14/04/2018 10:30 GMT+7

Con khóc nhiều vì không thể đạt 9 điểm IELTS để bố vui

CHU HỒNG VÂN
CHU HỒNG VÂN

TTO - 'Thay vì hỏi điểm số thế nào?, liệu bố mẹ có thể hỏi con sức khỏe con thế nào? là con vui lắm rồi, vui đến phát khóc ấy chứ', đứa con viết trong thư gửi cô giáo.

Con khóc nhiều vì không thể đạt 9 điểm IELTS để bố vui - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: The Wanderlust Project

Cuộc họp phụ huynh của lớp 7 tại một trường THCS&THPT ở Hà Nội. Cô giáo chủ nhiệm đề nghị các bố mẹ lắng nghe những lá thư của học sinh. Những lá thư đều được mở đầu bằng dòng chữ "Bố mẹ kính mến" hoặc " Bức thư gửi bố, mẹ". 

Nhưng thực chất, những lá thư không được gửi cho bố, mẹ mà chỉ chuyển cho cô giáo chủ nhiệm, nơi mà những đứa trẻ tin rằng sẽ không bị mắng, bị đánh khi nó được đọc.

Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm đã chia sẻ với các phụ huynh rằng một buổi sáng, khi cô vừa đến trường thì một học sinh đã chạy ào ra, ôm lấy cô giáo.

"Tôi thấy em học sinh đó mắt đỏ hoe. Tôi hỏi có chuyện gì nhưng em chỉ khóc, nghẹ ngào nói rằng là chuyện liên quan tới bố, mẹ. Thấy trò khóc, tôi cũng khóc theo. Tôi bảo em hãy viết một lá thư cho bố hoặc mẹ nhưng chuyển cho tôi. Trong giờ sinh hoạt lớp, tôi cũng nói với các học sinh khác trong lớp như thế".

Áp lực vì kỳ vọng, tổn thương vì bị so sánh…

Không nói là thư của học sinh nào, gửi cho bố mẹ là ai, cô Thu Hà chỉ đọc một số trích đoạn thư. Những dòng tâm sự khiến hầu hết các phụ huynh trong buổi họp lặng đi. 

Có lẽ cả những "người trong cuộc" cũng không lường được hết một câu mắng trong khi tức giận, một lời so sánh con với bạn khác như một thói quen, những kỳ vọng quá lớn đặt vào con lại khiến các con mang một tâm trạng nặng nề, đau khổ, tổn thương đến thế.

Trong một lá thư, em học sinh viết:

"Thay vì hỏi 'điểm số thế nào?' liệu bố mẹ có thể hỏi con 'sức khỏe con thế nào?' là con vui lắm rồi, vui đến phát khóc ấy chứ. Nhưng lại không phải như thế. Ngày nào con cũng phải nghe nhắc nhở là con cả thì phải làm gương, phải thế này, thế kia. 

Trong mắt bố mẹ, con lười biếng, không biết giúp đỡ bố mẹ. Những lúc thi hay kiểm tra, lúc nào con cũng phải cố gắng làm tốt nhất có thể không phải vì con yêu thích việc học mà vì con sợ. 

Con sợ bố mẹ sẽ không được ngẩng cao đầu khoe với người ngoài. Sợ bố mẹ thất vọng. Nhưng những cố gắng của con hình như không chạm tới bố mẹ thì phải vì cụm từ "con nhà người ta" vẫn được mang ra để so sánh. 

Sự so sánh con với con người khác của bố mẹ khiến con không muốn tiếp xúc với ai, chỉ muốn nhốt mình trong nhà và mong sao có thể thoát khỏi sự hỗn loạn này…"

Một lá thư khác với nét chữ bị nhòe nước, như thể thấm đẫm nước mắt:

"Bố ạ, con muốn được bố khen ngợi con nhiều hơn thay vì chỉ nói 'Thế đã là cái gì?' Hay 'Học nhiều không chết được đâu, chơi nhiều mới chết'. Có lần con đi thi IELTS về, khi nói kết quả, bố đã bảo con 'khi nào được 9.0 thì hãy khoe'. 

Bố có biết con buồn lắm không, con đã khóc rất nhiều vì không hiểu sao bố lại nói như vậy. Khóc vì con không thể đạt được 9.0 cho bố vui. Con chỉ cần bố nói 'Ừ, tốt lắm thôi mà!'. Bố biết con yêu bố rất nhiều nhưng bố không tôn trọng điều đó."

Lời mong mỏi của một học sinh chỉ xin được vui chơi như bao bạn khác:

"Con rất ghét môn Toán. Nhưng khi con nói như vậy mẹ lại bảo con 'không bao giờ được ghét gì cả'. Chẳng lẽ con không được nói ghét một thứ mình ghét hay sao? Dù thế con cũng vẫn cố gắng nhưng con cần thời gian vì con không thể tiến bộ trong một ngày, một tuần được. 

Con muốn bố mẹ cho con có cơ hội được biết nhiều thứ trong cuộc sống thay vì chỉ học. Bố mẹ có thể cho con có thời gian chơi cùng bạn không?"

Trong tập thư của học sinh chuyển cho cô Thu Hà, còn có những bức thư vô cùng nặng nề. Có học sinh đã cho rằng 'dù bố mẹ luôn cố tạo hình ảnh đẹp, hoàn hảo trong mắt con nhưng hình ảnh đó giờ đã sụp đổ rồi'. 

Một vài học sinh kể về nỗi sợ hãi phải học thêm hết ca này đến ca khác. Càng học, càng áp lực, các con càng sa sút và sợ hãi với kết quả sút kém. 

Trong một bức thư, em học sinh đã kể chuyện từng bị bố đuổi khỏi nhà, dọa 'tát lật mặt', bị mắng là 'bất hiếu', 'mất dạy' và có em bị đánh vì điểm số học tập.

Trong gần 20 bức thư của học sinh, rất nhiều bức thư thể hiện sự tổn thương, chán nản khi bị bố mẹ so sánh với 'con người ta'. 

Các em đã cố gắng, đã thay đổi nhưng bố, mẹ lại không nhìn thấy, không ghi nhận và không hài lòng. Có em viết 'sức người chỉ có giới hạn nhưng kỳ vọng của cha mẹ dường như vô hạn'.

Dĩ nhiên, những suy nghĩ của trẻ là non nớt, còn phiến diện và các em chưa đủ chín chắn để hiểu đằng sau những lời trách mắng, đằng sau những kỳ vọng, lo âu là tấm lòng cha mẹ. 

Nhưng điều này cũng cho thấy, người lớn cần suy nghĩ về ứng xử của mình để thấu hiểu những cảm xúc, tâm trạng, mong muốn của trẻ. Chỉ có làm bạn với con thì mới có thể giúp chúng thay đổi.

Những lá thư gửi đến một cuộc họp phụ huynh khiến nhiều người bất ngờ và sau đó, cũng khiến nhiều người suy nghĩ.

Cha mẹ nên làm gì?

Theo ThS.BS Phạm Minh Triết, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, khoa vẫn thường tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhi đến khám vì gặp khó khăn trong học tập, một trong những lý do thường gặp là do áp lực thành tích học tập từ phía gia đình.

Lúc đầu, những trẻ này có thể có biểu hiện chống lại ý muốn của cha mẹ, càng về sau trẻ càng không có hứng thú với học tập.

Nếu mâu thuẫn này tiếp tục kéo dài, trẻ có thể có biểu hiện buồn, lo lắng và sợ đi học, học tập sa sút, trẻ có thể bị trầm cảm vì không chia sẻ được với ai. Một số trẻ có thể có biểu hiện đau ở vài vị trí trên cơ thể nhưng không tìm ra nguyên nhân thực tế.

Cha mẹ nên làm gì để giúp con? Đầu tiên, hãy quan sát, trao đổi để biết con có đang bị áp lực không, và có phải cha mẹ đang gây áp lực quá mức cho con hay không để điều chỉnh ứng xử cho phù hợp. Những trường hợp có dấu hiệu bệnh lý hãy sớm tìm đến bác sỹ.

Hãy khích lệ con những nỗ lực, dù chỉ rất nhỏ. Khơi dậy trong con sự tự tin, tự hào vì những ưu điểm mà con có. Tuyệt đối không so sánh con với 'con người ta'.

Không hoặc hạn chế mắng mỏ con trong lúc bức xúc, tức giận vì lúc ấy khó kiểm soát được lời lẽ, cần trì hoãn để có thể nói chuyện với con bình tĩnh hơn. Những lời lẽ xúc phạm hoặc thô tục có thể khiến con tổn thương nặng nề.

Không ngại thừa nhận, hoặc chủ động kể cho con về những điểm yếu, những thất bại mà mình đã trải qua và cố gắng vượt lên. 

Đây là việc nhiều cha mẹ đã tránh né, nhưng thực tế nó rất hữu ích nếu có thể giúp con tránh được sai lầm mình từng vấp phải, hoặc cho con biết cha mẹ cũng không hoàn hảo, điều quan trọng là luôn biết cố gắng.

Bài viết trích từ cuốn sách "Tuổi Teen yêu dấu" của tác giả Chu Hồng Vân (bút danh Vĩnh Hà) và Vũ Thu Hà. Sách viết về lứa tuổi dậy thì từ 12-15 do Nhã Nam xuất bản, dự kiến phát hành giữa năm 2018.

Thông qua cuốn sách, nhóm tác giả hi vọng mang lại những hiểu biết nhất định về lứa tuổi 12-15 để người lớn cảm thông, yêu thương, giúp đỡ teen, cũng như để teen hiểu hơn tâm tư, lo nghĩ của bậc làm cha mẹ...

Con mệt lắm, con buông xuôi tất cả... Con mệt lắm, con buông xuôi tất cả...

TTO - Sự việc nam sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM nhảy lầu tự tử vì áp lực học hành không phải trường hợp đầu tiên xảy ra. Những 'người lớn' nghĩ gì về chuyện này?

CHU HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên