26/06/2022 12:50 GMT+7

Về phá Tam Giang nghe huyền thoại 'cọp nước'

TRẦN MAI - NHẬT LINH
TRẦN MAI - NHẬT LINH

TTO - Hệ đầm phá Tam Giang có diện tích trên 216km2, kéo dài 68km nổi tiếng với nhiều loại cá. Có con nặng hàng chục ký như cá vượt, cá buôi, cá lụy, cá chình... Trong đó loài "cọp nước" (cá mú cọp) được xem là loài cá to nhất, nặng đến hàng trăm ký.

Về phá Tam Giang nghe huyền thoại cọp nước - Ảnh 1.

“Cọp nước” phá Tam Giang, Thừa Thiên Huế, được gia đình ông Bình nuôi dưỡng nặng khoảng 100kg, dài hơn 1,5m - Ảnh: NHẬT LINH

Tuy nhiên, hiện nhiều loài cá "khủng" trên chỉ còn trong câu chuyện kể, bởi cả chục năm qua chưa có ngư dân nào tận mắt thấy. Vậy mà gia đình ông Trần Bình (55 tuổi, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) lại đang nuôi thành công một con "cọp nước" nặng cả trăm ký.

Lần hiếm hoi thấy đàn "cọp nước"

Ngược dòng ký ức, ông Bình kể về cuộc "đánh trận" ngay cửa Tư Hiền cách đây 18 năm. Đó là năm 2004, cầu Tư Hiền khởi công xây dựng. 

"Cá mú cọp còn có tên gọi khác là cá mú nghệ, cá mú thụy, sống trong hang nên ít thấy chúng xuất hiện. Tui cũng lần đầu tiên tận mắt thấy loài cá này ở trên phá. Có lẽ lúc làm cầu đã động vào hang, một đàn cá mú cọp bơi dưới chân cầu", ông Bình nhớ lại.

Khi thấy đàn cá, những ngư dân lão luyện cùng trai tráng sử dụng ngư cụ lao ra phía chân cầu. Họ rượt đuổi, dùng tất cả kinh nghiệm vây bắt đàn cá này. Với ông Bình, đó thật sự là một cuộc chiến vì loài cá này rất khỏe. Phải rất vất vả, ngư dân mới bắt được gần 20 con cá mú cọp nặng từ 4-6kg.

Câu chuyện quá khứ được chắp nối, vùng đất cuối phá Tam Giang - Cầu Hai này được vây quanh bởi núi Rẫm, chân núi Rẫm đổ ra phá tạo nên một hệ sinh thái đặc biệt. Những hang hốc và độ mặn ở khu vực này quá thích hợp cho loài mú cọp sinh sống. Trước khi phát hiện đàn cá ấy, đã có nhiều ngư dân bị rách toạc tấm lưới lớn mà không biết nguyên nhân. 

"Người dân ở đây gọi loại này là cá mú cọp bởi chúng to lớn, thân hình vện vằn và đặc biệt bản tính rất hung dữ. Chúng thường sống theo đàn nhưng khi lớn thường tách ra sống riêng trong các hang", ông Bình chia sẻ.

Lần đó, ông Bình mua tất cả số cá mú cọp ngư dân bắt được dưới chân cầu Tư Hiền mang về nuôi. Chúng lớn nhanh như thổi, mỗi năm có thể tăng cả chục ký. Từ một lồng nuôi đổi lên 2 lồng, rồi 3 lồng, rồi 4 lồng. Lần cuối cùng là 2 con/lồng. Khi cá đạt trọng lượng vài chục ký, ông Bình bán dần nhưng chỉ bán cho những người quen. 

"Lúc đó tôi cứ nghĩ sau này ngư dân sẽ bắt được những con cá mú cọp khác ngoài tự nhiên sẽ mua về nuôi tiếp. Nhưng từ đó đến nay, rải "vệ tinh" khắp nơi vẫn chẳng thấy tăm hơi", ông Bình nói.

Bán một con cá, tiếc mấy năm trời

Dẫn chúng tôi ra khu vực lồng nuôi đặt ngay trên phá Tam Giang, bỗng từ một lồng nước tung tóe lên khi ông Bình ném một con cá ngừ nặng tầm 4kg xuống. Một cái miệng lớn lao lên ngoạm con cá ngừ, phút chốc mất hút dưới đáy sâu. 

Ông Bình bảo khi đói, cá mú cọp rất hung dữ, có thể phá cả lồng nuôi. Đây cũng là con cá mú cọp cuối cùng ông Bình giữ lại trong đàn cá mua về năm 2004. 18 năm chăm sóc, con cá dài khoảng 1,5m, nặng tầm 100kg.

Trong câu chuyện của mình, ông Bình tỏ ra tiếc nuối khi cách đây 4 năm, ông bán một con cá mú cọp cho người bạn ở TP.HCM vì lời hứa đã lâu. Khi ấy ông Bình chỉ còn 2 con cá mú cọp, đành bán cho bạn con dài 1,3m, nặng hơn 50kg. 

Để bán con cá ấy, ông Bình phải "lén lút" lúc cả nhà đi vắng nên đến giờ vợ ông Bình, bà Trịnh Thị Lệ Trang (57 tuổi), vẫn còn tiếc nuối: "Có ổng mới bán vậy, chứ tui có tiền tỉ cũng không bán".

Nhắc chuyện bán cá như động đến một mất mát nào đó, bà Trang ào ào kể buổi sáng sau hôm ông Bình bán cá, bà và hai người con về nhà mang thức ăn ra cho cá như thường ngày. Những ngày trước đó, chỉ cần nghe tiếng bước chân, 2 con cá sẽ trồi lên nhưng hôm ấy chỉ thấy 1 con, bà Trang nghĩ cá bị ốm, hốt hoảng gọi chồng con. Lúc này ông Bình mới thú thật.

Thế là vợ con ông Bình òa khóc, Với bà Trang, 2 con cá mú cọp khổng lồ ấy như những thành viên trong gia đình. 

"Mấy lần nước nguồn về (nước lũ), độ mặn giảm, 2 con cá nằm yên dưới đáy nước cả nửa tháng, tôi lo đến mức cơm ăn không nổi. Nên khi ổng bán mất 1 con hỏi sao không tiếc xót", bà Trang giãi bày.

Nhắc lại chuyện cũ thì ông Bình cũng ước thời gian quay trở lại, để ngồi lại mong người bạn thông cảm mà cho thất hứa về việc bán cho con cá mú cọp. Ông nói giờ chính ông cũng buồn khi nghĩ về việc con cá mú cọp nhà ông đang "cô đơn". 

Nói rồi ông ước giá như có ngư dân nào đó bắt được thêm một con "cọp nước" ở phá Tam Giang này, ông sẽ tìm mua về chăm sóc, bảo tồn. Đó như một cách sửa sai nhưng nguyện vọng ấy vẫn chưa thực hiện được.

Mong ước hệ sinh thái phá Tam Giang trở lại

Con "cọp nước" mà gia đình ông Bình nuôi rất nổi tiếng, đến nỗi ở vùng đất cuối phá Tam Giang này hỏi nhà ông Bình thì chưa chắc ai cũng biết chứ hỏi: "Nhà có con cá mú cọp nặng trăm ký" thì được chỉ dẫn tận tình ngay.

Đã ngoài 80 tuổi, một đời sông nước nơi phá Tam Giang - Cầu Hai nhưng lão ngư Nguyễn Văn Anh nói giờ hết cá to khủng như vậy rồi. Thời còn thanh niên, ông Anh cũng nghe bạn chài bắt được cá vượt, cá buôi, cá lụy, cá chình nặng vài chục ký nhưng vài chục năm qua chẳng còn nghe đến nữa. 

"Ước gì Tam Giang trở lại thời xưa, tôm cá đa dạng", ông Anh nói.

Đứng từ cầu Tư Hiền thả tầm mắt đến mờ đục vẫn chưa thấy điểm cuối của phá Tam Giang, đầm phá nước lợ rộng nhất Đông Nam Á, từng là nơi trú ngụ của các loài thủy ngư khủng lẽ nào giờ chỉ còn mặt nước chao nghiêng và vài loài cá nhỏ. 

Ông Bình cũng biết điều đó nên bây giờ người đàn ông "thuần dưỡng cọp nước" đi khắp nơi để lại thông tin cho ngư dân ai bắt được cá vượt, cá lụy, cá chình, cá buôi..., đặc biệt là con "cọp nước" to lớn ông sẽ mua mang về nuôi để bảo tồn nhằm giữ lại cho Tam Giang những loài cá đi vào huyền thoại.

Và hơn hết, ông Bình cứ mong các nhà khoa học nghiên cứu, tìm cách nhân giống "cọp nước". Chỉ cần có cơ quan chuyên môn đặt vấn đề, ông Bình lập tức hợp tác. Bởi với ông, sẽ thật hối tiếc nếu "cọp nước" vì tuổi cao hay sức khỏe yếu mất đi.

"Hiện có rất nhiều người đến chiêm ngưỡng cá, tôi rất vui nhưng cũng rất lo bởi mỗi lần như vậy tôi phải dỡ lồng, kéo lưới lên mặt nước cho mọi người xem. Điều đó rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. 

Ngoài mong nhân giống, thả về với Tam Giang, tôi còn mong có người hướng dẫn và làm hồ đủ lớn để cá sinh sống, dễ dàng cho du khách ngắm", ông Bình chia sẻ.

Sẽ đến tận nơi xem tình trạng và nghiên cứu

22626hinhchinh 3(Read-Only)

Phá Tam Giang nổi tiếng với những loài cá ngon, thơm, thịt chắc sống ở vùng nước lợ - Ảnh: VĂN ĐÌNH HUY

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, nói con cá mú ông Bình đang nuôi thuộc dạng cực hiếm trên hệ sinh thái Tam Giang - Cầu Hai.

Trong thời gian dài, chưa có thông tin ngư dân đánh bắt được loài cá nào nặng vài chục ký, chứ đừng nói là cả trăm ký. Rõ ràng hệ sinh thái phá Tam Giang - Cầu Hai đang thưa vắng các loài khủng ngư, tức là đã bất bình thường.

Nghe chúng tôi kể về ước mong nhân giống và thả loài "cọp nước" về phá Tam Giang của ngư dân Bình, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế nói cục sẽ đến tận nơi để xem tình trạng con cá và nghiên cứu, đề xuất các đơn vị liên quan về việc nhân giống loài cá mú khủng này, nhằm bảo tồn đa dạng cho hệ sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

"Về đề xuất xây ao, bể nuôi cá và biến con cá khủng này thành sản phẩm du lịch e hơi khó vì không có kinh phí", ông Nguyễn Quang Vinh Bình nói.

Làng chài cuối cùng trên phá Tam Giang Làng chài cuối cùng trên phá Tam Giang

TTO - Qua khỏi cầu Tam Giang, làng chài có tên là xóm Sáo (xã Điền Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) hiện ra yên bình trong ánh chiều tà với hàng chục ngôi nhà chồ dựng trên mặt nước.

TRẦN MAI - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên