Giờ ra về của một lớp học thêm THPT tại một điểm dạy trên địa bàn Q.3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
1. Mỗi lần đến nhà anh chị chơi, rất hiếm khi tôi thấy các cháu - một đứa học lớp 6, một đứa học mẫu giáo, ở nhà. Trong câu chuyện với tôi, chị nói nhiều đến việc học hành của con, về điểm số...
Tôi thắc mắc sao cháu nhỏ mới 5 tuổi đã phải tuần 3 buổi đi học thêm tiếng Anh? Chị giải thích: "Nếu không học thêm, chị sợ cháu không theo được các bạn. Trẻ con bây giờ 2 tuổi đã phải đi học thêm rồi".
Tôi chỉ biết thở dài với sự vất vả của cháu, ngồi trên xe hơn chục cây số từ quận Long Biên sang quận Thanh Xuân học thêm. Ngoài tiếng Anh, cháu còn phải học làm toán, học lớp viết chữ đẹp, học lớp kỹ năng sống cho trẻ…
Nhiều hôm tôi thắc mắc: "Sao chị cho cháu đi học nhiều thế?". Chị bảo: "Thời buổi này trẻ phải học nhiều kỹ năng để tránh bị tăng động, bị trầm cảm, tự kỷ".
Chị nói thế nhưng rõ ràng cháu tôi rất ít khi được tham gia hoạt động trong gia đình, không được nghỉ ngơi cuối tuần, buổi tối cũng phải học. Vậy thì kỹ năng ở đâu ra? Cháu muốn ngồi chơi với cô chú cũng bị mẹ nhắc: "Con lên phòng học đi".
2. Chuyện khác, con gái một đồng nghiệp của tôi đã 17 tuổi rồi nhưng vẫn làm nũng mẹ. Có khách đến chơi, cháu vẫn ăn vạ nếu không được đáp ứng yêu cầu của mình.
Không chỉ vậy, trong khi các cô, các bác vào bếp nấu nướng, cháu vẫn ngoài cuộc, không phụ giúp nhặt rau, dọn bàn ăn, rửa bát.
Tôi ái ngại: "Sao bạn chiều con quá vậy?". Bạn tôi gạt đi: "Nhà có mỗi cô con gái, không chiều nó thì chiều ai? Mình quần quật làm việc cũng là lo cho tương lai của con". Bạn còn thêm: "Chỗ của nó là ở bàn học, dưới bếp không có việc gì cho nó cả".
Theo những gì tôi quan sát, chính phụ huynh đã và đang giành phần việc với con, vô tình đẩy con vào cái thế "không biết gì". Điều này ai cũng nhìn thấy nhưng không chịu hiểu.
3. Thực tế, trẻ con hiện nay nói là học nhiều nhưng chủ yếu làm bài tập và học thêm. Vì thế khi ra đời, nhiều em cảm thấy bị sốc, hụt hẫng và không đứng vững trên đôi chân của mình.
Có đôi lúc tôi tự hỏi: "Liệu kiến thức các con dung nạp để phục vụ cuộc sống sau này được bao nhiêu từ những buổi đi học thêm lẫn làm bài tập miệt mài ở nhà?".
Từng sống ở nước ngoài nhiều năm, tôi cảm nhận trẻ con và phụ huynh ở Việt Nam khác nước ngoài rất nhiều.
Nếu như các bạn trẻ nước ngoài đạt điểm cao, họ xem đó là chuyện bình thường thì ở Việt Nam, đó là một thành quả lớn lao. Đáng nói, trẻ con hiện nay nói là học nhiều nhưng thực ra hỏi về những vấn đề xã hội thì mù tịt, lơ mơ.
Có lẽ phụ huynh nên nhìn nhận lại khái niệm học của con. Các con cần trưởng thành trong một thế giới tự lập thật sự.
Các con có thể không cần biết nhiều về những điều xa xôi nhưng đến những việc cơ bản như tự dọn phòng riêng, giúp mẹ vào bếp, đổ rác, rửa rau cũng không làm được thì có lẽ chúng ta nên nhìn lại tiêu chí của sự trưởng thành.
Tôi cho rằng sự hiểu biết của trẻ không phải là giải các bài toán, viết những bài văn hay, mà ở việc trẻ đề ra và thực hiện các kế hoạch cho tương lai của mình. Nhưng rõ ràng điều này trẻ đã để phụ huynh làm thay rồi còn đâu?
Điểm số các con đạt được hôm nay không thể nói hộ tương lai trẻ sau này. Thế nhưng nhiều phụ huynh cứ biến con thành 'ngựa đua'.
Chúng cứ mải miết chạy theo những mốc học tập, rồi vượt cấp, rồi vào trường chuyên lớp chọn, rồi vào đại học và không ít em thất nghiệp nếu không có sự can thiệp, giúp đỡ của cha mẹ.
Vì đâu trẻ đang không được quyền lớn lên, quyền tự quyết, quyền được trưởng thành? Vì đâu trẻ phải gặm chiếc bánh mì hoặc ăn tạm gói xôi cho kịp giờ đến lớp học thêm?
Và, đến bao giờ các con mới hết khổ vì điểm số?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận