Giáo sư Takahashi trao học bổng cho sinh viên Trương Phương Tuyền (lớp 42K13, ĐH Kinh tế Đà Nẵng) - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Và mới ngày hôm qua, GS Takahashi đã ra mắt quỹ học bổng mang tên mình để trao cho các bạn sinh viên nghèo Đà Nẵng.
Chọn Đà Nẵng
Sáng 16-2, GS Takahashi đến Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng để chuẩn bị cho việc ra mắt quỹ học bổng.
Khi xe dừng lại, ông bước xuống và nói với những người bạn đồng hành rằng ông muốn đi một mình. Rồi vị GS đầu tóc bạc phơ run run chống gậy bước đi chậm rãi xung quanh khuôn viên trường. Ông đi dọc hành lang các phòng học, rồi xuống cầu thang ghé thăm căngtin sinh viên...
Đã gần một năm sau một trận ốm kéo dài, hôm nay GS Takahashi mới trở lại ngôi trường này.
Đi lặng lẽ phía sau GS Takahashi là một học trò của ông - TS Trịnh Thúy Hường (khoa thương mại). TS Hường đã được GS Takahashi tận tình giúp đỡ khi du học ở Nhật và nay là phiên dịch của ông.
Mối lương duyên đưa GS Takahashi đến Đà Nẵng bắt nguồn từ chính người bạn là GS.TS Trần Văn Nam. GS Nam cho biết cách đây 17 năm khi ông còn là giảng viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ông đã có may mắn gặp GS Takahashi trong những buổi sinh hoạt học thuật.
“Tôi biết GS có một sự vượt khó đặc biệt. Cũng vì thuở nhỏ cuộc sống của GS rất khắc nghiệt nên ông rất cảm thông với các em sinh viên ở Đông Nam Á cũng như Việt Nam gặp cùng cảnh ngộ như mình thuở xưa”- GS Nam nói.
Khi GS Takahashi nghỉ hưu, rất nhiều trường ĐH ở Nhật muốn mời ông về giảng dạy với mức thu nhập rất cao. “Với học vị của GS Takahashi, chúng ta không biết trả lương như thế nào. Nhưng GS đã chọn Đà Nẵng để tình nguyện cống hiến” - GS Nam tâm sự.
Sau khi nghỉ hưu từ năm 2013, GS Takahashi đều đặn đến Việt Nam để tình nguyện giảng dạy tại nhiều trường ĐH ở Hà Nội và TP.HCM. Sau đó, thông qua GS Trần Văn Nam, ông quyết định chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai. “Bởi Đà Nẵng có biển, có sông và núi như làng quê của tôi ở Nhật Bản” - GS Takahashi nói.
Đều đặn mỗi năm 1-2 tháng, GS Takahashi đến Đà Nẵng và tình nguyện đi dạy ở các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Ông thuê một căn nhà nhỏ tại quận Sơn Trà để ở. Mỗi buổi sáng ông tự đi chợ mua rau, cá... về nấu ăn.
Trả nợ quá khứ
Trong buổi trao học bổng mang tên của mình, GS Takahashi chia sẻ rằng nhìn những bạn sinh viên khó khăn này, ông như thấy lại mình cách đây mấy chục năm khi rời nhà lên Tokyo để học.
Sinh viên Trương Phương Tuyền (lớp 42K13) nhận suất học bổng của GS Takahashi mỗi tháng 1 triệu đồng đã không nén được sự xúc động của mình. Tuyền ở vùng quê nghèo Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Ba mất sớm, mẹ Tuyền phải lam lũ làm việc để nuôi hai đứa con. Năm vừa rồi khi đậu ĐH những tưởng Tuyền đã phải từ bỏ giấc mơ giảng đường, nhưng rồi học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ đã giúp em vượt qua khó khăn. Nhập học, Tuyền đi phụ bán bánh canh để trang trải cuộc sống.
“Học bổng của GS Yoshiaki Takahashi đến với tôi như một giấc mơ có thật. Tôi sẽ dành một phần để gửi về quê phụ mẹ lo cho em gái đang học cấp III” - Tuyền nói.
Nhắc về tuổi thơ mình, GS Takahashi cho biết năm 8 tuổi thì bố ông qua đời, mẹ ông phải gồng gánh nuôi năm đứa con. “18 tuổi, tôi rời xa quê hương để lên Tokyo học cấp III. Sau đó tôi vào ĐH Chuo, ngoài thời gian học tôi phải làm gia sư để có chi phí trang trải cuộc sống và mua sách. Từ năm 22 tuổi, mỗi năm tôi nhận được khoản học bổng khoảng 500 USD/tháng”- GS Takahashi cho biết.
Bằng tinh thần tự học của mình, GS Takahashi trở thành một nhà khoa học uy tín tại Nhật Bản. Cũng vì vậy, ông được Tổ chức JICA mời đi hỗ trợ tại nhiều quốc gia. Ông đã đi khoảng 47 quốc gia để thực hiện nhiều hoạt động giúp đỡ. Vì những đóng góp của ông cho Đà Nẵng, ông là người nước ngoài đầu tiên được ĐH Đà Nẵng phong tặng danh hiệu GS danh dự.
“Như vậy có nghĩa là tôi đã nhận được rất nhiều học bổng và bây giờ tôi muốn chuyển trả lại cho xã hội bằng cách trao học bổng của mình cho các bạn” - ông nói khi quyết định thành lập quỹ học bổng dành cho sinh viên Việt Nam trị giá 1 tỉ đồng .
Không chỉ mang kiến thức khoa học của mình truyền thụ cho sinh viên Việt Nam, GS Takahashi đã cất công đóng gói, đưa sang Đà Nẵng 7.000 cuốn sách về kinh tế, quản trị kinh doanh mà ông đã dành dụm từ thời sinh viên cho Trung tâm thông tin học liệu Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng). Ông chia sẻ: “Thời sinh viên tôi rất ham đọc sách nhưng không có tiền mua. Vì thế tôi dành 2/3 số tiền làm gia sư có được để mua sách bởi sách là thứ quý nhất đối với tôi sau tính mạng mình. Nhờ có sách mà tôi mới được như bây giờ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận