Ðọc bài viết “Quét lớp cũng là một môn học” của tác giả Lê Minh Hoàng (Tuổi Trẻ ngày 24-12), tôi thật bất ngờ khi nội dung bài viết phản ánh ý tưởng thu phí vệ sinh để thuê người quét lớp và giải phóng việc trực nhật cho học sinh lại được xem là “Ðề tài sáng kiến kinh nghiệm”.
Thú thật, với tôi, nó đi ngược lại với quan niệm “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” (UNESCO). Sáng kiến kinh nghiệm ấy còn đâu là “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Là giáo viên dạy nhiều môi trường khác nhau (công lập, tư thục, GDTX) nhưng tôi chưa thấy trường nào việc vệ sinh lớp học lại giao phó hoàn toàn cho nhân viên lao công.
Những người lao công tham gia việc vệ sinh trường lớp trước và sau giờ học nhằm mục đích lớp học sạch, đẹp và thơm tho hơn. Còn lại, học sinh vẫn tham gia việc vệ sinh lớp học của mình.Về việc trực nhật lớp học được phân công rõ ràng để mỗi thành viên trong lớp phải có trách nhiệm với tập thể và ý thức bảo vệ môi trường.
Những năm trước đây có những em khi được phân công quét lớp thì không chịu làm mà chọn phương án lau bảng. Hỏi vì sao em không quét lớp như các bạn khác, học sinh ấy trả lời một cách hồn nhiên là không biết quét, chưa bao giờ cầm chổi quét. Tôi liền cầm chổi và “hướng dẫn” những học trò ấy quét. Tôi hài hước nói với các em: “Không sao, chưa biết quét thì thầy dạy em biết quét”.
Chỉ một lần, sau đó những trường hợp không biết quét tự khắc phải biết. Một việc làm mà đứa trẻ lên sáu lên bảy tuổi cần biết làm thế mà có những học trò THPT lại không biết làm vì “ở nhà chưa bao giờ cầm chổi quét”.
Việc vệ sinh trường lớp là trách nhiệm của học trò. Muốn làm được điều đó thì trước hết sự giáo dục của gia đình góp phần không nhỏ. Những bậc làm cha làm mẹ vì quá thương con mà không dạy con làm những việc nhỏ này khiến con trẻ có thói ỷ lại người khác.
Và tính ích kỷ ấy lại “thực hiện” ở trường lớp. Còn với nhà trường, cần để học sinh vệ sinh lớp học để các em ý thức được việc giữ gìn vệ sinh chung và tôn trọng những nhân viên lao công trong trường học.
Chúng ta cần dạy các em những bài học rất thực tế ấy. Những bài học nhỏ nhưng rất cần thiết. Ðó chính là những bài học quý báu để từ đó làm được nhiều việc to tát hơn. Hãy dạy học sinh từ các bài học nhỏ thiết thực còn hơn những bài học cao siêu mà sáo rỗng, những bài học suông thiếu thực tế. Cần dạy học sinh kỹ năng sống, bài học làm người từ những việc nhỏ.
Xin nhắc lại lời tác giả như một thông điệp dành cho bậc làm cha làm mẹ, làm nhà giáo rằng: “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh không phải là cái gì đó quá cao siêu mà kỹ năng sống bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất, gần gũi nhất trong gia đình và trong trường học: quét dọn nhà cửa, lớp, bàn ghế, sân trường”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận