyên kể cho chúng tôi nghe khi anh về đến nhà thì tiệc cưới của chính mình đã gần tàn. Hai gia đình và cô giáo làng vẫn tổ chức lễ cưới cho dù thiếu... chú rể. Nguyên ôm gói quân tư trang buộc kỹ càng bước vào ngõ, mấy đứa trẻ nhỏ kêu lên: “chú ni đi dự đám cưới mà răng bộ dạng mắc cười!”.

Nghĩ thật vui, Nguyên đã trở thành vị khách cuối cùng trong đám cưới của chính mình!

TRẦN HOÀI (Nghệ An)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên